Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội thần kinh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm đa dây thần kinh là bệnh lý phổ biến, xảy ra trên nhiều dây thần kinh. Một trong những nguyên nhân gây bệnh đa dây thần kinh là tình trạng thừa hoặc thiếu vitamin B6. Bổ sung vitamin B6 một cách hợp lý chính là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu
1. Vitamin B6 có vai trò gì?
Vitamin B6 (còn gọi là pyridoxine) thuộc nhóm vitamin B, là một loại vitamin hòa tan trong nước. Vitamin B6 đi vào cơ thể được hấp thu nhanh, chủ yếu dự trữ ở gan, một phần khác ở não và cơ, thải trừ chủ yếu qua thận. Nhu cầu vitamin B6 hằng ngày của người bình thường là 2mg/ngày đối với nam giới và 1.6mg/ngày đối với nữ giới. Trẻ em có nhu cầu vitamin B6 từ 0.3mg - 1mg/ngày tùy nhóm tuổi.
Khi vào cơ thể, vitamin B6 biến đổi thành pyridoxal phosphate. Đây là một coenzyme có các vai trò sau:
- Tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh và các phản ứng chuyển hóa amino axit;
- Chuyển hóa lipid và glucid;
- Tổng hợp hemoglobin;
- Tổng hợp vitamin B3 từ tryptophan;
- Chuyển glycogen thành glucose, duy trì đường huyết ổn định và bảo vệ tim mạch;
- Giảm lượng cholesterol trong máu ở bệnh nhân xơ vữa động mạch;
- Giảm sự hình thành oxalat trong máu, ngăn ngừa sỏi thận;
- Chống stress, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường hoạt tính của vitamin C,...;
- Phát triển hệ thần kinh và não cho bào thai và trẻ em sau khi sinh;
- Giảm nguy cơ mắc ung thư phổi.
Vitamin B6 có nhiều trong thịt động vật (thịt bò, thịt lợn, cá, thịt gia cầm,...), thực vật (ngũ cốc nguyên hạt, đậu nành, khoai tây, súp lơ, cải bắp, dưa hấu, lạc, cà rốt,...). Một số loại vi khuẩn đường ruột cũng tổng hợp được vitamin B6, góp phần đáp ứng cho nhu cầu vitamin B6 của cơ thể. Do vậy, thông thường lượng vitamin B6 trong thức ăn hằng ngày có thể đáp ứng đủ nhu cầu của người bình thường.
2. Các bệnh đa dây thần kinh do vitamin B6
Pyridoxine có tác dụng dự phòng bệnh viêm đa dây thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên, bổ sung thiếu hay thừa vitamin B6 so với nhu cầu cơ thể đều có thể gây ra bệnh đa dây thần kinh ngoại biên. Cụ thể:
2.1 Bệnh đa dây thần kinh do thiếu vitamin B6
Thực tế, hiếm khi xảy ra tình trạng thiếu vitamin B6. Thiếu B6 chỉ xảy ra ở người bị thiểu dưỡng, nghiện rượu hoặc ở trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu vitamin B6. Ngoài ra, thiếu vitamin B6 cũng gặp ở bệnh nhân đang sử dụng các loại thuốc có tính đối kháng với vitamin B6 như hydralazine, isoniazid và D-penicillamine.
Thiếu vitamin B6 gây bệnh đa dây thần kinh thể cảm giác và vận động với biểu hiện tê bì, đau, teo và yếu cơ, mất phản xạ gân xương ở ngọn chi, mất tất cả cảm giác,... Thiếu vitamin B6 cũng là nguyên nhân gây viêm dây thần kinh ngoại biên với các biểu hiện tê ngón tay và bàn chân.
Về phương pháp điều trị: Dùng liều khuyến cáo cho vitamin B6 là 100 - 450mg/ngày để ngăn ngừa bệnh đa dây thần kinh cho bệnh nhân đang sử dụng các thuốc như isoniazid.
2.2 Bệnh đa dây thần kinh do thừa vitamin B6
Bổ sung quá mức vitamin B6 từ thuốc có thể gây bệnh đa dây thần kinh cảm giác hoặc bệnh thân nơron thần kinh. Bệnh có biểu hiện: Giảm cảm giác ở 2 tay, sau đó là 2 chân, bệnh nhân đi kiểu dạng chân, phản xạ gân xương giảm hoặc mất, đau, tổn thương biến dạng da, tăng nhạy cảm với ánh sáng, buồn nôn và ợ hơi. Mức độ trầm trọng của các triệu chứng sẽ phụ thuộc vào liều dùng vitamin B6 và triệu chứng của bệnh có thể biến mất nếu bệnh nhân ngừng thuốc.
Khi bị viêm đa dây thần kinh do vitamin B6, người bệnh cần tái khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng của bệnh, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc hoặc tự ý bỏ thuốc trong thời gian điều trị, đồng thời tích cực rèn luyện sức khỏe để kiểm soát bệnh hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.