Bệnh sa dạ dày có nguy hiểm không?

Sa dạ dày là bệnh có ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống thường ngày. Nhiều người chủ quan cho rằng bệnh sa dạ dày chỉ đơn thuần gây ra các ảnh hưởng cho đường tiêu hóa. Cùng tìm hiểu về tác hại và biến chứng của bệnh sa dạ dày qua bài viết dưới đây.

1. Bệnh sa dạ dày là gì?

“Sa dạ dày là gì?” là câu hỏi thường gặp của các bệnh nhân đến khám các bác sĩ tiêu hóa khi được chẩn đoán bị sa dạ dày. Trên thực tế, sa dạ dày thường được phát hiện khi người bệnh đã có những triệu chứng quá rõ của bệnh lý. Lúc này, người bệnh cần phải hợp tác chặt chẽ với bác sĩ để có thể điều trị hiệu quả căn bệnh này.

Ở trạng thái bình thường, dạ dày nằm ở xương sườn thứ 11 thuộc phần bụng trên. Bệnh sa dạ dày là tình trạng dạ dày bị sa xuống so với vị trí ban đầu và nằm thấp hơn so với vị trí bình thường của nó. Sa dạ dày khiến cho người bệnh bị đau thượng vị, ảnh hưởng tới tiêu hóa của người bệnh. Nặng hơn, các biến chứng của sa dạ dày sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh sa dạ dày

Sa dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là thói quen ăn và vận động của người bệnh, cụ thể như sau

  • Người bệnh đang bị suy nhượt cơ thể có thể dẫn tới khí huyết hư tổn, nguyên khí chưa được khôi phục, ăn uống kém thì có thể dẫn đến đau dạ dày trước sau đó dễ bị sa dạ dày.
  • Ăn uống không điều độ cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến sa dạ dày.
  • Sau khi ăn no thì vận động quá sức. Người có tiền sử đau dạ dày trước đó nhưng không hạn chế việc vận động sau ăn no làm cho trương lực dạ dày và chức năng của dạ dày bị yếu đi, gây sa dạ dày
  • Người suy nghĩ nhiều, tinh thần không ổn định hoặc cơ thể luôn ở tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, ăn uống không điều độ trong thời gian dài làm cho tỳ vị hư yếu cũng gây sa dạ dày.
  • Sa dạ dày còn có thể do việc giảm cân quá nhanh và đột ngột.
  • Phụ nữ sinh đẻ nhiều cũng dễ bị sa dạ dày.
  • Người luyện tập thể thao, lao động quá sức, thời gian nghỉ ngơi ít khiến dạ dày không có thời gian hồi phục cũng có thể gây sa dạ dày.

3. Triệu chứng bệnh sa dạ dày

Dạ dày là bộ phận quan trọng nhất của hệ tiêu hóa, việc bị sa dạ dày ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ máy tiêu hóa cung cấp năng lượng cho cơ thể, có thể nhận biết qua một số triệu chứng sau đây:

  • Luôn có cảm giác khó chịu sau khi ăn. Thường là bị đầy bụng, có cảm giác dạ dày sa trĩu xuống, bị căng ở vùng thượng vị hoặc cảm giác như có gì đè ép vào dạ dày.
  • Thỉnh thoảng sẽ có cảm giác dạ dày có tiếng động của nước nhưng khi nằm ngửa sẽ không nghe thấy gì.
  • Người bị sa dạ dày thường dễ ợ hơi, khoang miệng thường có mùi hôi.
  • Sa dạ dày ảnh hưởng đến tiêu hóa, do đó người bệnh có thể từ ăn ngon miệng chuyển sang chán ăn, dinh dưỡng kém.
  • Từ việc dinh dưỡng kém, các yếu tố khác cũng bị ảnh hưởng như xuống sắc, miệng ăn không ngon, tinh thần sa sút, dễ mệt mỏi.
  • Quá trình đi đại tiện cũng tỏ ra bất thường, đi cầu phân lỏng và táo bón có thể không rõ nguyên nhân.
  • Tâm lý bị ảnh hưởng dẫn đến đau đầu và mất ngủ.

4. Bệnh sa dạ dày có nguy hiểm không?

“Bệnh sa dạ dày có nguy hiểm không?” cũng là thắc mắc của rất nhiều người bệnh.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, các triệu chứng có thể chưa rõ ràng, người bệnh chỉ bị ảnh hưởng nhẹ về chất lượng cuộc sống. Nhưng nếu để bệnh tiến triển, sẽ ảnh hưởng nhiều đến đường tiêu hóa, gây nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, đây là một bệnh rất nguy hiểm và cần được phát hiện, điều trị sớm.

  • Sa dạ dày gây biến chứng xuất huyết trong dạ dày, người bệnh nôn ra máu.
  • Sa dạ dày ảnh hưởng tới tiêu hóa, gây sa sút thể trạng, đề kháng và ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của người bệnh.

Việc điều trị sa dạ dày đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh, cần đi khám bệnh trước để bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị sa dạ dày phù hợp. Đồng thời phải dùng thuốc đúng liều, đúng giờ.

5. Làm gì để đề phòng bệnh sa dạ dày?

Để đề phòng bệnh sa dạ dày, người bệnh cần có 1 chế độ ăn uống và vận động hợp lý, tránh tạo áp lực lên dạ dày bằng các thức ăn gây kích thích, ăn quá no hoặc vận động mạnh sau khi ăn no.

  • Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn các thức ăn lạnh, cay, chua, thức ăn nhiều dầu mỡ gây khó tiêu. Các thức ăn nên được ưu tiên là mềm, lỏng, thức ăn được chế biến bằng cách luộc hoặc hấp để dạ dày dễ thực hiện việc tiêu hóa. Hạn chế ăn đồ chiên hoặc xào với nhiều dầu mỡ.
  • Nhai kỹ và đều, nên bỏ thói quen ăn không nhai có thể khiến bạn bị đau dạ dày
  • Sau khi ăn no, nên có chế độ nghỉ ngơi phù hợp, tránh vận động mạnh sau khi ăn no
  • Vận động, tập luyện vừa sức, các bài tập cơ bụng trên và cơ bụng dưới có thể được tập sau khi ăn 2-3 giờ.

Tóm lại, sa dạ dày là 1 bệnh lý phổ biến hiện nay và độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh sa dạ dày có thể giúp người bệnh ổn định hệ tiêu hóa và không bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe