Công dụng thuốc Glomoti

Thuốc Glomoti hay Glomoti-M có thành phần chính là Domperidon Maleat, được sử dụng phổ biến trong điều trị các tình trạng rối loạn tiêu hóa. Việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến cách sử dụng, liều dùng, tác dụng phụ của thuốc Glomoti sẽ mang lại cho người bệnh hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Glomoti là thuốc gì?

Thuốc Glomoti-M được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 10mg/viên, với thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất: Domperidone maleate 12,73 mg (tương đương Domperidon 10mg)
  • Tá dược: Cellulose vi tinh thể, Lactose monohydrate, Pregelatinized starch, Magnesium stearate, Natri starch glycolate, Opadry white. Vừa đủ 1 viên nén 10 mg.

Hoạt chất Domperidon có tính chất kháng dopamin, tương tự như Metoclopramid hydroclorid. Domperidon không có tác dụng lên tâm thần và hệ thống thần kinh nên gần như không có cơ chế tác động lên các thụ thể dopamin ở não.

Ngoài ra, Domperidon còn có tác dụng kích thích nhu động ở đường tiêu hóa, giúp làm tăng trương lực của cơ thắt tâm vị, đồng thời làm tăng biên độ giãn rộng của cơ thắt môn vị sau bữa ăn. Tuy nhiên, hoạt chất này lại không ảnh hưởng lên sự bài tiết của dạ dày.

2. Thuốc Glomoti có tác dụng gì?

Glomoti-M được chỉ định điều trị cho các trường hợp sau:

  • Trường hợp chung: Các rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, ợ hơi nhiều, chứng chán ăn.
  • Người lớn: Hỗ trợ điều trị trào ngược thực quản, điều trị những dấu hiệu sau phẫu thuật cắt dạ dày. Người bị bệnh viêm dạ dày mạn hay sa dạ dày.
  • Trẻ em: Điều trị trẻ bị nôn chu kỳ, hỗ trợ điều trị trường hợp trẻ bị nhiễm trùng hô hấp trên hay đang sử dụng thuốc trị ung thư.
  • Thuốc Glomoti-M có tác dụng làm giảm các triệu chứng buồn nôn và nôn cấp tính, cả buồn nôn và nôn do dùng thuốc Levodopa hoặc Bromocriptin ở người bị bệnh Parkinson.

3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Glomoti-M:

  • Dị ứng quá mẫn với bất cứ thành phần của thuốc.
  • Tiền sử dị ứng với thuốc chứa Domperidone.
  • Trẻ em < 1 tuổi.
  • Người mắc u tuyến yên tiết ra hormon prolactin.
  • Người bị xuất huyết tiêu hóa.
  • Người bị tắc ruột bởi nguyên nhân cơ học.
  • Không dùng cho người bị thủng ống tiêu hóa.
  • Không dùng cho những bệnh nhân có triệu chứng nôn sau mổ.
  • Dùng thuốc thường xuyên và nhiều ngày.

4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Glomoti-M:

4.1. Liều dùng

Dùng cho người lớn hay trẻ em ≥ 12 tuổi (hay ≥ 35kg):

  • Liều: Uống 1 - 2 viên (10-20 mg)/lần mỗi 4-8 giờ. Uống không quá 8 viên (80mg) một ngày.

Dùng cho trẻ em 5-12 tuổi:

  • Liều: Uống 1⁄2 - 1 viên (5-10 mg)/lần mỗi 4-8 giờ. Uống không quá 4 viên (40mg) một ngày.

Dùng cho trẻ em 1-5 tuổi:

  • Liều: Uống 0,2 – 0,4 mg/kg/lần mỗi 4-8 giờ.

4.2. Cách sử dụng

Uống thuốc trước bữa ăn 15-30 phút. Uống nguyên viên thuốc, không nghiền nhỏ, không bẻ thuốc. Khuyến cáo điều trị bằng Glomoti-M không quá 3 tháng.

5. Tác dụng phụ của Glomoti-M

Điều trị bằng thuốc Glomoti-M liều cao hoặc kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em có thể gây ra các tác dụng phụ như:

  • Thường gặp: Khô miệng.
  • Ít gặp: Rối loạn tâm thần kinh như lo lắng, kích động, căng thẳng. Lơ mơ, đau đầu. Tiêu chảy, ngứa, mày đay, phát ban, đau vú, vú tiết sữa bất thường, vú tăng nhạy cảm. Suy nhược cơ thể, giảm hoặc mất ham muốn tình dục, rối loạn ngoại tháp.
  • Chưa rõ tần suất xuất hiện: Dị ứng quá mẫn, nặng có thể sốc phản vệ. Co giật, loạn vận nhãn. Các rối loạn nhịp tim như loạn nhịp thất, kéo dài khoảng QT, xoắn đỉnh, nặng có thể đột tử do tim ở bệnh nhân trên 60 tuổi. Phù mạch, bí tiểu, mất kinh, vú to ở nam. Tăng prolactin máu, bất thường chức năng gan.

Hiện nay chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho hoạt chất Domperidon. Trong trường hợp gặp phải các tác dụng không mong muốn, nên ngừng thuốc ngay. Đồng thời thông báo tình hình với bác sĩ và đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử trí kịp thời.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc ở các đối tượng

  • Thận trọng khi dùng thuốc Glomoti-M ở các trường hợp: Người bị bệnh Parkinson vì hoạt chất Domperidon có thể tác động có hại trên hệ thần kinh. Không điều trị quá 12 tuần cho người bị Parkinson hoặc xem xét sử dụng thuốc chống nôn an toàn hơn.
  • Bệnh nhân suy giảm chức năng gan hoặc thận nên được giảm liều dùng từ 30 – 50% và chia nhiều lần uống trong ngày.
  • Các bệnh nhân có bệnh tim mạch như suy tim sung huyết, rối loạn dẫn truyền xung động tim kéo dài. Người có rối loạn điện giải như hạ Kali máu hay hạ Magnesi máu rõ rệt
  • Phụ nữ có thai hay đang cho con bú: Hiện nay chưa dữ liệu chính xác đánh giá khả năng gây biến chứng trong thai kỳ, nên hạn chế sử dụng cho phụ nữ mang thai. Hoạt chất Domperidon trong Glomoti-M có thể được bài tiết qua sữa mẹ với nồng độ thấp. Không nên cho con bú khi mẹ sử dụng thuốc Glomoti-M.
  • Người làm nghề lái xe hay công nhân vận hành máy móc tránh ít bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể với thuốc Glomoti-M.

7. Tương tác thuốc Glomoti-M:

  • Hoạt chất Domperidon trong Glomoti-M bị ức chế bởi các thuốc tác dụng kháng Cholinergic.
  • Thuốc ức chế men CYP3A4: Erythromycin, Ketoconazol, hoặc Ritonavir làm tăng nồng độ hoạt chất Domperidon trong máu. Đồng thời, sử dụng đồng thời hai loại thuốc này có thể làm rối loạn nhịp tim với biểu hiện kéo dài khoảng QT.
  • Ngoài Paracetamol và Digoxin, Glomoti-M có thể làm giảm hấp thu các thuốc dùng khác khi dùng chung.
  • Nhóm thuốc ức chế tiết acid hoặc thuốc kháng acid làm giảm sinh khả dụng của Glomoti-M. Không dùng đồng thời các thuốc này với Glomoti-M.

Trên đây là thông tin khái quát và những lưu ý khi sử dụng thuốc Glomoti-M. Nhằm mang lại kết quả điều trị cao nhất, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe