Các chuyên gia cho biết khả năng trầm cảm tái phát là rất cao. Người bệnh thường phải liên tục chiến đấu, thậm chí đợt tái phát sau còn tồi tệ hơn và có thể dẫn đến hậu quả nặng nề, nguy hiểm nhất là hành vi tự làm đau bản thân hoặc suy nghĩ tự tử.
1. Trầm cảm có tái phát không?
Theo kết quả thống kê, bệnh trầm cảm sau khi chữa khỏi vẫn có nguy cơ tái phát một lần hoặc nhiều lần. Những triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện trở lại sau khoảng 4 tháng chữa trầm cảm thành công. Tỷ lệ tái phát sẽ phụ thuộc vào số lần bạn đối mặt với trầm cảm, cụ thể:
- Người bị trầm cảm lần đầu có rủi ro tái phát là 50%;
- Nguy cơ tái phát ở những bệnh nhân mắc chứng trầm cảm lần 2 là 70%;
- Người mắc bệnh lần 3 có tỷ lệ tái phát cao đáng kể, lên đến 90%.
Xung quanh câu hỏi trầm cảm có tái phát không, các chuyên gia còn cho biết thêm tình trạng này dễ tái phát ở trẻ em, phổ biến nhất ở lứa tuổi vị thành niên (từ 10 - 19 tuổi). Theo Viện Nhi khoa Hoa Kỳ, trung bình có 1/10 người trẻ từ 16 tuổi trở lên mắc bệnh này. Hơn 50% các trường hợp rối loạn tâm thần đều xuất hiện trước tuổi 14 nhưng đều bị xem thường hoặc bỏ sót, làm ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của trẻ. Những trẻ em từng trải qua một đợt trầm cảm có nguy cơ mắc trầm cảm tái phát trong vòng 5 năm.
2. Nguyên nhân khiến trầm cảm tái phát
Các tác nhân có thể khiến trầm cảm tái phát bao gồm:
- Tự ý ngưng điều trị
Hầu hết người bị trầm cảm tái phát thừa nhận đã bỏ dở liệu trình điều trị. Khi bắt đầu cảm thấy ổn trở lại, họ tự quyết định không uống thuốc nữa và ngừng gặp bác sĩ tâm lý. Hậu quả là những triệu chứng vừa thuyên giảm sẽ quay lại, thậm chí đẩy bệnh nhân vào một đợt trầm cảm mới nặng nề hơn.
Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp quá trình chữa bệnh diễn ra an toàn và hiệu quả nhất. Nếu lo ngại những tác dụng phụ của thuốc, bạn cần chủ động duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa rủi ro tiềm ẩn.
- Sự ra đi của người thân
Theo thống kê tại Hoa Kỳ, trong 5 trường hợp trầm cảm tái phát thì có 1 bệnh nhân phải trải qua sự cố người thân yêu rời bỏ cõi đời. Đau khổ là cảm giác hiển nhiên và tất yếu khi phải đối mặt với mất mát lớn lao. Tuy nhiên, nếu cảm giác buồn khổ đó vẫn tiếp tục kéo dài dai dẳng sẽ dẫn đến trầm cảm tái phát.
- Trải qua sự kiện đau khổ
Tương tự, những sự kiện đau đớn, đẫm máu, tàn bạo và khủng khiếp (chiến tranh, thảm họa thiên nhiên, tấn công...) có thể khiến bệnh trầm cảm của nhiều người tái phát. Thậm chí khi những sự kiện này đã kết thúc, những ngày kỷ niệm hoặc ký ức gợi nhớ cũng có thể trở thành yếu tố tạo ra những đợt trầm cảm tái phát.
- Ly hôn
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy ly hôn là yếu tố hàng đầu khiến bệnh nhân phải chịu đựng những đợt trầm cảm mới. Trong đó, gần 60% người trưởng thành từng mắc bệnh trầm cảm sẽ lại đối mặt với vấn đề tâm lý sau khi chia tay bạn đời.
- Sống trong căn nhà u ám, lạnh lẽo
Mặc dù tình trạng này không thực sự được chẩn đoán cụ thể về mặt lâm sàng, tuy nhiên rất thường gặp ở những bậc phụ huynh lớn tuổi khi con cái họ đã trưởng thành, đi học xa, lập gia đình và chuyển ra ở riêng. Hoàn cảnh này khiến họ cảm thấy buồn bã, lẻ loi và cô độc, dẫn đến chứng trầm cảm tái phát.
- Thay đổi hormone
Đây là tình trạng đặc trưng của cơ thể phụ nữ, kéo theo sự thay đổi nồng độ của các chất hóa học kiểm soát cảm xúc bên trong não bộ. Chính vì vậy, nữ giới rất dễ bị trầm cảm trong độ tuổi dậy thì, trong và sau thời kỳ mang thai cũng như giai đoạn tiền mãn kinh - giai đoạn mà những hormone trong cơ thể biến đổi nhiều nhất.
- Nghiện ngập
Ham mê cờ bạc, rượu chè, thậm chí lạm dụng các phương tiện giải trí hiện đại quá nhiều cũng là những tác nhân gây ra trầm cảm. Lý do là vì khi bạn đang nghiện một thứ gì đó nhưng buộc phải ngừng tiếp xúc, sự thay đổi các hóa chất thần kinh có thể khiến bạn cảm thấy hụt hẫng, bực bội, khó chịu hay giận dữ.
3. Cách kiểm soát trầm cảm tái phát
3.1. Kiểm soát trầm cảm tái phát ở trẻ nhỏ
Nếu không được chữa trầm cảm đúng hướng, bệnh của trẻ có thể tái phát ở giai đoạn trưởng thành với mức độ nặng nề hơn. Vì vậy, phụ huynh cần kịp thời phát hiện và tích cực can thiệp ngay từ đợt trầm cảm đầu tiên của con.
Hiện nay, bác sĩ chuyên khoa thường chỉ định uống thuốc có chọn lọc, kết hợp với phương pháp trị liệu tâm lý cho những trẻ bị trầm cảm ở mức độ từ vừa đến nặng.
Song song đó, cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc và trò chuyện với con hàng ngày. Ngoài sẵn sàng lắng nghe nỗi lòng, chia sẻ khó khăn và giúp đỡ con, bố mẹ còn phải tránh những điều sau:
- Can thiệp quá sâu hay giành quyền quyết định của con;
- Chỉ trích gay gắt hoặc la mắng nặng lời khi con phạm lỗi;
- So sánh với “con nhà người ta”;
- Nghiêm khắc đến mức cực đoan.
Bằng tấm lòng yêu thương chân thành và sự thấu hiểu, các bậc phụ huynh có thể đồng hành cùng con vượt qua những giai đoạn khó khăn, đặc biệt là trầm cảm trong lứa tuổi dậy thì.
3.2. Kiểm soát trầm cảm tái phát ở người lớn
Chuyên gia cho biết khoảng 30% người dùng thuốc chống trầm cảm sẽ bị tái phát vào một năm sau đó. Để chủ động ngăn ngừa tình trạng này, bạn cần tuân thủ những nguyên tắc sau:
- Dùng thuốc đúng chỉ định
Người bệnh phải uống thuốc đúng thời gian, cùng một thời điểm nhất định trong ngày, đúng liều lượng và thăm khám định kỳ theo như lịch hẹn. Mặc dù có vẻ cứng nhắc và thụ động, song lưu ý này là một lời khuyên quan trọng hàng đầu, là yếu tố giúp chữa trầm cảm thành công và ngăn ngừa tái phát hiệu quả. Thực tế có đến gần một nửa số bệnh nhân trầm cảm không điều trị nội khoa theo đúng chỉ định.
- Kiểm tra các chứng bệnh khác
Một tình trạng bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng với thuốc chữa trầm cảm hoặc làm tâm trạng bạn càng thêm tồi tệ. Vì vậy, khi nhận thấy những đợt trầm cảm quay trở lại, hãy đến bệnh viện kiểm tra xem bạn có đang mắc phải một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn hay không, chẳng hạn như suy giáp, thiếu hụt vitamin, mất nước, đường huyết thấp, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, parkinson,...
- Điều chỉnh đơn thuốc
Một số trường hợp mắc bệnh trầm cảm cần được tăng liều thuốc để chống lại những biểu hiện tái phát. Thậm chí nếu loại thuốc hiện tại không phát hiệu quả, xuất hiện tình trạng kháng thuốc hoặc lệ thuộc thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đổi sang một số loại thuốc khác dưới sự giám sát cẩn thận, chặt chẽ trong suốt quá trình điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể tham khảo ý kiến thầy thuốc về việc kết hợp một số loại thực phẩm chức năng khác nhằm nâng cao hiệu quả chữa trầm cảm.
- Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp này có thể phát huy công dụng tương tự thuốc chống trầm cảm, thậm chí còn ngăn ngừa tái phát hiệu quả hơn. Việc kết hợp cả hai phương pháp sẽ mang đến nhiều lợi ích hơn so với hướng chữa trầm cảm riêng biệt.
- Lối sống lành mạnh
Người bệnh nên thực hiện về các biện pháp xoa dịu căng thẳng như thiền định và tập thể dục. Thông thường, những người lạm dụng rượu bia thường biểu hiện các rối loạn tâm thần. Vì vậy bạn cần cố gắng cai rượu để điều trị bệnh tình dứt điểm, tuyệt đối không dùng dù chỉ một lượng rất nhỏ. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học cũng giúp cải thiện triệu chứng trầm cảm nhanh chóng và hiệu quả. Trong đó, những thực phẩm giàu vitamin B12, omega-3, axit amin có khả năng tạo nên những thay đổi tích cực đối với não.
Cuối cùng, để ngăn chặn và đẩy lùi trầm cảm tái phát, người bệnh cần học cách suy nghĩ tích cực, lạc quan, nuôi dưỡng cảm xúc và chăm sóc bản thân, cũng như chủ động trò chuyện, chia sẻ cởi mở và sống chan hòa với những người xung quanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.