Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là một dạng của lupus ban đỏ, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô và cơ quan của chính bạn. Viêm do lupus gây ra có thể ảnh hưởng đến nhiều hệ thống cơ thể khác nhau - bao gồm khớp, da, thận, tế bào máu, não, tim và phổi.
Bệnh lupus ban đỏ ảnh hưởng chủ yếu đến da. Nốt phát ban đỏ, tròn có thể xuất hiện trên da hoặc trên mặt, da đầu hoặc các nơi khác có thể thay đổi màu sắc. Phát ban do lupus ban đỏ hệ thống thường để lại sẹo hoặc các mảng da sáng màu sau khi lành. Vậy bệnh lupus ban đỏ có nguy hiểm, người mắc lupus ban đỏ sống được bao lâu?
Một số người khi sinh ra có xu hướng phát triển bệnh lupus ban đỏ hệ thống, điều này có thể là do nhiễm trùng, một số loại thuốc hoặc thậm chí là ánh sáng mặt trời. Hiện không có cách nào có thể chữa trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống, đây là bệnh mãn tính, tuy nhiên các phương pháp điều trị bệnh có thể giúp kiểm soát những tác động do triệu chứng của bệnh gây ra.
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn cực kỳ nguy hiểm, nó có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan, bộ phận nào trong cơ thể. Các bộ phận dễ bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này đó là da, thận, tim, phổi, mắt. Do đó, người bệnh cần đề phòng các biến chứng tim, phổi, lupus ban đỏ biến chứng thận và đặc biệt là phụ nữ trong thai kỳ.
Những biến chứng thường gặp của bệnh lupus ban đỏ hệ thống bao gồm:
- Lupus ban đỏ biến chứng thận: Lupus ban đỏ gây tổn thương nghiêm trọng các mô trong thận, dẫn tới suy thận. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống. Các triệu chứng tổn thương ở thận bao gồm: Ngứa da toàn thân, buồn nôn và nôn, đau ngực, phù chân,...;
- Máu và mạch máu: Bệnh nhân lupus ban đỏ hệ thống có thể bị thiếu máu, tăng nguy cơ chảy máu, đông máu, tắc mạch máu và viêm thành mạch;
- Não và hệ thần kinh trung ương: Bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây đau đầu, chóng mặt, ảo giác, thay đổi hành vi hoặc thậm chí là đột quỵ, động kinh. Nhiều bệnh nhân mắc lupus ban đỏ hệ thống gặp vấn đề về trí nhớ và khó diễn đạt được suy nghĩ của mình;
- Tim: Bệnh lupus có thể gây xơ hóa màng ngoài tim, tổn thương van 2 lá, van 3 lá, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, dẫn tới các cơn đau tim;
- Phổi: Lupus ban đỏ hệ thống làm người bệnh dễ bị viêm phổi, viêm màng phổi, dẫn tới tràn dịch màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, thuyên tắc phổi và xuất huyết phổi, gây đau đớn khi thở;
- Đối với phụ nữ mang thai: Nếu mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, thai chết lưu và sinh non cho phụ nữ mang thai. Thai phụ có tiền căn bệnh thận có nguy cơ cao mắc tiền sản giật. Bên cạnh đó, phụ nữ mắc lupus ban đỏ hệ thống khi mang thai, nếu sử dụng corticosteroids cũng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đái tháo đường và biến chứng thận. Trẻ có người mẹ mắc bệnh lupus và khi ra đời có triệu chứng của lupus ban đỏ biểu hiện là ban đỏ dạng đĩa, có thể bị rối loạn nhịp tim hoặc gan lách to.
Tóm lại, người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống cần được theo dõi và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc hay ngừng thuốc vì sẽ làm tăng mức độ nguy hiểm của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.