Bệnh u dây thần kinh thính giác và những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

U dây thần kinh thính giác là một khối u lành tính nằm ở góc cầu tiểu não. Nếu không được phát hiện, điều trị sớm, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường như gây liệt các dây thần kinh, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

1. U dây thần kinh thính giác là gì?

U dây thần kinh thính giác còn được gọi là u dây thần kinh số 8. Đây là một khối u lành tính, phát triển chậm, thường bắt đầu từ dây thần kinh sọ thứ 8 của não (dây thần kinh tiền đình). U dây thần kinh thính giác có thể ảnh hưởng tới 1 hoặc cả 2 bên tai, thường là 1 bên, có kích thước bằng đầu ngón tay hoặc quả trứng gà nhưng nằm trong hố não sau của sọ nên có thể gây nhiều rối loạn nghiêm trọng.

U dây thần kinh thính giác chiếm tỷ lệ khoảng 8% trong tổng số các khối u phát triển trong não. Nhóm tuổi thường mắc bệnh là 30 - 60 tuổi. Đến nay, nguyên nhân gây bệnh u dây thần kinh số 8 vẫn chưa được xác định rõ. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là do bố mẹ mang rối loạn gen thần kinh tuýp 2 truyền sang con.

2. Triệu chứng và dấu hiệu u dây thần kinh thính giác

U dây thần kinh số 8 tiến triển chậm, ở giai đoạn đầu các triệu chứng thường mờ nhạt, khiến người bệnh không phát hiện được bệnh sớm. Triệu chứng của bệnh cũng phụ thuộc vào độ lớn, vị trí xâm nhập và sự lan rộng của khối u.

Một số biểu hiện đặc trưng của bệnh ở giai đoạn đầu gồm:

  • Nghe kém: Tiến triển chậm, có thể từ vài tháng tới vài chục năm, thường là trong khoảng 2 năm. Bệnh nhân có thể bị mất thính giác đột ngột hoặc thoáng qua.
  • Ù tai: Nghe thấy tiếng chuông hoặc âm thanh rít lên trong tai.
  • Mất thăng bằng, hội chứng tiền đình kiểu trung ương (rung giật nhãn cầu);

Triệu chứng ở giai đoạn sau, khi khối u lan vào hố não sau và gây liệt một số dây thần kinh sọ:

  • Liệt dây thần kinh số 5: Mất phản xạ giác mạc, giảm cảm giác ngoài da ở nửa bên mặt có khối u, về sau bị liệt cơ nhai.
  • Liệt dây thần kinh số 6: Mắt của bên có khối u bị lác vào trong, nhức đầu từng cơn hoặc đôi khi bị đau đầu dữ dội.
  • Liệt dây thần kinh số 7: Liệt nhẹ nửa mặt hoặc co thắt cơ mặt ở bên có khối u.
  • Khi khối u lan vào góc tiểu cầu não và thân não: Các chi bị rối loạn, đi đứng loạng choạng, run tay chân, đi hay bị ngã về bên có khối u.
  • Triệu chứng tăng áp lực nội sọ: Đau đầu nặng vùng đỉnh đầu và gáy, nôn mửa,...

Các triệu chứng của bệnh sẽ tăng dần, có thể dẫn tới hôn mê tăng dần hoặc tụt kẹt hạnh nhân tiểu não, gây tử vong.


Nghe kém là dấu hiệu điển hình của u dây thần kinh thính giác giai đoạn đầu
Nghe kém là dấu hiệu điển hình của u dây thần kinh thính giác giai đoạn đầu

3. Chẩn đoán bệnh u dây thần kinh thính giác

Chẩn đoán sớm u dây thần kinh thính giác là yếu tố mang tính quyết định để ngăn chặn những biến chứng khó lường của bệnh. Các phương pháp chẩn đoán bệnh gồm:

  • Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh.
  • Kiểm tra thần kinh và kiểm tra thính giác bằng thính đồ lực.
  • Chụp sọ quy ước, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính não.

4. Điều trị u dây thần kinh số 8

Các phương pháp điều trị bệnh bao gồm phẫu thuật, xạ trị và theo dõi tình trạng bệnh nhân. Việc lựa chọn phương pháp điều trị nào sẽ phụ thuộc vào kích thước, tốc độ phát triển của khối u, mức độ suy yếu chức năng các cơ quan, độ tuổi, lối sống của bệnh nhân và các nguy cơ tai biến của phẫu thuật. Thông tin chi tiết về các phương pháp điều trị như sau:

  • Phẫu thuật

Đây là phương pháp điều trị đáng tin cậy nhất, đặc biệt là với trường hợp phát hiện bệnh khi khối u còn nhỏ, có thể phục hồi thính lực và chức năng các cơ quan lân cận của bệnh nhân. Ngoài ra, thay vì phẫu thuật truyền thống, bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật bằng dao Gamma để điều trị u dây thần kinh thính giác cho bệnh nhân. Phương pháp này sử dụng các tia bức xạ gamma năng lượng cao nhắm vào khối u, không gây ảnh hưởng tới khu vực lân cận.

Xạ phẫu có ưu điểm là tính không xâm lấn, ít biến chứng, đặc biệt là đối với các khối u có kích thước nhỏ hoặc nằm ở các vị trí phẫu thuật khó khăn. Với các khối u lớn, khó phẫu thuật triệt để thì bác sĩ có thể kết hợp phẫu thuật một phần rồi thực hiện kết hợp với xạ phẫu phần tồn dư.

  • Xạ trị

Phương pháp này giúp làm giảm kích thước hoặc hạn chế sự phát triển của khối u dây thần kinh thính giác. Phương pháp này được ưu tiên lựa chọn cho những người bệnh lớn tuổi, có sức khỏe kém, có khối u ảnh hưởng tới cả 2 tai hoặc khối u ảnh hưởng tới bên tai duy nhất còn khả năng nghe.

  • Theo dõi

Trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hay xạ trị, bác sĩ sẽ chỉ định theo dõi sự phát triển của khối u và thực hiện chụp MRI não định kỳ để đánh giá khối u.

5. Lưu ý trong và sau khi điều trị u dây thần kinh thính giác


Người bệnh cần chú ý đi tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tình hình tiến triển bệnh
Người bệnh cần chú ý đi tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tình hình tiến triển bệnh
  • Chú ý tới những di chứng có thể xảy ra của việc phẫu thuật bởi một phần của dây thần kinh điều khiển thính giác, thăng bằng hoặc dây thần kinh mặt có thể bị cắt bỏ. Các di chứng đó có thể là mất thính lực, rối loạn thăng bằng, liệt nửa mặt,...
  • Tái khám đúng lịch hẹn để được kiểm tra, theo dõi và áp dụng các phương pháp điều trị nhằm hạn chế diễn tiến của bệnh.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc.

Nếu để u dây thần kinh thính giác phát triển lớn mà không kịp thời chẩn đoán, điều trị, nó có thể cản trở sự lưu thông dịch não tủy, thậm chí gây tử vong. Do vậy, ngay khi có các triệu chứng cảnh báo bệnh, người bệnh nên đi khám để được chẩn đoán xác định và có phương án điều trị sớm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe