Ảnh hưởng của chứng mù màu tới cuộc sống và sinh hoạt

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mặc dù vẫn có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh mình nhưng những người bệnh bị mù màu không thể phân biệt màu sắc giữa các đồ vật, điều này gây ra rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng khá lớn đến cuộc sống và công việc của người bệnh.

1. Mù màu là như thế nào?

Mù màu là một thuật ngữ y học chỉ sự khiếm khuyết về thị giác của con người. Người bệnh bị mù màu có thể nhìn thấy mọi vật nhưng không thể phân biệt màu sắc của chúng như những người bình thường khác.

Có những người bệnh chỉ bị mù màu tạm thời nhưng cũng có rất nhiều trường hợp phải chấp nhận sống chung với căn bệnh này suốt đời. Trong số đó, có rất ít người bệnh bị mù tất cả mọi màu sắc mà chỉ xảy ra sự nhầm lẫn giữa các màu vàng, xanh lá cây, cam và đỏ, trong đó:

  • Những người bị mù màu đỏ và xanh lá thường là do di truyền, nam giới chiếm khoảng 8% và nữ giới chiếm khoảng 0,4%, nguyên nhân xác định là do gen quy định mù màu đỏ và xanh lá nằm trên nhiễm sắc thể X (liên kết giới tính)
  • Những người bị mù màu xanh dương và vàng chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng số người bị bệnh mù màu, do gen quy định nằm trên nhiễm sắc thể không liên quan đến giới tính.

2. Ảnh hưởng của bệnh mù màu đến người bệnh


Về mặt cấu tạo, tất cả cả tế bào và đường dẫn truyền thần kinh ở trong mắt và não bộ của con người đều hiện diện từ khi mới sinh ra, phần phía sau của mắt, trong võng mạc có 2 loại tế bào: Tế bào hình que và tế bào hình nón.

  • Tế bào hình que: Là những tế bào có sự nhạy cảm với ánh sáng nhưng không thể nhìn thấy được các màu sắc khác nhau, tế bào hình que có nhiệm vụ giúp con người nhìn được mọi thứ vào ban đêm nhưng chỉ ở sắc thái xám, đen hoặc trắng.
  • Tế bào hình nón: Là những tế bào có sự phản ứng với ánh sáng nhiều hơn nên có thể giúp con người nhìn chi tiết hơn các vật thể và màu sắc của vật thể. Tế bào hình nón có 3 loại và mỗi loại sẽ tiếp nhận các màu riêng biệt bởi các tia sáng đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Nhờ sự kết hợp thông tin của từng cặp tế bào hình nón mà con người có được dải quang phổ rộng thường thấy. Những người bị mù màu sẽ bị khiếm khuyết 1 vài tế bào nón này.

Người bị mù màu sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến công việc và cuộc sống mặc dù vẫn có thể nhìn thấy mọi đồ vật xung quanh. Những khó khăn khi nhận biết màu sắc và phân biệt đồ vật có màu sắc khác nhau sẽ làm ảnh hưởng đến công việc hàng ngày, đặc biệt là những việc liên quan đến thiết kế, đồ họa, lái xe...Ngoài những người bị mù màu do di truyền thì cũng có những người mù màu tạm thời do gặp phải chấn thương làm tổn thương não hoặc võng mạc hoặc các bệnh lý ở mắt....Đối với những người bị mù màu xanh lá và đỏ mà làm công việc lái xe thì họ có thể sẽ được lấy bằng lái xe nhưng không được cấp bằng lái thương mại và không được phép lái xe vào ban đêm, đây có thể là ảnh hưởng khá lớn đến công việc mà người bệnh sẽ phải chấp nhận.


Ảnh hưởng của bệnh mù màu đến người bệnh
Ảnh hưởng của bệnh mù màu đến người bệnh

Đối với những người bị mù màu tạm thời, họ có thể không nhận ra cho đến khi có người phản ánh và điều này sẽ tác động liên tâm lý của người bệnh, có người sẽ bị sốc và khó chấp nhận hiện tượng này.

Trong cuộc sống, những người bị mù màu sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc phân biệt đồ vật có màu sắc khác nhau hoặc đơn giản là lựa chọn để phối đồ mặc hàng ngày và như vậy lại phải cần đến sự giúp đỡ của người thân.

Cho đến thời điểm hiện tại thì y học vẫn chưa tìm ra cách chữa bệnh mù màu, tuy nhiên, người bệnh có thể cải thiện khả năng phân biệt màu sắc của mình bằng cách sử dụng các loại kính dành riêng cho người mù màu (kính lọc và kính tiếp xúc nhuộm màu)...Thay vì tìm cách chữa trị thì người bị mù màu cần học cách chấp nhận và sống chung với căn bệnh này, mặc dù có những ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống nhưng về lâu dài sẽ dần quen với việc này.

3. Thói quen giúp hạn chế diễn tiến bệnh mù màu

Mặc dù không có cách chữa dứt điểm bệnh mù màu ở người bệnh bị mù màu nhưng nếu biết cách áp dụng một số thói quen trong sinh hoạt và cuộc sống sẽ giúp hạn chế diễn tiến của bệnh mù màu đáng kể. Người bệnh cần:

  • Học cách ghi nhớ thứ tự của các màu sắc (khi tham gia giao thông sẽ dễ dàng hơn khi gặp đèn xanh đèn đỏ).
  • Nhờ người thân có khả năng phân biệt màu sắc bình thường để dán tên màu lên những đồ dùng quen thuộc hoặc quần áo.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ và sử dụng thuốc điều trị (nếu muốn) theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Xây dựng chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để không gia tăng thêm các bệnh lý về mắt.
  • Có chế độ ăn uống đảm bảo khoa học với các chất dinh dưỡng giúp mắt sáng khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe