Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ cao cấp, Tiến sĩ Vũ Văn Tâm - Bác sĩ Nội Truyền Nhiễm - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Bệnh giun xoắn có thể xảy ra ở mọi đối tượng trong bất kỳ độ tuổi nào. Đặc biệt, những người hay ăn thịt sống hoặc chưa được nấu chín sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh giun xoắn. Vậy giun xoắn ký sinh ở đâu và gây bệnh gì?
1. Giun xoắn gây bệnh gì?
Bệnh giun xoắn là tình trạng nhiễm một loại giun tròn (thuộc giống Trichinella), sống ký sinh trong ruột của lợn và các loại động vật khác. Khi ăn phải thịt bị nhiễm ấu trùng giun xoắn và chưa nấu chín, ấu trùng sẽ di chuyển vào ruột và tiếp tục quá trình phát triển thành giun trưởng thành trong một vài tuần.
Sau đó, giun xoắn sinh sản ra các ấu trùng mới. Những ấu trùng này len lỏi đến khắp các mô trong cơ thể bệnh nhân, thậm chí xuất hiện cả trong cơ bắp. Các biến chứng thường gặp của bệnh giun xoắn bao gồm suy hô hấp, viêm phổi, suy tim sung huyết, tổn thương thận, tim và não. Đây là bệnh ký sinh trùng khá phổ biến ở những vùng nông thôn. Tuy nhiên, khi đã biết được giun xoắn ký sinh ở đâu, chúng ta có thể chủ động phòng ngừa dễ dàng.
2. Nguyên nhân gây bệnh giun xoắn
Giun xoắn không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người mà qua đường ăn uống. Bệnh có thể gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng phổ biến hơn ở các nước đang phát triển. Giun xoắn ký sinh ở đâu lại còn tùy thuộc vào tập quán, văn hóa ăn sống, uống tươi của từng vùng. Một số nơi thì thịt gấu lại là nguồn lây nhiễm chính. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam thì thịt heo nhiễm bệnh vẫn chiếm đa số.
Ở những nơi mà việc giết mổ heo không có sự kiểm tra, kiểm dịch của chi cục Thú y thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn. Một số vùng có tập tục ăn sống, ăn tái, uống tiết canh lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa nấu chín sẽ có nguy cơ xảy ra dịch bệnh ký sinh trùng, một trong số đó là nhiễm giun xoắn.
3. Triệu chứng của bệnh giun xoắn
3.1. Dấu hiệu lâm sàng
Nhiều người thắc mắc giun xoắn gây bệnh gì và nhận biết như thế nào? Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhiễm giun xoắn có 4 triệu chứng cơ bản sau đây:
- Phù mi mắt: đây là dấu hiệu sớm và đặc trưng nhất của bệnh giun xoắn, đôi khi phù cả khuôn mặt, lan xuống phần cổ, vai và hai tay. Tình trạng phù mi tại chỗ đôi khi kèm theo xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc.
- Đau và co cứng cơ: xuất hiện khi thở sâu, khi ho, nhai, nuốt, đại tiện, đau cả trên mặt và vùng cổ, đau khi vận động, thậm chí cả khi ăn uống, nói chuyện. Đau cơ hạn chế khả năng vận động của bệnh nhân.
- Sốt nhẹ, tăng dần sau 2 - 3 ngày: nhiễm ký sinh trùng giun xoắn có thể khiến thân nhiệt lên tới 39-40 oC.
- Các biến chứng về tim mạch và thần kinh: trường hợp nặng, bệnh nhân có thể tử vong do suy cơ tim, xảy ra ngay tuần đầu hoặc tuần thứ 2 mắc bệnh. Các biến chứng khác có thể xuất hiện vào tuần thứ 3 hoặc thứ 4, bao gồm: viêm cơ, viêm phổi, viêm não, cũng có khả năng gây tử vong tuỳ theo mức độ và thời gian mà người bệnh nhiễm ấu trùng giun xoắn. Tỷ lệ tử vong dao động từ 6-30%.
Các triệu chứng khác của nhiễm giun xoắn, có thể kể đến như: tiêu chảy, khát nước, đổ nhiều mồ hôi, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi và suy kiệt.
3.2. Triệu chứng giúp xác định
Bệnh nhân nhiễm giun xoắn khi thực hiện phản ứng ngưng kết bổ thể, miễn dịch huỳnh quang hoặc ELISA cho kết quả dương tính, xét nghiệm công thức máu thấy bạch cầu ái toan tăng cao bất thường.
Tình trạng tăng bạch cầu ái toan xảy ra ngay từ những ngày đầu nhiễm giun xoắn, tăng cao nhất vào tuần thứ 3 sau khi mắc bệnh và kéo dài tận 2 - 4 tháng ngay cả khi đã khỏi bệnh. Thể nhẹ, lượng bạch cầu ái toan tăng khoảng 15 - 30%; thể nặng có thể lên tới 50 - 60%.
Ở giai đoạn đầu sau khi mắc bệnh, nếu để ý có thể thấy giun xoắn trưởng thành ở trong phân. Khi đến giai đoạn toàn phát, lấy mẫu sinh thiết các cơ vận động sẽ tìm thấy những nang ấu trùng giun xoắn.
Khi đã nhiễm giun xoắn hoặc phát hiện các triệu chứng nhiễm giun xoắn, bệnh nhân cần được thăm khám chính xác và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế. Khi biết được giun xoắn ký sinh ở đâu, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc phát hiện và chẩn đoán bệnh.
4. Giun xoắn ký sinh ở đâu?
Vấn đề giun xoắn ký sinh ở đâu lại còn tùy thuộc vào từng khu vực địa lý khác nhau. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển như Việt Nam thì ổ chứa giun xoắn chủ yếu là lợn, ngoài ra còn có các loài khác như chuột, chó, mèo và thú hoang như cáo, lợn rừng,...
Quá trình lây nhiễm của giun xoắn như sau: đầu tiên, người ăn phải thịt chưa nấu chín bị nhiễm kén có chứa ấu trùng giun xoắn. Khi vào đến dạ dày, ấu trùng sẽ thoát kén và di chuyển đến ruột non trong vòng 1 - 2 giờ. Ở ruột non, ấu trùng giun xoắn sẽ tiếp tục phát triển thành giun trưởng thành sau 24 giờ rồi xâm nhập và ký sinh vào trong niêm mạc của ruột non. Sau khoảng 4 - 5 ngày, giun cái bắt đầu đẻ ra lứa ấu trùng mới.
Trung bình, một giun xoắn cái có thể đẻ đến 1000 ấu trùng trong khoảng 4 - 6 tuần. Ấu trùng xâm nhập vào hệ tuần hoàn, đến tim, ký sinh và tạo kén ở các tổ chức cơ vân, cơ hoành,... sau chừng 10 - 15 ngày phát triển, các kén chứa ấu trùng này bắt đầu lây nhiễm. Sau khoảng nửa năm, kén này sẽ bị vôi hoá dần. Mặt khác, kén ký sinh trong tổ chức cơ có thể tồn tại trong vài năm, thậm chí là tới 20 - 30 năm mà vẫn có khả năng lây nhiễm.
Đối với thời gian ủ bệnh: Các triệu chứng điển hình của giun xoắn thường xuất hiện trong vòng 5 - 15 ngày sau khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn còn tùy lượng ấu trùng giun xoắn mà bệnh nhân ăn phải là nhiều hay ít, có khi phải tới 45 ngày sau mới nhận thấy những dấu hiệu nhiễm giun xoắn.
Khi tồn tại ở môi trường bên ngoài cơ thể, ấu trùng giun xoắn trong kén có sức đề kháng rất cao. Trong thịt động vật,thời gian sống có thể lên tới 2 - 5 tháng. Tuy nhiên, khi ra khỏi kén, ấu trùng sẽ chết chỉ sau vài giây ở nhiệt độ khoảng 45 – 70 oC. Ở nhiệt độ lạnh -20 oC, ấu trùng chết sau khoảng 20 ngày.
5. Cách phòng chống bệnh giun xoắn
Khi đã biết được giun xoắn ký sinh ở đâu và cách thức lây truyền của loại ký sinh trùng này, chúng ta có thể dễ dàng chủ động phòng chống bệnh:
- Tuyên truyền giáo dục mọi người nâng cao ý thức trong văn hóa ăn uống: Vệ sinh thực phẩm cẩn thận, ăn chín, uống sôi, nhất là ở những vùng dân cư có tập quán ăn sống, tái, dùng tiết canh.
- Khi nghi ngờ ăn phải thịt nhiễm giun xoắn: nên thực hiện xét nghiệm chẩn đoán ngay.
- Xử lý môi trường và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm: không sử dụng thịt heo bẩn không rõ nguồn gốc; tịch thu, cách ly và tiêu huỷ thịt hoặc những sản phẩm từ thịt đã bị nhiễm ký sinh trùng giun xoắn.
- Phòng dịch ở địa phương: tăng cường kiểm tra và siết chặt xử lý đối với các lò giết mổ súc vật, đặc biệt là ở những khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
- Báo cáo tình hình dịch tễ: thông báo khẩn lên các tuyến trên để bố trí đội phòng chống dịch xuống nơi có ca mắc bệnh để điều tra dịch tễ, tổ chức điều trị, truyền thông giáo dục dân địa phương về vai trò của việc phòng chống bệnh giun xoắn tại cộng đồng.
Đề phòng luôn là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa những hậu quả xảy ra do nhiễm ký sinh trùng. Do vậy, toàn dân nên trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về vấn đề giun xoắn ký sinh ở đâu và giun xoắn gây bệnh gì để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mình và người thân xung quanh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.