Bệnh thoái hóa điểm vàng: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi bị thoái hóa điểm vàng, thị giác của người bệnh sẽ giảm, thế giới xung quanh sẽ trở nên mờ nhạt và méo mó. Thoái hóa điểm vàng ở mắt tuy không gây đau đớn, nhưng khi đã mắc bệnh thì rất khó hồi phục, cuộc sống người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều.

1. Thoái hóa điểm vàng là gì?

Điểm vàng (còn gọi là hoàng điểm của mắt) là một bộ phận nằm sâu ở vùng trung tâm võng mạc. Đây là vùng nhạy cảm nhất của võng mạc, nơi tập trung hàng triệu tế bào cảm quan, đóng vai trò quan trọng trong thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết màu sắc, độ sắc nét của hình ảnh. Điểm vàng rất quan trọng đối với thị lực trung tâm.

Thoái hóa điểm vàng hay còn gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa các tế bào điểm vàng, làm mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác làm thị giác giảm, hình ảnh được nhìn thấy mờ, méo mó, biến dạng. Thoái hóa điểm vàng không gây ra mù hoàn toàn, tầm nhìn xung quanh của người bệnh vẫn còn bình thường nhưng làm khả năng đọc, lái xe, nhận dạng màu sắc, sự tương phản lại bị suy yếu nghiêm trọng. Thoái hóa điểm vàng là nguyên nhân gây mất thị lực hàng đầu trên thế giới, chiếm khoảng 50% tất cả các trường hợp khiếm thị.

2. Thoái hóa điểm vàng gồm những loại nào?

Có hai loại thoái hóa điểm vàngthoái hóa điểm vàng thể khôthoái hóa điểm vàng thể ướt. Cả hai dạng này đều bắt đầu trong lớp tế bào nuôi dưỡng võng mạc (Retinal Pigment Epthelium- RPE).

2.1 Thoái hóa điểm vàng thể khô

Là dạng phổ biến nhất, chiếm 85-90% các trường hợp thoái hóa điểm vàng. Bệnh phát triển dần dần, khi các tế bào nuôi dưỡng võng mạc chết đi, các tế bào võng mạc ở trên cũng chết, các mảng võng mạc sẽ biến mất. Bệnh thường xuất hiện và diễn biến âm thầm trong 5-10 năm trước khi có tình trạng suy giảm thị lực.

2.2 Thoái hóa điểm vàng thể ướt

Thoái hóa điểm vàng thể ướt tuy chỉ chiếm 10-15% số trường hợp, nhưng tính chất bệnh thường nặng, thị giác của bệnh nhân bị giảm đột ngột và nghiêm trọng trong thời gian ngắn. Thoái hóa điểm vàng thể ướt phát triển khi mạch máu mới phát triển mạnh dưới võng mạc, các mạch máu này có thể chảy máu, rỉ dịch gây ra sẹo võng mạc, làm mất thị giác trung tâm rất nhanh. Hình ảnh quan sát bị biến dạng, đường thẳng có thể bị nhìn thấy thành đường cong, xuất hiện điểm mù ở thị giác trung tâm, thấy ảo giác, nếu không được điều trị, điểm mù sẽ ngày càng lớn hơn.


Thoái hóa điểm vàng ở hai dạng thể khô và thể ướt
Thoái hóa điểm vàng ở hai dạng thể khô và thể ướt

3. Dấu hiệu nhận biết thoái hóa điểm vàng ở mắt

Thoái hóa điểm vàng thể ướt và thể khô đều không gây triệu chứng đau mắt. Dấu hiệu sớm nhất của thoái hóa điểm vàng thể khô là mắt mờ, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi đọc sách, lái xe hoặc khi làm những việc đòi hỏi tính chính xác cao. Mờ mắt thường biến mất khi nguồn sáng nhiều hơn. Nếu thoái hóa điểm vàng thể khô chỉ xuất hiện ở một mắt, người bệnh sẽ không nhận thấy sự thay đổi thị lực vì mắt còn lại vẫn còn nhìn thấy rõ ràng, người bệnh vẫn nhìn tốt như thường cho đến khi bệnh phát triển ở cả hai mắt.

Dấu hiệu bệnh đầu tiên và thường gặp nhất ở thoái hóa điểm vàng thể ướt là nhìn đường thẳng như cửa sổ nhưng lại thấy thành đường cong hoặc lượn sóng. Có thể xuất hiện điểm mù nhỏ gây mất thị lực trung tâm.

Tuy nhiên, do không mất thị lực hoàn toàn nên người bệnh thoái hóa điểm vàng vẫn có thể tự chăm sóc bản thân, không cần phụ thuộc người khác.

4. Đối tượng dễ mắc thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng ở mắt thường xuất hiện ở người cao tuổi. Tuổi tác là nguy cơ lớn nhất gây thoái hóa điểm vàng, có khoảng 10-12% những người trên 65 tuổi mắc bệnh thoái hóa điểm vàng, tỉ lệ người mắc bệnh trên 75 tuổi là 30%. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần nam giới. Những phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ thoái hóa điểm vàng cao hơn. Những nguy cơ khác bao gồm:

  • Chủng tộc: những người có da màu sáng dễ mắc thoái hóa hoàng điểm hơn những người có da tối màu.
  • Tiền sử gia đình: một người sẽ có nguy cơ thoái hóa điểm vàng cao hơn nếu trong gia đình đã có người thân mắc bệnh. Nếu gia đình có người bị thoái hóa điểm vàng, nên điều chỉnh lối sống để giảm các nguy cơ khác.
  • Hút thuốc: hút thuốc lá làm tăng gấp đôi nguy cơ thoái hóa điểm vàng. Kết quả của nhiều nghiên cứu có thể kết luận rằng, khói thuốc lá có thể gây thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác.
  • Béo phì: béo phì làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa điểm vàng, ngoài ra một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa béo phì và sự phát triển của thoái hóa điểm vàng ở mắt từ giai đoạn sớm chuyển sang giai đoạn nặng. Những người có chế độ ăn nhiều chất béo có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng dạng ướt.
  • Tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời: nếu thường xuyên làm việc ngoài trời mà mắt không được bảo vệ, tia cực tím sẽ làm tăng tốc độ quá trình thoái hóa điểm vàng.
  • Sử dụng nhiều các thiết bị điện tử: Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện thoại di động, máy tính, tivi,... là tác nhân làm điểm vàng thoái hóa nhanh hơn. Thoái hóa điểm vàng không còn là bệnh của người lớn tuổi, độ tuổi của người mắc bệnh đang trẻ dần.

Sử dụng nhiều các thiết bị điện tử dễ mắc thoái hóa điểm vàng
Sử dụng nhiều các thiết bị điện tử dễ mắc thoái hóa điểm vàng

5. Làm gì để phòng ngừa thoái hóa điểm vàng?

Thoái hóa điểm vàng không mang lại cảm giác đau đớn, nhưng khi bệnh đã nặng sẽ gây giảm thị giác, làm ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh. Thị giác khi đã giảm sẽ không thể phục hồi, các phương pháp điều trị chỉ nhằm mục đích làm chậm sự phát triển của bệnh. Do đó, cần quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa bệnh.

Để phòng ngừa thoái hóa điểm vàng ở mắt, nên thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng, ăn nhiều cá và các thực phẩm giàu omega, ăn giàu trái cây tươi, các rau lá xanh đậm, bổ sung các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Khi đi ra ngoài nắng, cần đeo kính râm để bảo vệ mắt. Điều quan trọng nhất là nên điều chỉnh thói quen, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi, laptop, máy tính bảng,...

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thái Hưng có kinh nghiệm 13 năm là bác sĩ điều trị bệnh về mắt tại Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Hiện là Bác sĩ Mắt tại Phòng khám Liên Chuyên khoa Khoa Khám bệnh - Nội khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe