Bệnh Crohn là tình trạng viêm ruột mãn tính, dẫn đến đau bụng, tiêu chảy nghiêm trọng, mệt mỏi, giảm cân và suy dinh dưỡng.
1. Bệnh Crohn là gì?
Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột mãn tính, chủ yếu ảnh hưởng đến ruột non và ruột già. Tuy nhiên, bệnh Crohn cũng có thể xảy ra ở bất cứ phần nào của đường tiêu hóa, từ miệng cho đến hậu môn.
Bệnh Crohn được chia thành nhiều loại tùy thuộc vào vị trí xuất hiện trong cơ thể, chẳng hạn như: Bệnh Crohn đại tràng, bệnh Crohn hồi tràng, viêm ruột mãn tính do Crohn và các loại khác.
Tình trạng viêm có thể gây ra tổn thương nông và giống như loét. Một số bệnh nhân có vết loét lớn và ăn sâu sẽ dẫn đến sẹo, dần dần là xơ cứng và hẹp tắc ruột. Đôi khi những tổn thương loét xâm nhập vào thành ruột, tạo ra nguy cơ hình thành các biến chứng như: tắc ruột hoặc nhiễm trùng trong khoang bụng (viêm phúc mạc). Những người mắc bệnh Crohn sẽ liên tục trải qua chu kỳ thuyên giảm bớt, rồi lại tái phát các triệu chứng dữ dội.
2. Triệu chứng của bệnh Crohn
Những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến của bệnh Crohn thường bao gồm: Đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, sốt và sụt cân.
Nguyên nhân chính xác gây bệnh đến nay vẫn chưa được biết. Một số chuyên gia y tế cho rằng yếu tố di truyền có thể đóng vai trò nhất định. Ngoài ra, nhiều khả năng virus hoặc vi khuẩn cũng có thể kích hoạt bệnh Crohn. Khi hệ thống miễn dịch cố gắng chống lại vi sinh vật lạ xâm nhập, một phản ứng miễn dịch bất thường xuất hiện lại khiến hệ miễn dịch tấn công nhầm các tế bào trong đường tiêu hóa.
Một số yếu tố nguy cơ góp phần khởi phát bệnh Crohn bao gồm:
- Tuổi tác: Bệnh Crohn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng đa phần những trường hợp phát triển bệnh Crohn đều còn trẻ, được chẩn đoán khi chưa đến 30 tuổi;
- Chủng tộc: Bệnh Crohn cũng không loại trừ bất kỳ nhóm dân tộc nào, nhưng người da trắng và gốc Do Thái Đông Âu (Ashkenazi) có nguy cơ mắc cao nhất.
- Lịch sử gia đình: Bạn có nguy cơ bị Crohn cao hơn nếu có cha mẹ, anh chị em hoặc con cái mắc bệnh. Có đến 1/5 bệnh nhân Crohn cũng có thành viên trong gia đình cũng mắc bệnh.
- Hút thuốc lá: Đây là yếu tố rủi ro có thể kiểm soát được. Hút thuốc cũng khiến bệnh nặng hơn, từ đó tăng nguy cơ phải phẫu thuật;
- Một số thuốc chống viêm không steroid: Mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh Crohn, song những loại thuốc này có thể khiến tình trạng viêm ruột mãn tính trở nên tồi tệ hơn;
- Vị trí địa lý: Người sống ở khu vực thành thị hoặc một nước công nghiệp có nhiều khả năng mắc bệnh Crohn. Nguyên nhân có thể là do các yếu tố môi trường, bao gồm chế độ ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm tinh chế, đồ hộp chế biến sẵn.
3. Bệnh Crohn có lây không?
Bệnh Crohn không phải là bệnh truyền nhiễm. Bạn không thể mắc bệnh Crohn từ người khác, ngay cả khi có quan hệ tình dục với bệnh nhân.
Tuy nhiên, bệnh có thể lây lan trong đường tiêu hóa của chính người bệnh. Cơ chế lây lan nội bộ tương tự như các bệnh viêm ruột IBD khác.
Tình trạng này có thể được hạn chế bằng các thuốc chống viêm, thuốc tiêu chảy, liệu pháp dinh dưỡng (giảm tiếp xúc với các chất kích thích từ thực phẩm) và thậm chí là can thiệp phẫu thuật.
4. Chẩn đoán và điều trị bệnh Crohn
Người mắc bệnh Crohn sẽ có các triệu chứng sớm như: Đau bụng, sốt, tiêu chảy, và giảm cân. Tuy nhiên, những biểu hiện này lại không đặc hiệu. Do đó, bác sĩ cần đánh giá thông qua xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và nội soi để chẩn đoán bệnh.
Ban đầu bệnh nhân sẽ được xét nghiệm máu và phân, cũng như chụp X-quang bụng để loại trừ các tình trạng y tế khác. Những phương pháp như chụp CT và chụp MRI sẽ giúp bác sĩ thấy được chi tiết thành ruột.
Các biện pháp điều trị bệnh Crohn sẽ khác nhau, tùy thuộc triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Người bị nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể không cần điều trị.
Như vậy, trả lời cho câu hỏi “Bệnh Crohn có lây không?”, các bác sĩ khẳng định bệnh Crohn không lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên yếu tố di truyền giữa các thành viên trong gia đình có thể đóng một vai trò trong việc khởi phát bệnh. Tình trạng viêm ruột mãn tính này cũng có nguy cơ lây lan sang những khu vực khác của toàn bộ ống tiêu hóa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org
XEM THÊM: