Bệnh thấp tim ở trẻ em có thể phòng ngừa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Nguyễn Thùy Đoan Trang - Trưởng nhóm Tuần hoàn ngoài cơ thể - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ là chuyên gia về Tuần hoàn ngoài cơ thể trong phẫu thuật tim và hồi sức tim, điều trị nội khoa Tim mạch.

Bệnh thấp gây tổn thương ở nhiều cơ quan, chủ yếu là tim, khớp, hệ thần kinh, da và mô dưới da... trong đó tổn thương nguy hiểm nhất là ở tim. Bệnh thấp tim là nguyên nhân chủ yếu của bệnh tim gặp phải ở trẻ em từ 5-15 tuổi. Vậy bệnh thấp tim ở trẻ em có thể phòng ngừa được không? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Bệnh thấp tim ở trẻ em là gì?

Bệnh thấp khớp cấp còn được gọi là sốt thấp. Đây là bệnh hệ thống miễn dịch trung gian liên quan đến nhiễm khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn tan máu bê-ta nhóm A). Ngoài tổn thương khớp, bệnh còn gây tổn thương tim, tổ chức liên kết dưới da, đôi khi thấy tổn thương não.


Thấp tim ở trẻ em
Thấp tim ở trẻ em

Thấp tim ở trẻ em khởi phát là viêm họng cấp với các triệu chứng như: niêm mạc thành sau họng và amidan sung huyết, đỏ rực, có thể có những chấm mủ trắng, toàn thân sốt cao, dao động, da xanh, suy kiệt, nổi hạch góc hàm.

2. Biểu hiện của bệnh thấp tim trẻ em

Các biểu hiện thấp tim ở trẻ xuất hiện sau 2 - 4 tuần nhiễm liên cầu. Tổn thương cơ tim và màng trong tim là chủ yếu. Viêm cơ tim thường đồng thời với tổn thương màng trong tim và màng ngoài tim.

Tổn thương phổ biến nhất của viêm nội mạc là hở và hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ. Bệnh cảnh nhiều khi rất nguy kịch: sốt cao, xanh tái, khó thở, tim đập rất nhanh, loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao...

Biểu hiện thần kinh là triệu chứng muộn của thấp tim, xuất hiện nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm liên cầu, đó là các vận động nhanh, không tự chủ, không định hướng, không mục đích, tăng lên khi xúc động, mất đi khi ngủ.

3. Nguyên nhân gây bệnh thấp tim ở trẻ em

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh thấp tim là do nhiễm liên cầu khuẩn tan máu nhóm A đường hô hấp trên. Chính vì vậy ở những nước phát triển rất hiếm trường hợp trẻ em mắc phải căn bệnh này. Lý do nước ta có tỷ lệ trẻ em bị thấp tim khá cao là do điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng còn kém, nếu muốn giảm tỷ lệ người mắc bệnh thì cần có sự phát triển đồng bộ về vấn đề vệ sinh - dinh dưỡng.

Bệnh diễn tiến âm thầm, gần như chỉ đến khi biến chứng vào tim mới phát hiện ra bệnh. Có khoảng 50% người bị van tim là do thấp tim.

Bệnh thấp tim và viêm họng có mối quan hệ chặt chẽ, người ta đã nghiên cứu và thấy rằng có sự tăng rõ rệt kháng thể kháng liên cầu Streptolysin O ở trong huyết thanh của bệnh nhân thấp tim.

Bệnh không do liên cầu trực tiếp gây ra mà thông qua cơ chế miễn dịch. Sau khoảng 3 tuần bị viêm đường hô hấp trên người bệnh mới có biểu hiện bị thấp tim, trong đó có 3% số trẻ bị nhiễm liên cầu nhóm A sẽ phát triển thành thấp tim, 50% số bệnh nhân trước đây đã từng bị thấp tim sẽ có nguy cơ tái phát.

4. Biến chứng của bệnh thấp tim ở trẻ em

Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng do viêm cơ tim dẫn tới suy tim cấp hoặc rối loạn nhịp tim đôi khi đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân cũng thường bị đau khớp nhiều có thể kèm theo sưng, nóng đỏ. Tuy vậy, viêm khớp này ít để lại di chứng. Những ảnh hưởng đến não cũng đáng sợ với tổn thương hệ thống ngoại tháp gây biểu hiện múa vờn hay múa giật. Rất may là các tổn thương trên não đa số hồi phục không để lại di chứng.

Vấn đề quan trọng nhất của thấp tim là sự tái phát và tiến triển dẫn đến những tổn thương không phục hồi các van tim, khi đó gọi là bệnh tim do thấp. Các tổn thương này ngày một nặng gây ra những ảnh hưởng nặng nề cho bệnh nhân về chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ.

Các bệnh tim do thấp hay gặp nhất là hẹp van hai lá, hở van hai lá, hở van động mạch chủ... hoặc phối hợp tổn thương đa van tim. Hậu quả là, nếu các bệnh van tim do thấp này không được điều trị kịp thời sẽ gây suy tim, hoặc bệnh nhân cũng có thể có các biến chứng cấp như tắc mạch, phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim...

5. Bệnh thấp tim trẻ em có phòng ngừa được không?

Mặc dù bệnh thấp tim ở trẻ em rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách thực hiện lối sống và sinh hoạt như: giữ môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh cơ thể và vùng mũi họng thường xuyên, sạch sẽ, giữ ấm cổ, ngực, mũi họng về mùa đông, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.

Trẻ bị viêm họng nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc thích hợp. Trong trường hợp trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn cần uống hoặc tiêm kháng sinh.


Trẻ bị viêm họng nên đi khám bác sĩ
Trẻ bị viêm họng nên đi khám bác sĩ

Cần dùng liệu pháp kháng sinh để dự phòng cho những bệnh nhân đã từng bị mắc bệnh thấp khớp hay thấp tim. Thuốc có thể dùng là penicilin. Cần phải uống thuốc để dự phòng liên tục trong suốt thời kỳ thiếu niên.

Những trẻ đã từng mắc bệnh thấp tim và có di chứng hẹp hở van tim phải giữ vệ sinh răng miệng, đánh răng sau mỗi bữa ăn để phòng ngừa nhiễm khuẩn răng miệng có thể dẫn tới nhiễm khuẩn máu và nội tâm mạc.

Khi nhổ răng hoặc phải làm thủ thuật hay phẫu thuật, cần phải thông báo cho bác sĩ biết có bệnh tim để được cho kháng sinh dự phòng.

Cha mẹ phải cho trẻ tái khám định kỳ mỗi 4 tuần, 3 hoặc 6 tháng tùy theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên bỏ tái khám vì bệnh sẽ có thể tái phát và nặng lên nhiều hơn.

Cho đến nay chưa có vắc xin chống liên cầu khuẩn, vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh nhiễm liên cầu khuẩn vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh bệnh thấp tim.

Bệnh thấp tim trẻ em có biến chứng rất nguy hiểm vì vậy việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Ngay khi thấy trẻ có những dấu hiệu bệnh cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe