Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trịnh Thị Phương Nga - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đang được ứng dụng rộng rãi trong y tế. Kỹ thuật này cung cấp nhiều thông tin có giá trị trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Để thu được kết quả tốt nhất khi đi siêu âm, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
1. Siêu âm là gì?
Siêu âm là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng sóng âm có tần số cao (sóng siêu âm) để xây dựng và tái tạo hình ảnh về các cấu trúc bên trong cơ thể và hỗ trợ cho các kỹ thuật y học khác. Những hình ảnh thu được từ siêu âm cung cấp những thông tin có giá trị trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh.
Siêu âm là kỹ thuật thăm khám có ưu điểm là phổ biến, hiệu quả và an toàn, không xâm lấn, không gây đau và chi phí thấp. Tuy nhiên, cần thực hiện siêu âm theo đúng chỉ định và thời điểm được bác sĩ khuyến cáo. Cụ thể, siêu âm khi mang thai, kiểm tra phụ khoa định kỳ hoặc khi bệnh nhân có những triệu chứng bất thường như đau bụng, rối loạn kinh nguyệt, kiểm tra vú định kỳ hoặc khi có những dấu hiệu bất thường ở vú như sờ thấy khối u, đau vú, mảng ở vú, tiết dịch đầu vú,...
Thực tế khi làm các kỹ thuật siêu âm có thể thực hiện lặp lại nhiều lần để chẩn đoán, theo dõi và kết hợp thực hiện các thủ thuật với mục đích điều trị bệnh. Vì vậy, kỹ thuật này được sử dụng rộng rãi như một xét nghiệm thường quy để tầm soát ung thư và khảo sát nhiều bệnh lý ở ổ bụng (gan, thận, lách, tụy, bàng quang, tử cung, tiền liệt tuyến, phần phụ, ruột) chẩn đoán các bệnh lý van tim, mạch máu, khối u tuyến giáp, tuyến vú, theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai và thai nhi.
Tuy nhiên, sóng siêu âm bị cản trở bởi không khí nên siêu âm không phải là phương tiện chẩn đoán hình ảnh lý tưởng cho các bệnh lý phổi và ruột và các cơ quan bị phổi, ruột che khuất. Do đó, siêu âm khảo sát thực quản, khí quản, dạ dày, ruột non, ruột già, động mạch chủ ngực,... bị hạn chế. Bên cạnh đó, bệnh nhân béo phì cũng khó siêu âm hơn bởi các mô mỡ làm sóng âm yếu đi khi xuyên sâu vào cơ thể. Đồng thời, sóng siêu âm cũng khó xuyên thấu được qua xương nên chỉ có thể nhìn được mặt ngoài của các cấu trúc xương.
2. Người bệnh cần làm gì khi siêu âm?
2.1. Chuẩn bị siêu âm
Khi được chỉ định siêu âm hoặc có dự định siêu âm, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn bị một số điều trước khi đi siêu âm để việc này diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, cho kết quả rõ ràng, không phải thực hiện lại mất nhiều thời gian, chi phí. Mỗi loại siêu âm khác nhau sẽ cần có những chuẩn bị khác nhau. Cụ thể:
- Siêu âm bụng tổng quát: Bệnh nhân nên ăn nhẹ vào bữa ăn cuối trước khi thăm khám, ăn thức ăn dễ tiêu, tránh thực phẩm nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn dễ sinh hơi gây đầy bụng, vì quá nhiều hơi sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả thăm khám bằng siêu âm;
- Siêu âm khảo sát túi mật: Người bệnh nên nhịn ăn trên 6 giờ trước khi thăm khám, vì khi ăn túi mật sẽ co nhỏ gây khó khăn cho việc quan sát, dễ làm bỏ sót các tổn thương nhỏ;
- Siêu âm khảo sát vùng tiểu khung: Gồm khảo sát bàng quang, niệu quản, tuyến tiền liệt, buồng trứng, tử cung và thai dưới 3 tháng. Bệnh nhân được yêu cầu nhịn tiểu tới khi bàng quang căng đầy (có cảm giác căng tức bàng quang - buồn tiểu)
- Siêu âm khảo sát dạ dày và tụy: Người bệnh cần uống nước trước khi thăm khám
- Siêu âm đầu dò âm đạo: Là kỹ thuật chỉ thực hiện ở những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Bệnh nhân được yêu cầu phải đi tiểu hết để bàng quang hết sạch nước tiểu trước khi siêu âm.
2.2. Lưu ý khi siêu âm
Khi siêu âm nên mặc quần áo thoải mái, rộng rãi khi đi thăm khám. Tùy từng loại siêu âm, bệnh nhân có thể phải cởi bỏ quần áo, mặc váy hoặc áo choàng khi thực hiện siêu âm
Giữ im lặng trong quá trình chờ thăm khám để bác sĩ tập trung kiểm tra tốt hơn. Không nên e ngại khi cởi bỏ quần áo hoặc thực hiện siêu âm đầu dò bởi đây là những thủ thuật thông thường khi khám bệnh.
Trong khi siêu âm, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng cụ thể của mình để được tư vấn, có kết quả chẩn đoán chính xác. Khi được chỉ định thực hiện siêu âm, bệnh nhân nên thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh phải lặp lại kỹ thuật nhiều lần, cho kết quả tốt nhất.
Khi đã nắm rõ các vấn đề cần làm gì khi siêu âm, bệnh nhân nên tuân thủ theo để đạt được kết quả cao trong việc chẩn đoán tình trạng sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.