Tăng động là một trong những rối loạn về phát triển thần kinh thường gặp nhất ở trẻ em. Khi trẻ bị rối loạn tăng động sẽ làm giảm chú ý, khó duy trì sự tập trung hoặc kiểm soát các hành vi của mình. Nếu cha mẹ không phát hiện sớm và cho trẻ điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, kết quả học tập của trẻ. Vậy bệnh tăng động ở trẻ em có chữa khỏi được không?
1. Tăng động là bệnh gì?
Tăng động (tên tiếng anh Attention Deficit Hyperactivity Disorder) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh thường gặp ở trẻ em.
Tăng động khiến trẻ gặp khó khăn trong việc thu nhận, duy trì hoặc áp dụng các kỹ năng, thông tin cụ thể. Rối loạn phát triển thần kinh có thể liên quan đến rối loạn chức năng sau đây: chú ý, trí nhớ, nhận thức, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề hoặc tương tác xã hội.
Các rối loạn phát triển thần kinh thường gặp khác bao gồm rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn học tập (ví dụ như chứng khó đọc) và chậm phát triển trí tuệ.
2. Dấu hiệu trẻ bị tăng động
Trẻ bị tăng động thường có các biểu hiện sau:
- Giảm sự chú ý: Trẻ không thể ngồi yên một chỗ, không chú ý khi thầy cô hay cha mẹ hướng dẫn thực hiện công việc, học tập. Trẻ không thích tham gia các trò chơi cần duy trì sự tập trung chú ý, dễ dàng bị phân tâm bởi môi trường xung quanh, quên đi công việc đang làm. Trẻ cũng có thể thường xuyên làm thất lạc đồ chơi và đồ dùng học tập.
- Tính hấp tấp, bốc đồng: Trẻ có các hành động vội vàng có khả năng dẫn đến nguy hiểm. Hay chạy nhảy, leo trèo quá mức trong những tình huống không thích hợp
Ngoài ra, trẻ còn có thể khó tham gia những trò chơi phải di chuyển hoặc nói quá nhiều, gặp khó khăn khi phải chơi mà giữ yên lặng.
3. Tăng động ở trẻ nguy hiểm thế nào?
Nếu trẻ tăng động giảm chú ý trong một thời gian dài mà cha mẹ không phát hiện và đưa trẻ đi chữa trị thì tình trạng của trẻ sẽ nặng hơn, cùng với đó là những biểu hiện:
- Rối loạn ngôn ngữ, chậm nói, nói ngọng, khả năng hiểu và diễn đạt kém.
- Trẻ cũng có thể nhạy cảm quá mức với ánh sáng, âm thanh, tiếng động, rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, khó ngủ, mộng mị, tỉnh giấc giữa đêm.
- Trẻ thường thiếu tự tin trong giao tiếp với người xung quanh kể cả bạn bè, thầy cô.
- Trẻ khó tập trung, gặp khó khăn để lắng nghe nên tỏ ra lơ mơ, không kịp nắm bắt lời giảng hoặc những yêu cầu của bài tập.
Đến độ tuổi trưởng thành, nhiều trẻ bị tăng động còn có những hành vi không tốt cho xã hội như nghiện game, cờ bạc, rối loạn hành vi xung động, đặc biệt là xung động bạo lực... Do đó, việc phát hiện và can thiệp ngay từ khi còn nhỏ là yếu tố quan trọng quyết định đến cuộc sống sau này của một đứa trẻ mắc hội chứng tăng động.
4. Bệnh tăng động ở trẻ em có chữa khỏi được không?
Tuy tăng động là bệnh không thể điều trị dứt điểm, nhưng những triệu chứng của tăng động có thể được quản lý, kiểm soát tốt nhờ vào sự quan tâm, kiên nhẫn của các bậc cha mẹ, cách quản lý hành vi của trẻ và cho trẻ sử dụng thuốc nếu cần thiết.
- Điều trị bằng thuốc
Sử dụng thuốc là phương pháp hàng đầu để đối phó với bệnh tăng động với hiệu quả khoảng 80%. Thuốc an thần là một trong những loại thuốc phổ biến dùng để điều trị chứng bệnh này. Thuốc có tác dụng làm dịu tinh thần, giúp cải thiện sự mất cân bằng hóa học trong não, giảm các triệu chứng lo âu và bồn chồn ở trẻ em.
- Thay đổi hành vi
Cha mẹ sử dụng cả lời nói và hành động, cử chỉ tác động tới trẻ nhằm cải biến những hành vi của trẻ theo hướng tích cực. Chẳng hạn, cha mẹ có thể lập thời gian biểu cho trẻ để trẻ tập dần thói quen làm việc theo kế hoạch. Thiết lập thời gian biểu cho từng công việc hàng ngày từ lúc trẻ thức giấc đến lúc đi ngủ và yêu cầu con nghiêm túc thực hiện. Điều này giúp con cải thiện khả năng tập trung, tổ chức, sắp xếp công việc.
Tuy nhiên, cha mẹ cần kiên nhẫn, điều chỉnh từng hành vi một, nếu đặt quá nhiều mục tiêu cùng một lúc thì rất dễ gây tâm lý ức chế cho trẻ.
Nếu trẻ thực hiện không đúng, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở, không nên la mắng hay đánh trẻ. Cha mẹ cần kiên nhẫn theo dõi sự tiến bộ của trẻ qua từng ngày.
Cha mẹ dành nhiều thời gian để trò chuyện và chơi cùng trẻ nhiều hơn nhằm gắn kết tình cảm gia đình. Cho con nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hay các môn nghệ thuật, thể thao mang tính đồng đội để có cơ hội tiếp xúc nhiều người, cải thiện tính kỷ luật, kiên nhẫn, kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn.
- Tâm lý trị liệu:
Cách này giúp trẻ giải tỏa căng thẳng, tập luyện tính kiên trì, học cách tổ chức và ứng xử với bạn trong khi chơi... Trẻ không nên chơi những trò chơi kích thích như chơi game ngoài tầm kiểm soát. Các môn thể thao như đá bóng, đá cầu, nhảy dây, cầu lồng, tập bơi... không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, mà còn góp phần giải phóng bớt năng lượng dư thừa, giảm bớt biểu hiện hiếu động, nghịch ngợm.
Theo nghiên cứu, các bài tập thể dục đối với trẻ tăng động có khả năng hỗ trợ:
Lưu thông máu: Trẻ bị tăng động có lưu lượng máu ít hơn ở những vùng não chịu trách nhiệm cho suy nghĩ, lập kế hoạch, bày tỏ cảm xúc, hành vi. Vì vậy, tập thể dục là một cách làm tăng lưu lượng máu đến não giúp trẻ tư duy tốt hơn.
Mạch máu: Tập thể dục giúp cải thiện mạch máu và cấu trúc não. Điều này cũng cải thiện khả năng tư duy của trẻ.
Hoạt động của não: Tập thể dục làm tăng hoạt động của các bộ phận của não bộ liên quan đến hành vi và sự chú ý của trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp
Bữa ăn hàng ngày của bé cần chọn thực phẩm lành mạnh, tăng cường rau xanh; hạn chế thức ăn, đồ uống chứa nhiều đường, bột ngọt như bánh kẹo, pizza, xúc xích, lạp xưởng, nước ngọt... Cha mẹ có thể bổ sung omega 3 cho con với cá hồi, cá ngừ, cá thu, quả óc chó, hạt điều, dầu ô liu... Trẻ cũng cần bổ sung kẽm, sắt, magie thông qua thịt bò, thịt gà, tôm, cua, các loại hải sản, đậu hà lan, rau chân vịt, quả bơ...
Tóm lại, trẻ bị tăng động tuy không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng với sự hỗ trợ của thuốc cũng như liệu pháp hành vi hợp lý, các triệu chứng của trẻ sẽ được quản lý một cách tốt nhất, từ đó lấy lại những chức năng hoạt động hằng ngày của trẻ. Ba mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn điều trị phù hợp, hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.