Bệnh khí phế thũng là dạng thường gặp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng tuân thủ các hướng dẫn điều trị khí phế thũng từ bác sĩ cùng áp dụng các mẹo quản lý bệnh khí phế thũng sau đây có thể giúp hạn chế các triệu chứng, làm chậm tối đa sự tiến triển của bệnh, kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Bệnh khí phế thũng là gì?
Bệnh khí phế thũng là một dạng của viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, gây ra tình trạng khó thở do các túi phổi bị tổn thương lâu ngày. Các túi phổi bị suy yếu và vỡ ra, gây giảm diện tích bề mặt phổi, giảm lượng oxy đi vào máu.
Các triệu chứng của bệnh khí phế thũng có xu hướng tiến triển chậm. Khó thở là triệu chứng quan trọng nhất của bệnh khí phế thũng. Khi bệnh trở nặng bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó thở khi ngủ hoặc ngồi yên. Cùng với khó thở, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng khác như thở khò khè, ho nhiều, đau ngực, tức ngực,..
2. Mẹo quản lý bệnh khí phế thũng của bạn
Bệnh khí phế thũng phải làm sao? Bệnh khí phế thũng không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, tuân thủ các hướng dẫn điều trị khí phế thũng từ bác sĩ cùng áp dụng các mẹo quản lý bệnh khí phế thũng sau đây có thể giúp hạn chế các triệu chứng và làm chậm tối đa sự tiến triển của bệnh.
2.1. Uống nước đúng cách
Bạn cần phải uống đủ 8 ly nước mỗi ngày để giúp cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể và làm loãng chất chầy. Ngoài nước lọc, bạn có thể sử dụng nước trái cây, sữa, súp nấu từ rau củ,... vừa giúp bổ sung nước cho cơ thể, vừa cung cấp các dưỡng chất rất tốt. Hạn chế tối đa cà phê và các đồ uống có cồn.
2.2. Ăn uống điều độ
Người bệnh khí phế thũng cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Ăn bốn đến sáu bữa nhỏ trong ngày sẽ tốt hơn ba bữa lớn bởi vì dạ dày ít no sẽ giúp việc thở dễ dàng hơn. Không nên nằm ngay sau khi ăn, vì sẽ hạn chế hoạt động tiêu hoá của dạ dày. Ngoài ra, nằm ngay sau khi ăn còn khiến cơ hoành bị đẩy lên chèn ép, ảnh hưởng hoạt động của tim.
2.3. Người bệnh khí phế thũng cần ăn thức ăn mềm và dễ tiêu
Các thức ăn cứng, dai cần nhai nhiều không tốt cho sức khỏe người bệnh khí phế thũng. Theo đó, bạn nên lựa chọn những loại thức ăn mềm như: rau củ đã được nấu chín, thịt xay, mì ống, khoai tây nghiền, các loại súp, thịt hầm,...
2.4. Người bệnh khí phế thũng cần kiểm soát lượng muối tiêu thụ hàng ngày
Người bệnh khí phế thũng sử dụng quá nhiều muối trong chế độ ăn hàng ngày cơ thể sẽ có nguy cơ bị giữ nước gây tăng huyết áp, tăng mức độ khó thở. Do đó, cần kiểm soát tối đa lượng muối tiêu thụ. Tránh xa các loại thức ăn nhanh có chứa nhiều muối như bánh quy và khoai tây chiên, các loại thịt như giăm bông, thịt muối, dưa chua, nước sốt đóng chai,...
2.5. Các biện pháp cải thiện tình trạng khô miệng
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khô miệng ở người bệnh khí phế thũng, các nguyên nhân có thể đến từ các loại thuốc và liệu pháp điều trị bệnh. Để cải thiện tình trạng trên, người bệnh nên giữ bên mình một chai nước lọc để uống vào bất kỳ lúc nào. Máy làm ẩm không khí phòng ngủ sẽ rất hữu ích khi dùng vào ban đêm để giảm tình trạng khô miệng. Vệ sinh máy thường xuyên, sử dụng máy theo hướng dẫn sử dụng để giữ máy luôn được sạch sẽ.
2.6. Người bệnh khí phế thũng nên mặc quần áo thoải mái
Quần áo bó sát tuy rất thời trang nhưng có thể gây siết chặt đường thở của người bệnh khí phế thũng. Người bệnh nên lựa chọn các trang phục rộng rãi, thoải mái như quần thun, áo phông rộng rãi,... vừa không phải gắng sức khi mặc, vừa an toàn cho đường thở.
2.7. Sử dụng ống hít đúng cách
Khi điều trị khí phế thũng, bác sĩ có thể sẽ kê đơn nhiều loại thuốc khác nhau, trong đó các thuốc dạng ống hít. Các thuốc dạng ống ít có loại dùng hàng ngày, có loại dùng trong trường hợp lên cơn khó thở cấp. Do đó, người bệnh cần phân biệt rõ các loại thuốc nào, sử dụng đúng cách, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ. Kiểm tra số liệu đã sử dụng, số liệu còn lại trong ống thuốc, tái khám theo lịch hẹn.
2.8. Người bệnh khí phế thũng cần tiêm vắc-xin cúm hàng năm
Bệnh khí phế thũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm và các biến chứng nặng do cúm. Do đó người bệnh khí phế thũng cần tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm. Bên cạnh đó, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng vắc-xin phế cầu, là nguyên nhân thường gặp gây viêm phổi. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay khô nếu người bệnh đến nơi đông người.
2.9. Tham gia các nhóm hỗ trợ cộng đồng
Các nhóm hỗ trợ cộng đồng người bệnh khí phế thũng với sự giúp đỡ của các chuyên gia sẽ đưa ra những lời khuyên bổ ích về cách thở đúng cách, chế độ dinh dưỡng, cách cai nghiện thuốc lá,... sẽ rất hữu ích cho người bệnh. Bên cạnh đó được gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng hoàn cảnh sẽ giúp ích cho tâm lý người bệnh.
2.10. Tránh các nguy cơ gây tổn thương phổi
Người bệnh khí phế thũng khi ra ngoài vào trời lạnh hãy mang khăn choàng cổ hoặc đeo khẩu trang để che kín miệng để tránh không khí lạnh gây co thắt đường thở. Ngoài ra, cần tránh xa hơi sơn, ống xả ô tô, nước hoa, que hương và bất cứ tác nhân nào có thể gây tổn thương phổi.
2.11. Cải thiện tình trạng đầy hơi
Khi dạ dày bị đầy hơi, việc thở của người bệnh khí phế thũng có thể trở nên khó khăn hơn. Do đó, cần hạn chế các loại thực phẩm có thể gây đầy hơi như các thức ăn chiên rán, nhiều gia vị, nước ngọt có ga,...
4.12. Người bệnh khí phế thũng cần chuẩn bị cẩn thận trước các chuyến đi
Khi có dự định đi du lịch, người bệnh khí phế thũng cần trao đổi với bác sĩ về nơi sắp đến như điều kiện khí hậu, mức độ ô nhiễm không khí, mực nước biển,... Tìm hiểu các quy định của hãng hàng không về việc có cho phép mang theo bình dưỡng khí hay không.
Bệnh khí phế thũng tuy không thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ các hướng dẫn điều trị khí phế thũng từ bác sĩ cùng áp dụng các mẹo quản lý bệnh khí phế thũng có thể giúp hạn chế các triệu chứng, làm chậm tối đa sự tiến triển của bệnh, kéo dài và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com