Bệnh nấm đen là gì?

Bệnh nấm đen hay còn gọi là Mucormycosis, một nhiễm trùng nấm nghiêm trọng nhưng tương đối hiếm gặp. Tìm hiểu các thông tin về định nghĩa, nguyên nhân, triệu chứng cũng như các dự phòng và điều trị bệnh nấm đen sẽ giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh.

1. Bệnh nấm đen là gì?

Bệnh nấm đen (Mucormycosis) là một nhiễm trùng nấm nghiêm trọng nhưng hiếm gặp do một nhóm nấm mốc gọi là mucormycetes gây ra. Mucormycosis chủ yếu ảnh hưởng đến những người có vấn đề về sức khỏe, người bị suy giảm miễn dịch hoặc dùng các loại thuốc làm giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bệnh nấm đen lây lan bởi các bào tử của nấm mốc thuộc bộ Mucorales, phổ biến nhất qua đường hô hấp, thực phẩm bị ô nhiễm hoặc ổ nhiễm trùng vết thương hở. Những loại nấm này phổ biến trong đất, chất hữu cơ phân hủy (như rau quả thối rữa) và phân động vật. Tuy nhiên, bệnh nấm đen không lây từ người sang người.

Căn nguyên bệnh lý này là các vi nấm trong bộ Mucorales như:

  • Chi Rhizopus: Rhizopus arrhizus, Rhizopus homothallicus, Rhizopus microsporus...
  • Chi Mucor: Mucor circinelloides...
  • Chi Apophysomyces: Apophysomyces mexicanus, Apophysomyces ossiformis, Apophysomyces elegans và Apophysomyces variabilis...
  • Chi Lichtheimia: Lichtheimia ramosa...

Phân loại nấm đen:

  • Bệnh nấm đen ở các xoang hàm mặt và não là tình trạng nhiễm nấm trong xoang hàm mặt và có thể lây lan đến não. Bệnh cảnh này phổ biến nhất ở những người mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát và những người đã được ghép thận.
  • Bệnh nấm đen ở phổi là loại phổ biến nhất ở những người bị ung thư và đã được cấy ghép nội tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc.
  • Bệnh nấm đen tại niêm mạc đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ hơn người lớn. Bệnh nấm đen ở trẻ em thường xuất hiện ở trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh, phẫu thuật hoặc các thuốc làm suy giảm hệ miễn dịch.
  • Bệnh nấm đen ở da xảy ra sau khi nấm xâm nhập vào cơ thể thông qua vết nứt trên da. Loại này có thể xảy ra sau một vết bỏng, vết xước, vết cắt, phẫu thuật hoặc các loại chấn thương da khác. Đây là dạng bệnh nấm đen phổ biến nhất ở những người không bị suy giảm hệ miễn dịch.
  • Bệnh nấm đen lan tỏa xảy ra khi nhiễm nấm lây lan qua đường máu để ảnh hưởng đến một bộ phận khác của cơ thể. Loại này thường ảnh hưởng nhất đến não, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác như lá lách, tim và da.

Các yếu tố nguy cơ:

Nhiễm nấm đen có thể xảy ra với bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Hầu hết mọi người sẽ tiếp xúc với nấm vào một số thời điểm trong sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị bệnh như:

  • Bệnh tiểu đường, đặc biệt bệnh không kiểm soát.
  • Nhiễm Covid-19.
  • HIV hoặc AIDS.
  • Ung thư.
  • Cấy ghép tạng.
  • Cấy ghép tế bào gốc.
  • Giảm bạch cầu trung tình (số lượng bạch cầu thấp)
  • Sử dụng Steroid dài ngày.
  • Tiêm chích ma túy.
  • Bệnh huyết sắc tố (nồng độ sắt cao trong máu)
  • Suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm toan chuyển hóa.
  • Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.
  • Bỏ da hoặc vết thương hở ở da.

2. Chẩn đoán bệnh nấm đen

2.1. Triệu chứng lâm sàng của bệnh nấm đen

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nấm đen phụ thuộc vào vị trí trong cơ thể bị nhiễm nấm như:

  • Các xoang hàm mặt và não:
  • Đau đầu;
  • Sưng mặt một bên;
  • Đau mắt một bên, mất khứu giác;
  • Một bên mắt có thể bị sưng và phồng lên;
  • Nghẹt mũi hoặc sổ mũi;
  • Các tổn thương màu đen trên sống mũi hoặc trong khoang miệng, có thể trở nên trầm trọng hơn;
  • Sốt;
  • Thay đổi trạng thái tâm thần hoặc hôn mê.
  • Phổi: Sốt, ho, tức ngực, khó thở.
  • Đường tiêu hóa: Đau bụng, buồn nôn và ói mửa, xuất huyết dạ dày
  • Da: Tổn thương màu đen trên da, rộp da, sốt, da đỏ, sưng tấy, loét.

2.3. Chẩn đoán cận lâm sàng

3. Điều trị bệnh nấm đen

Các thuốc chống nấm:

  • Amphotericin B:
  • Liều khởi đầu: Tiêm tĩnh mạch chậm 1mg trong 10 – 15 phút.
  • Liều duy trì: Tiêm liều một lần mỗi ngày tùy theo trọng lượng cơ thể trong 14 ngày tiếp theo.
  • Các thuốc thay thế: Isavuconazole và Posaconazole.

Phẫu thuật:

  • Phẫu thuật được lựa chọn trong một số trường hợp bệnh nấm đen ở khoang mũi họng và não, có thể phải cắt bỏ mô não, mô da bị nhiễm nấm.

Các điều trị khác:

  • Kiểm soát đường huyết.
  • Cải thiện số lượng bạch cầu trung tính.
  • Liệu pháp Oxy hỗ trợ.

4. Dự phòng bệnh nấm đen

  • Cố gắng tránh những khu vực có nhiều bụi như các công trường xây dựng hoặc đeo khẩu trang khi đến gần các khu vực đó.
  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với các ngôi nhà hoặc công trình xây dựng bị hư hại do nước và nước lũ sau bão và thiên tai.
  • Tránh các hoạt động tiếp xúc gần với đất hoặc bụi (chẳng hạn như làm ruộng, làm vườn) hoặc mang giày, quần dài và áo sơ mi dài tay khi tham gia các hoạt động ngoài trời.
  • Mang găng tay khi xử lý các vật liệu như đất, rêu hoặc phân.
  • Để giảm nguy cơ phát triển nhiễm nấm da, hãy rửa sạch vết thương trên da bằng xà phòng và nước, đặc biệt nếu chúng đã tiếp xúc với đất hoặc bụi.

Bệnh nấm đen là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể gây ra những tác hại nặng nề. Bệnh nhân và người nhà cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị đúng cách nhằm hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm khi nghi ngờ các triệu chứng của bệnh nấm đen.


Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe