Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Hầu hết mọi người đều biết virus bệnh dại lây truyền từ các vết cắn của động vật lên con người. Nhưng với câu hỏi “Bệnh dại có lây qua đường ăn uống không?” thì không phải ai cũng có thể đưa ra câu trả lời.

1. Bệnh dại lây qua đường nào?

Nguyên nhân gây ra bệnh dại là do một loại virus có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật mắc bệnh dại. Động vật nhiễm bệnh sẽ lây nhiễm virus dại cho con người hoặc động vật khác thông qua vết cắn. Trong vài trường hợp hiếm gặp hơn, bệnh dại có thể được lây nhiễm qua sự tiếp xúc nước bọt với tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương. Ví dụ, bệnh có thể lây nhiễm nếu động vật nhiễm bệnh liếm vết thương trên da bạn.

Trong thiên nhiên, ổ chứa virus dại là động vật có vú máu nóng, điển hình là các loài chó hoang dã như chó sói đồng (Coyotes), chó sói (Wolves), chó rừng (Jackals) và chó nhà (Candae). Ngoài ra, ổ chứa virus dại còn ở mèo, chồn, cầy và những động vật có vú khác.

  • Ở Nam Mỹ, Trung Mỹ, Mexico có ổ chứa virus ở loài dơi hút máu và dơi ăn hoa quả. Ở Mỹ, Canada, Châu Âu cũng có ghi nhận loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm virus dại.
  • Ở các nước đang phát triển, ổ chứa chủ yếu ở chó, ngoài ra còn thấy ở mèo, chuột...
  • Ở Việt Nam, chó là ổ chứa virus dại chủ yếu chiếm đến 96-97% sau đó là mèo: 3-4%, các loại động vật khác như thỏ, chuột, sóc...hiện chưa có ghi nhận cụ thể.

Bệnh dại là do một loại virus có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật mắc bệnh dại
Bệnh dại là do một loại virus có tên là Rhabdovirus có trong nước bọt của những động vật mắc bệnh dại

2. Phương thức lây truyền

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, virus sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng thực tế trong nước bọt đã có virus dại. Dần dần virus dại sẽ hủy hoại dần các tế bào thần kinh và gây xuất hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh dại.

2.1 Bệnh dại có lây qua đường không khí không?

Khả năng lây truyền bệnh dại qua đường không khí đã được chứng minh trong quần thể loài dơi sống ở hang động và ở môi trường phòng thí nghiệm. Tuy vậy, cũng rất hiếm xảy ra trên thực tế. Những loài dơi ăn sâu bọ bị nhiễm virus dại ở Mỹ rất hiếm lây truyền bệnh dại sang những súc vật sống trên mặt đất, kể cả súc vật hoang dã hoặc súc vật nuôi trong nhà.

2.2 Bệnh dại có lây qua đường ăn uống không?

Có thể có một số trường hợp những người giết mổ gia súc không may giết mổ những động vật đã mang virus dại và tiếp xúc với các cơ quan nội tạng, não bộ, hệ thần kinh của con vật, điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhưng tỉ lệ không cao. Hiện cũng chưa có ghi nhận nào về việc lây nhiễm bệnh dại thông qua tiêu thụ, ăn uống thịt chín có nguồn gốc từ động vật mắc bệnh.

2.3 Bệnh dại có lây từ người sang người không?

Việc lây truyền bệnh dại từ người sang người thông qua cấy ghép giác mạc hoặc cấy ghép các nội tạng là tương đối hiếm nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Những trường hợp dại lây truyền từ người sang người được ghi nhận đầy đủ trong y văn từ trước đến nay là 8 người được ghép giác mạc và 3 người được ghép tạng. Nguy cơ này hoàn toàn có thể ngăn ngừa nhờ những quy định nghiêm ngặt về hiến giác mạc và tạng ghép.

Bên cạnh lây truyền từ ghép giác mạc và tạng, về mặt lý thuyết, nguy cơ lây nhiễm bệnh cũng có thể xuất phát từ vết cắn từ người sang người, nhưng thực tế hiện nay chưa có trường hợp nào được ghi nhận. Tuy nhiên những người chăm sóc bệnh nhân cũng nên thận trọng và cảnh giác khi chăm sóc người bệnh dại, đặc biệt tránh tiếp xúc với nước bọt của họ. Các tiếp xúc khác như chạm vào người bị bệnh dại hoặc tiếp xúc với dịch hoặc mô không gây nhiễm (máu, nước tiểu, phân) không phải là phơi nhiễm và không cần dự phòng sau phơi nhiễm. Ngoài ra, tiếp xúc với một người đang được tiêm vắc-xin dại không phải là phơi nhiễm với bệnh dại và không cần dự phòng sau phơi nhiễm.

3. Tiêm phòng bệnh dại ở người

  • Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh dại ở người

Vắc-xin bệnh dại ở người được dùng để ngăn ngừa trước khi bị phơi nhiễm. Chúng được khuyến nghị cho những người làm ngành nghề có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại và virus dại, nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật và kiểm lâm động vật hoang dã, những người tiếp xúc trực tiếp với dơi, động vật ăn thịt hoặc động vật có vú.

Tiêm phòng cũng được khuyến nghị cho khách du lịch đến các vùng bị ảnh hưởng của bệnh dại, những người dự định dành nhiều thời gian tham gia vào các hoạt động ngoài trời như thám hiểm hang động hoặc leo núi.

Cuối cùng, tiêm chủng cũng nên được xem xét cho trẻ em sống hoặc đến thăm những khu vực có nguy cơ cao. Khi chơi và tiếp xúc với động vật lạ, chúng có thể bị cắn.


Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh dại ở người
Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh dại ở người

  • Tiêm vắc-xin để điều trị bệnh dại

Một khi các triệu chứng bệnh dại đã bắt đầu thì hầu như không còn cách điều trị hiệu quả, khả năng tử vong của nạn nhân lên đến 100%. Đây là lý do tại sao các bác sĩ tập trung vào việc phòng ngừa và cố gắng ngăn chặn căn bệnh này ngay sau khi một người bị phơi nhiễm.

Bất kỳ ai nghĩ rằng họ đã tiếp xúc với virus bệnh dại phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Khi bị nhiễm virus dại, cần tiêm 2 loại thuốc này càng sớm càng tốt:

  • Globulin miễn dịch bệnh dại: Cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức trong khi vắc-xin ngừa dại bắt đầu hoạt động.
  • Vắc-xin bệnh dại: Người bệnh sẽ được tiêm 4 liều vào các ngày 0,3,7 và 14 (ngày 0 là ngày của liều đầu tiên). Những người có hệ miễn dịch yếu được bổ sung một liều vào ngày thứ 28.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin phòng dại.

Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng. Khách hàng được theo dõi đa khoa trước, trong và sau tiêm chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.


Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh dại ở người
Tiêm vắc-xin để phòng ngừa bệnh dại ở người

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Riêng trong tháng 12/2019, Vinmec miễn phí tiêm Vắc-xin Viêm gan B sơ sinh (tiêm ngay sau khi sinh) cho bé khi đăng kí Gói tiêm chủng trọn gói dành cho trẻ từ 0-1 tuổi hoặc từ 0-2 tuổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe