Bệnh động mạch ngoại biên - Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Động mạch ngoại biên hay còn gọi là PAD là bệnh lý liên quan đến các động mạch gây đau nhức, chuột rút, khiến các vết loét lâu lành. Vậy bệnh động mạch ngoại biên là gì?

1. Bệnh động mạch ngoại biên là gì?

Bệnh động mạch ngoại biên (PAD) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi, đặc biệt xuất hiện nhiều ở chi dưới. Một cách dễ hiểu là khi các mảng bám từ chất béo, cholesterol, mô sợi hay canxi tích tụ lại trong các động mạch dẫn máu đến não, đến các bộ phận trong cơ thể sẽ gây mất máu cục bộ. Bởi các chất đố qua thời gian sẽ cứng lại, làm thu hẹp các động mạch hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan khác.

Bệnh này thường ảnh hưởng đến động mạch ở chân bởi đây là nơi ta hay hoạt động nhiều, còn là vị trí xa để có thể nhận đủ máu nhanh nhất. Nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến các chi khác như não, thận, tay,...

Khi bệnh động mạch ngoại biên diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến các chi bị thiếu máu trầm trọng, tạo nên các vết loét. Các vết loét thường xuất hiện ở ngón chân hoặc ở cả bàn chân, đặc biệt sau khi xảy ra chấn thương. Các vết loét thường có xu hướng nặng dần dẫn đến hoại tử, gây nhiễm trùng nghiêm trọng và dễ bị viêm tế bào.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh động mạch ngoại biên

Trong nhiều trường hợp khi bệnh động mạch ngoại biên còn nhẹ thì người bệnh có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như cảm giác mỏi khi đi lại lâu. Nhưng bệnh động mạch ngoại biên có thể gây ra cơn đau cách hồi. Đau cách hồi là cảm giác đau mỏi, khó chịu ở chân khi bạn đi lại nhưng cơn đau sẽ biến mất khi bạn được nghỉ ngơi. Có thể nó không phải là cơn đau mãnh liệt mà là cảm giác bị bó chặt, nặng chân khi leo dốc hay leo cầu thang. Cơn đau càng kéo dài thì thời gian đi lại của bạn càng ngắn, dần dần cơn đau sẽ xuất hiện ngay cả khi bạn di chuyển một quãng đường ngắn.

Các triệu chứng cơ bản khác như:

  • Chuột rút ở tay, chân hoặc ở vị trí động mạch bị tắc
  • Đau khối cơ sau khi hoạt động
  • Lạnh chân
  • Đau ngón chân, bàn chân
  • Vết thương lâu không lành
  • Móng tay, chân chậm phát triển
  • Không tìm thấy mạch ở chân hoặc mạch yếu
  • Rối loạn cương dương ở nam giới
  • Màu sắc bàn chân nhợt nhạt, không có sắc tố

Đây là bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ với số lượng tương đương nhau. Đặc biệt những người bị mắc bệnh tiểu đường, béo phì hay người lớn trên 50 tuổi có khả năng mắc bệnh động mạch ngoại biên rất cao.


Chuột rút là một dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên
Chuột rút là một dấu hiệu của bệnh động mạch ngoại biên

3. Các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh động mạch ngoại biên

Có rất nhiều yếu tố có thể tác động làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên như:

  • Hút thuốc lá
  • Huyết áp cao (>140/90 mmHg)
  • Cholesterol cao (> 240 mg/dL hoặc 6,2 millimoles/lít)
  • Nồng độ homocysteine cao
  • Yếu tố di truyền khi trong nhà có người mắc bệnh động mạch ngoại biên hay bệnh tim, đột quỵ.

4. Các biện pháp phòng bệnh động mạch ngoại biên

Nguy cơ chủ yếu gây bệnh động mạch ngoại biên đều là do chế độ sinh hoạt không lành mạnh trong thời gian dài. Chính vì vậy, nếu muốn ngăn chặn hay giảm thiểu khả năng mắc bệnh này thì cách tốt nhất là xây dựng một lối sống lành mạnh.

4.1 Tập thể dục hàng ngày

Cần duy trì thói quen vận động như chạy bộ 35-40 phút hay các bài tập thể dục mỗi ngày. Đây là cách hữu hiệu giúp tăng tuần hoàn máu, cải thiện khả năng lọc máu, cung cấp oxy cho cơ thể.

4.2 Dùng gối khi ngủ

Khi ngủ để giảm khả năng bệnh nên giữ chân thấp hơn tim. Nghĩa là nên kê đầu bằng gối từ 10cm đến 15cm giúp máu có thể di chuyển đến bàn chân tốt hơn.

4.3 Chăm sóc bàn chân

Chú ý đến tình trạng bàn chân như kiểm tra xem có vết thương hay bị chai chân hay không vì khi bệnh động mạch ngoại biên nặng rất dễ gây ra các vết loét ở chân là nó rất khó lành.

Nên rửa chân bằng nước ấm mỗi ngày và lau chân nhẹ nhàng. Đặc biệt cẩn thận không chọn cỡ giày quá chật hay quá rộng với bản thân.

4.4 Thiết kế chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh

Chú ý chọn thức ăn dinh dưỡng, tăng cường ăn rau quả, cung cấp đầy đủ vitamin A, B6, C và E, folate, chất xơ; và axit béo omega 3 cũng như hạn chế thức ăn có quá nhiều chất béo bão hòa hay thức ăn mặn. Tập thói quen ăn nhạt rất tốt cho sức khỏe lâu dài.


Bệnh nhân động mạch ngoại vi nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng
Bệnh nhân động mạch ngoại vi nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng

4.5 Uống nhiều nước

Đây là nguyên tắc bảo vệ sức khỏe, tránh mọi loại bệnh. Nên uống đủ từ một đến hai lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể, tránh rơi vào tình trạng mất nước.

4.6 Duy trì cân nặng hợp lý

Cần kiểm tra chỉ số khối cơ thể BMI đảm bảo bản thân luôn ở mức bình thường, giảm cân lành mạnh ngay khi chỉ số của bản thân quá mức cho phép.

Tránh tiếp xúc với nhiệt độ lạnh như ăn uống đồ quá lạnh, không mặc đủ quần áo ấm khiến hạ nhiệt độ cơ thể đột ngột. Vì mạch máu rất dễ bị co lại khi tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh.

4.7 Bỏ hút thuốc lá

Thuốc lá góp phần lớn dẫn đến sự co thắt mạch máu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chúng. Nếu hút thuốc quá nhiều sẽ khiến bệnh động mạch ngoại biên (PAD) biến chứng ngày càng tệ hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe