Cho đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ. Các chuyên gia cho rằng di truyền, hormone và môi trường là những yếu tố liên quan đến căn nguyên của căn bệnh này.
1. Bệnh lupus ban đỏ có di truyền không?
Hệ thống miễn dịch của cơ thể bảo vệ con người khỏi vi khuẩn, vi rút và những kẻ xâm nhập khác có thể gây bệnh cho cơ thể. Nhưng ở những bệnh nhân bị lupus, hệ thống miễn dịch của họ tấn công nhầm và làm tổn thương các mô của chính cơ thể họ. Do đó nó còn được gọi là bệnh tự miễn.
Một người có thể được sinh ra với một gen khiến họ có nhiều khả năng bị bệnh lupus ban đỏ. Sau đó, người này có thể tiếp xúc với một yếu tố nào đó trong môi trường và gây ra bệnh.
Tuy nhiên, ngay cả khi có cả hai điều này kết hợp với nhau thì vẫn không có nghĩa là sẽ bị lupus. Đó là lý do vì sao các bác sĩ rất khó tìm ra nguyên nhân của căn bệnh này. Một số điều kiện khiến một người có nhiều khả năng mắc bệnh lupus ban đỏ hơn, bao gồm:
- Di truyền
- Giới tính
- Chủng tộc
- Môi trường
Gen là mã di truyền quyết định sự hình thành, phát triển và hoạt động của cơ thể. Thay đổi gen có thể dẫn đến một số căn bệnh. Các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ gen nào gây ra bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên, những người mắc bệnh lupus ban đỏ có nhiều khả năng có những thay đổi đối với các gen liên quan đến hệ thống miễn dịch
Bệnh lupus cũng thường xuất hiện trong các gia đình. Vì vậy, nếu có cha mẹ, anh trại hoặc chị gái mắc bệnh lupus ban đỏ, thì bạn có nhiều khả năng bị bệnh hơn so với những người trong gia đình không có ai bị bệnh. Tuy nhiên, khả năng này cũng chỉ chiếm từ 5 - 13% mà thôi.
Một số nhóm dân tộc có các gen phổ biến có thể khiến họ dễ bị bệnh lupus ban đỏ hơn. Những nhóm người sau sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, gồm có:
- Người Mỹ gốc Phi
- Người châu Á
- Người Tây Ban Nha/ La tinh
- Người Mỹ bản xứ
- Người Hawaii bản địa
- Người ở khu vực Thái Bình Dương
Nhà nghiên cứu Nilamadhab Mishra và các đồng nghiệp đã xác định được 40 dấu ấn sinh học di truyền của bệnh lupus. Những dấu ấn sinh học này là microRNA - chuỗi axit ribonucleic (RNA) nhỏ trong trung tâm chỉ huy của tế bào (nhân).
MicroRNA liên quan đến sự sống, phát triển và cái chết của tế bào. Các nhà nghiên cứu đã so sánh microRNA trong các tế bào máu của năm bệnh nhân lupus ban đỏ và bảy người không bị bệnh. Các bệnh nhân lupus không có bệnh khác và không được dùng Prednisone hoặc một loại thuốc khác. Mẫu máu của những người tham gia nghiên cứu được lấy hai lần trong ba tháng.
Nghiên cứu cho thấy 40 microRNA đã xuất hiện với mức độ cao hơn ở những bệnh nhân lupus so với những người không bị bệnh này. Nghiên cứu này đã được công bố vào năm 2006.
Trong một nghiên cứu khác, nhà nghiên cứu Vesela Gateva của Genentech ở Nam San Francisco và các đồng nghiệp đã so sánh các dấu hiệu di truyền của 1.923 người mắc bệnh lupus ban đỏ và 4.329 người khỏe mạnh. Họ đã tìm thấy 05 gen có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Trong một nghiên cứu khác của Jian-Wen Han thuộc trường Đại học Y khoa An Huy ở An Huy, Trung Quốc đã so sánh các dấu hiệu di truyền tiềm năng đối với bệnh lupus ở 1.047 bệnh nhân Trung Quốc mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE) và 1.205 người trưởng thành khỏe mạnh ở Trung Quốc.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 07 gen được báo cáo trước đây cho bệnh lupus cũng như xác định 09 gen mới liên quan đến việc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus. Hai trong số các gen này trùng với 05 năm gen được tìm thấy bởi nhóm nghiên cứu của Gateva. Như vậy có tổng số 12 dấu hiệu di truyền tiềm năng mới liên quan đến bệnh lupus ban đỏ đã được xác định.
Các nhà nghiên cứu cho biết sự hiện diện của các gen này cùng với các yếu tố môi trường và lối sống như ánh sáng mặt trời, căng thẳng, hormone, khói thuốc lá và một số bệnh nhiễm trùng đều đóng vai trò gây bệnh lupus ban đỏ.
2. Ai có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ?
Những người có các yếu tố sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao hơn những người khác, các yếu tố bao gồm:
- Những người gốc Phi, châu Á và người Mỹ bản địa có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao hơn người da trắng.
- Phụ nữ: Mặc dù bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng có đến 90% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh lupus là phụ nữ. Đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 14 đến 45 tuổi) thường dễ bị ảnh hưởng nhất. Điều này được cho là có liên quan đến hormone estrogen.
- Trong gia đình có người bị bệnh lupus ban đỏ: nếu có bố mẹ, anh hoặc chị gái bị bệnh, đồng nghĩa với nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người trong gia đình không có ai bị bệnh. Tỷ lệ này là từ 5 - 13%.
Đây chỉ là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chứ không phải cứ có các yếu tố này là sẽ bị bệnh lupus ban đỏ.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com