Allopurinol là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị gút. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên da dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
1. Tác dụng phụ trên da của allopurinol
Allopurinol là thuốc giảm tổng hợp acid uric thông qua ức chế enzym xanthin oxidase. Thuốc được dùng lâu dài để ngăn ngừa xảy ra cơn gút cấp và giảm tổn thương khớp trong bệnh gút. Tuy nhiên, một số tác dụng không mong muốn nghiêm trọng trên da có thể xảy ra khi dùng thuốc, bao gồm hội chứng Steven – Johnson (SJS) và hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN). SJS và TEN có biểu hiện với các triệu chứng giả cúm, sốt cao, ban đỏ lan rộng, bong tróc da, bọng nước, ban xuất huyết, viêm loét, hoại tử niêm mạc và loét các hốc tự nhiên. Tổn thương còn có thể xảy ra đồng thời trên các cơ quan khác như gan, thận... SJS và TEN do allopurinol được ghi nhận với tỷ lệ dưới 1% nhưng nguy cơ tử vong lên tới 39%.
SJS và TEN có thể xảy ra ngay sau khi bắt đầu điều trị, thời gian khởi phát trung bình khoảng 3-4 tuần và hơn 90% xảy ra trong vòng 3 tháng đầu tiên. Yếu tố nguy cơ khởi phát SJS và TEN khi sử dụng allopurinol là người mang gen HLA-B*58:01. Nữ giới có nguy cơ mắc nhiều hơn so với nam giới. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khác: liều cao, suy giảm chức năng thận và tương tác thuốc.
2. Các biện pháp phòng tránh tác dụng phụ của Allopurinol
Cân nhắc sàng lọc kiểu gen HLA-B*58:01 trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Bắt đầu điều trị với liều thấp (100mg) và tăng liều từ từ mỗi 2-5 tuần đến khi đạt acid uric máu mục tiêu. Liều tối đa: 800mg/ngày. Giảm liều ở người bệnh có suy thận. Theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn, đặc biệt trong 3 tháng điều trị đầu tiên. Người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ ngay khi có phản ứng ngoài da (bọng nước, ban đỏ, bong da) hay các biểu hiện sốt, loét các hốc niêm mạc (miệng, bộ phận sinh dục...). Trong quá trình điều trị, nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) nhằm giảm nguy cơ lắng đọng xanthin tại thận.