Bệnh mạch vành và những câu hỏi thường gặp

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bằng Phong - Phó trưởng khoa Nội/ Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Bệnh mạch vành rất nguy hiểm. Với thể bệnh mạch vành ổn định, hay còn gọi là mạn tính, người bệnh hay có cơn đau ngực khi gắng sức, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt và công việc, và nếu không được điều trị tốt, bệnh mạch vành mạn tính có thể chuyển sang hội chứng động mành vành cấp.

1. Bệnh mạch vành là gì?

Bệnh mạch vành - hay chính xác hơn là bệnh động mạch vành – là do sự hình thành và phát triển của mảng xơ vữa ở thành mạch máu gây hẹp đáng kể lòng động mạch vành, dẫn đến vùng cơ tim tương ứng bị thiếu máu, gây ra các cơn đau thắt ngực Trong một số trường hợp, mảng xơ vữa bị nứt vỡ dẫn đến hình thành huyết khối cấp tính, là nguyên nhân của hội chứng động mạch vành cấp, bao gồm nhồi máu cơ tim , đau thắt ngực không ổn định.

Hội chứng động mạch vành cấp có thể gây ra đột tử hoặc các biến chứng cấp tính nặng nề như sốc tim, suy tim trái cấp, loạn nhịp thất... với tỷ lệ tử vong rất cao.

2. Bệnh mạch vành có nguy hiểm không?

Bệnh mạch vành rất nguy hiểm. Với thể bệnh mạch vành ổn định, hay còn gọi là mạn tính, người bệnh hay có cơn đau ngực khi gắng sức, ảnh hưởng rất nhiều tới sinh hoạt và công việc, và nếu không được điều trị tốt, bệnh mạch vành mạn tính có thể chuyển sang hội chứng động mành vành cấp. Hội chứng động mạch vành cấp có thể gây ra đột tử hoặc các biến chứng cấp tính nặng nề như sốc tim, suy tim trái cấp, loạn nhịp thất... với tỷ lệ tử vong rất cao. Nếu qua được giai đoạn cấp tính, di chứng thường gặp nhất của hội chứng động mạch vành cấp là suy tim , loạn nhịp tim , ảnh hưởng nghiêm trọng tới tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.


Bệnh mạch vành rất nguy hiểm
Bệnh mạch vành rất nguy hiểm

3. Điều trị bệnh mạch vành thế nào?

Đối với bệnh mạch vành ổn định, điều trị bao gồm điều chỉnh lối sống như bỏ thuốc lá và rượu bia, chế độ ăn hợp lý, làm việc và tập luyện vừa sức...và dùng thuốc. Các thuốc điều trị bệnh mạch vành ổn định bao gồm: Aspirine (ngăn ngừa tạo huyết khối), Statine (làm giảm LDL Cholesterol là thành phần Lipid máu có hại, liên quan rất nhiều với tỷ lệ biến cố và tiên lượng bệnh mạch vành, đồng thời còn có tác dụng làm ổn định, ngăn ngừa nứt vỡ mảng xơ vữa, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chện bêta... và 1 số thuốc khác. Tất nhiên phải tuân thủ chống chỉ định, ví dụ không dùng Aspirine khi đang chảy máu dạ dày, hoặc không dùng chẹn bêta khi có tiền sử hen phế quản...Một số bệnh nhân bị bệnh mạch vành ổn định sẽ được đặt Stent hoặc phẫu thuật bắc cầu chủ vành nếu có chỉ định. Đối với hội chứng động mạch vành cấp, BN phải được chăm sóc và điều trị ở các đơn vị mạch vành hoặc khoa Hồi sức cấp cứu. Tại đây BN được theo dõi và chăm sóc tích cực, điều trị nội khoa là nền tảng, một số bệnh nhân sẽ được đặt stent động mạch vành nếu có chỉ định, hoặc được phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành.

4. Stent động mạch vành là gì?

Stent là 1 khung ống dạng lưới được làm từ hợp kim đặc biệt, có khả năng tái định dạng, vì vậy khi được đặt vào trong lòng mạch máu, Stent luôn có xu hướng căng nở ra, giúp cho đoạn mạch bị hẹp do xơ vữa không bị hẹp trở lại.

5. Liệu có phải là đặt Stent xong là đã chữa khỏi hẳn bệnh mạch vành?

Cơ chế sinh bệnh của bệnh mạch vành là do mảng xơ vữa nên đặt Stent có tác dụng điều trị 1 cách cơ bản cho đoạn động mạch vành thủ phạm. Kỹ thuật đặt Stent có thể gặp 1 số biến chứng tuy rất ít như: nhiễm trùng, nứt hoặc thủng mạch máu, chảy máu gây tụ máu chỗ chọc kim, chảy máu màng ngoài tim gây ép tim cấp, suy thận do thuốc cản quang, đột quị, và nghiêm trọng nhất là tình trạng tắc cấp trong Stent do huyết khối. Bản thân Sten là 1 dị vật đối với cơ thể nên có thể gây tăng sinh nội mạc mạch máu, lâu dần dẫn đến hẹp lại trong Stent. Để khắc phục tình trạng hẹp lại trong Stent, các Stent thuộc thế hệ sau được tẩm 1 loại thuốc có tác dụng chống phân bào, qua đó ngăn cản hiện tượng phát triển nội mạc, giúp cho lòng động mạch không bị hẹp lại.. Trên cơ sở đó, sau khi được đặt Stent, bệnh nhân vẫn phải được theo dõi định kỳ và tuân thủ chặt chẽ điều trị nội khoa, bao gồm các thuốc: Kháng ngưng tập tiểu cầu: Aspirine, Clopidogrel hoặc các thuốc tương đương: Prasugrel, Ticagrelor (thời gian dùng bao lâu tùy theo loại Stent thường (BMS) hay Stent tẩm thuốc (DES), Statine, Ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể AT1, chẹn bêta...

6. Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành là gì?

Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể gây ra bệnh mạch vành: Tăng huyết áp, Tiểu đường, Rối loạn Lipid máu, Hút thuốc lá, béo phì, lối sống tĩnh tại, trong gia đình có người trực hệ như bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh mạch vành cũng được xem là 1 yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Trên cơ sở đó, để phòng chống bệnh mạch vành, cần được điều trị tốt Tăng huyết áp, Tiểu đường, Rối loạn Lipid máu, Điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện giảm cân nếu có quá cân – béo phì, bỏ thuốc lá.


Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành
Các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành

7. Những ai và khi nào nên đến khám bác sĩ để được tư vấn, sàng lọc bệnh mạch vành?

Những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ ở trên đều nên định kỳ khám chuyên khoa Tim Mạch 6 tháng 1 lần để được tư vấn, sàng lọc bệnh mạch vành. Đặc biệt những ai có cơn đau ngực cũng nên đến khám chuyên khoa Tim mạch. - Tại buổi khám tư vấn - sàng lọc bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ hỏi cặn kẽ về tình trạng đau ngực, về tiền sử bệnh tật, gia đình, khám lâm sàng, đo huyết áp, làm 1 số xét nghiệm cần thiết như điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm sinh hóa máu (Glucose, Lipid, Creatinine, GOT, GPT...), công thức máu - đông máu. Một số trường hợp bệnh nhân sẽ được làm nghiệm pháp gắng sức điện tâm đồ hoặc chụp MSCT động mạch vành.

8. Khi nào bệnh mạch vành ở trong tình trạng cấp cứu?

Khi có biểu hiện hội chứng động mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không ổn định). Phần lớn các trường hợp bị hội chứng động mạch vành cấp thường khởi đầu bởi 1 cơn đau ngực với các đặc trưng sau: xuất hiện cả lúc nghỉ, kéo dài trên 10 phút, cảm giác đau thắt hoặc như bị đè ép sau xương ức, thường lan lên cổ, hàm dưới, vai-cánh tay, hay vã mồ hôi. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không có cơn đau điển hình như vậy, thậm chí không đau ngực, thường là những người bị tiểu đường hoặc tuổi già. Một số trường hợp phát hiện hội chứng động mạch vành cấp với bệnh cảnh suy tim trái cấp (khó thở nhiều), tụt huyết áp, hoặc loạn nhịp nghiêm trọng (hồi hộp trống ngực, thỉu ngất, hoặc ngừng tuần hoàn).
Bệnh nhân bị hội chứng động mạch vành cấp hoặc nghi bị hội chứng động mạch vành cấp đều phải được khẩn trương đưa tới các cơ sở chuyên khoa Tim Mạch hoặc hồi sức cấp cứu. Lý tưởng nhất là được vận chuyển bởi cấp cứu 115 với kỹ năng và trang bị đầy đủ, có thể cấp cứu ngừng tuần hoàn hoặc xử trí bước đầu suy tim cấp, loạn nhịp nghiêm trọng hoặc kiểm soát huyết áp, cũng như dùng sớm các thuốc chống đông, kháng ngưng tập tiểu cầu.

Gói khám mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giúp Quý Khách có thể sàng lọc bệnh mạch vành một cách chính xác, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Đối tượng cần khám mạch vành bao gồm: Khách hàng có tiền sử như: tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn Lipid máu, hút thuốc lá, béo phì,...Tiền sử trong gia đình có người trực hệ như bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh mạch vành cũng được xem là 1 yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành. Đặc biệt, khách hàng cao tuổi nên được sàng lọc bệnh mạch vành dự phòng sớm do yếu tố tuổi tác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe