Bài viết được viết bởi Dược sĩ Dương Thanh Hải - Dược sĩ lâm sàng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Bạn đang lo lắng vì viêm họng do liên cầu? Mặc dù viêm họng chủ yếu do vi rút gây ra và không cần dùng đến kháng sinh, nhưng khi bị viêm họng do liên cầu khuẩn nếu không được điều trị kháng sinh hợp lý thì có thể gặp phải các biến chứng nặng nề như viêm cầu thận hoặc thấp khớp cấp (hay còn gọi là thấp tim). Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin cần lưu ý khi sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm họng do liên cầu.
1. Viêm họng do liên cầu khuẩn
Viêm họng liên cầu là một bệnh lý nhiễm trùng do chủng liên cầu khuẩn gây ra, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, chủ yếu gặp ở trẻ em nhiều hơn, trong độ tuổi từ 3 – 15 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trong số các chủng vi khuẩn gây viêm họng, tác nhân hay gặp nhất là liên cầu khuẩn nhóm A Streptococcus pyogenes.
Vi khuẩn này sống trong mũi, họng và có thể lây lan dễ dàng từ người sang người thông qua các giọt bắn từ dịch tiết đường hô hấp. Viêm họng do liên cầu thường biểu hiện với các triệu chứng sốt cao, đau rát họng từ rất sớm, đau nhiều khi nuốt, amidan sưng đỏ xuất tiết, hạch bạch huyết ở cổ sưng to.
Ngoài ra, một số người có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, đặc biệt là trẻ em. Viêm họng liên cầu ít khi bị ho, sổ mũi hay tiêu chảy như viêm họng do vi rút. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào triệu chứng của người bệnh thì thường khó phân biệt giữa viêm họng do vi rút hay viêm họng do liên cầu.
Do đó, nhiều trường hợp bác sĩ sẽ kiểm tra bằng xét nghiệm chẩn đoán nhanh bằng dịch phết họng để xác định nguyên nhân có phải do liên cầu A hay không. Nếu xét nghiệm nhanh âm tính, bác sỹ có thể thực hiện thêm xét nghiệm nuôi cấy để tìm vi khuẩn liên cầu, nhưng xét nghiệm này sẽ mất khoảng 3 – 5 ngày để có kết quả, và thường chỉ được tiến hành chủ yếu trên trẻ em.
Đây là nhóm có nguy cơ xảy ra các biến chứng viêm cầu thận hoặc thấp khớp cấp. Khi được chẩn đoán viêm họng liên cầu, để ngăn ngừa các biến chứng này, bác sĩ sẽ kê kháng sinh cho người bệnh.
2. Kháng sinh nào được dùng điều trị viêm họng liên cầu?
Một số người có thể nhiễm liên cầu nhưng không có triệu chứng viêm họng. Những người này được gọi bằng thuật ngữ “carrier” - người lành mang vi khuẩn, thường không cần sử dụng kháng sinh bởi vì hiếm khi xảy ra biến chứng cũng như lây sang cho người khác.
Tuy nhiên, khi bị viêm họng do liên cầu, sử dụng kháng sinh sẽ mang lại những lợi ích bao gồm: giảm các triệu chứng khó chịu, rút ngắn thời gian bị bệnh, ngăn ngừa lây vi khuẩn cho người khác và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra như áp xe thành sau họng, viêm amidan hốc mủ hoặc thấp khớp cấp...
Khi lựa chọn kháng sinh điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc dựa trên các yếu tố về hiệu quả, khả năng tác dụng của kháng sinh trên vi khuẩn liên cầu, tính an toàn, lịch dùng thuốc, chi phí và cả đặc điểm tuân thủ thuốc của người bệnh. Kháng sinh được ưu tiên lựa chọn điều trị viêm họng do liên cầu là penicillin hoặc amoxicillin. Amoxicillin được ưa dùng hơn do mùi vị dễ chịu và khả năng hấp thu tốt hơn.
Trong một số trường hợp người bệnh không dung nạp được với các thuốc này (ví dụ: dị ứng với penicillin) bác sĩ có thể thay thế bằng các lựa chọn khác như: clindamycin, azithromycin, clarithromycin hoặc một số kháng sinh nhóm cephalosporin. Hầu hết người bệnh chỉ cần dùng kháng sinh đường uống. Tuy nhiên, nếu như người bệnh không tuân thủ dùng hết được đợt kháng sinh, bác sỹ có thể lựa chọn dùng 1 liều kháng sinh benzathine penicillin G tiêm bắp duy nhất.
3. Cần lưu ý gì khi sử dụng kháng sinh điều trị liên cầu?
Penicillin, amoxicillin là những kháng sinh có hiệu quả tốt với viêm họng do liên cầu. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy đỡ chỉ sau một vài ngày dùng kháng sinh. Nếu các triệu chứng không đỡ hơn sau 48 giờ dùng kháng sinh thì người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để điều chỉnh lại phác đồ điều trị.
Đôi khi, có thể xảy ra viêm họng do vi rút ở những người lành mang vi khuẩn và kháng sinh sẽ không có tác dụng. Ngược lại, khi người bệnh đáp ứng tốt với kháng sinh, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và người bệnh nhanh chóng thấy khỏi bệnh. Nhưng vẫn cần phải tiếp tục sử dụng kháng sinh penicillin hoặc amoxicillin đủ 10 ngày. Bởi vì, điều trị đủ 10 ngày kháng sinh giúp tăng khả năng loại bỏ liên cầu khuẩn trong hầu họng so với liệu trình ngắn từ 5 – 7 ngày. Do đó, người bệnh không nên chủ quan tự ý ngừng kháng sinh khi thấy triệu chứng đã cải thiện.
Kháng sinh penicillin hay amoxicillin để điều trị liên cầu là các kháng sinh tương đối an toàn. Tuy nhiên, bất kỳ thuốc nào cũng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Mặc dù hiếm gặp, nhưng người bệnh có thể gặp phản ứng dị ứng khi dùng thuốc, với các dấu hiệu như: ngứa, ban đỏ, bọng nước hoặc các dấu hiệu nặng hơn như phù mặt, miệng, khò khè, khó thở, khó nuốt và cần phải báo ngay cho nhân viên y tế. Ngoài ra, khi dùng kháng sinh kéo dài, có thể gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa nhẹ do loạn khuẩn ruột hoặc tiêu chảy nặng cần nhập viện. Khi đó, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ được biết về kháng sinh và thời gian sử dụng thuốc.
Viêm họng do liên cầu có thể xảy ra nhiều lần trên một người bệnh và không có vắc-xin nào dự phòng được. Để bảo vệ bản thân và ngăn ngừa lây vi khuẩn cho những người xung quanh, người bệnh nên nghỉ ngơi tại nhà trong vòng vài ngày đầu mắc bệnh cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che mũi miệng khi ho, hắt hơi. Dùng thuốc kháng sinh đủ liều, đủ số lần dùng và đủ thời gian của đợt điều trị như đơn kê của bác sĩ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế uy tín, có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, có học hàm, học vị cao trong ngành. Tại đây, không chỉ quy tụ đội ngũ bác sĩ nổi tiếng trong nước mà còn cả các bác sĩ quốc tế, mang đến những phác đồ điều trị mới và hiệu quả nhất hiện nay.
Hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, tiện nghi, môi trường sạch sẽ, đáp ứng theo yêu cầu nghiêm ngặt của Bộ Y tế giúp người bệnh an tâm khi điều trị. Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.