Bệnh cơ tim giãn: biểu hiện, nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Phạm Văn Hùng - Bác sĩ can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh cơ tim giãn nở là một trong những bệnh lý nguy hiểm, có khả năng dẫn đến suy tim, thậm chí là tử vong cho người bệnh, Chính vì thế, việc tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng sớm giúp phát hiện ra bệnh và cách điều trị sẽ giúp mọi người ngăn chặn tiến triển và phòng ngừa bệnh tốt hơn, nâng cao sức khỏe tim mạch của bản thân.

1. Bệnh cơ tim giãn nở là gì?

Bệnh cơ tim giãn nở (còn gọi là bệnh cơ tim giãn) là hội chứng giãn thất trái với sự gia tăng khối lượng tâm thất chủ yếu là tâm thất trái với rối loạn chức năng tâm thu hay tâm trương mà không có tổn thương nguyên phát màng ngoài tim, van tim hay thiếu máu cơ tim. Bệnh cơ tim giãn thường bắt đầu từ tâm thất trái - buồng bơm chính của tim. Tâm thất trái giãn ra, sau đó là to toàn bộ các buồng tim. Khi các buồng tim giãn ra, cơ tim không co bóp bình thường và không thể bơm máu tốt như tim khỏe mạnh.


Cơ tim bình thường và cơ tim khi mắc bệnh cơ tim giãn nở
Cơ tim bình thường và cơ tim khi mắc bệnh cơ tim giãn nở

Bệnh cơ tim giãn cũng có thể dẫn đến các vấn đề về van tim, rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) và cục máu đông trong tim (do sự ứ trệ trong buồng thất).

2. Biểu hiện và dấu hiệu nhận biết

Bệnh cơ tim giãn khởi phát một cách âm thầm, ban đầu nó có thể không gây ra các triệu chứng đủ lớn để tác động đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Người bị bệnh cơ tim giãn thường có các biểu hiện và triệu chứng của suy tim hoặc loạn nhịp. Các biểu hiện và dấu hiệu bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Khó thở khi hoạt động hoặc nằm xuống.
  • Giảm khả năng gắng sức.
  • Phù nề ở chân, mắt cá chân và bàn chân.
  • Bụng phù to lên do tích tụ dịch (cổ trướng).
  • Đau thắt ngực, nhưng chỉ khi có bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Có âm thanh bất thường khi nghe nhịp tim (tiếng rì rào).
  • Đau thắt ngực là một trong những biểu hiện của bệnh cơ tim giãn.

3. Nguyên nhân gây bệnh cơ tim giãn nở

Trong nhiều trường hợp bệnh cơ tim giãn nở không có nguyên nhân rõ ràng. Song, nguyên nhân gây bệnh cơ tim giãn có thể chia làm các nhóm yếu tố chính sau:

3.1 Di truyền

Nguyên nhân do di truyền chiếm khoảng 25 - 50% các trường hợp bệnh cơ tim giãn nở. Vai trò của yếu tố di truyền được kết luận từ những nghiên cứu trước đó, ghi nhận bệnh cơ tim giãn có tính chất gia đình.

Những người mắc bệnh cơ tim giãn do di truyền từ bố mẹ thường có HLA-DR4, alen HLA-DQA1 0501 cũng được ghi nhận với tỉ lệ cao. Một số bệnh có thể họ đã mắc trước khi phát hiện bệnh cơ tim giãn nở như:

● Viêm cơ tim virus: cơ tim giãn có thể là di chứng muộn bệnh viêm cơ tim do virus cấp tính, do các enterovirus (đặc biệt là virus Coxsackie B) gây ra,.

● Bệnh cơ tim nhịp tim nhanh.

● Các bệnh lý mạch vành, cao huyết áp, đau tim, tiểu đường.

● HIV và viêm gan siêu vi.

● Bệnh về tuyến giáp.

● Các bệnh viêm nhiễm: sarcoidosis, các bệnh mô liên kết.

● Loạn dưỡng cơ bắp.

● Bệnh lao: khoảng 1% đến 2% bệnh nhân lao mắc phải bệnh cơ tim giãn nở.

3.2 Do các tác nhân gây hại

● Những người lạm dụng rượu, đặc biệt là những người đồng thời có chế độ ăn uống kém, có tỉ lệ cao mắc các bệnh lý cơ tim.

● Một số kim loại độc như coban, chì, thủy ngân,...

● Một số loại thuốc (như cocaine và amphetamine) và một số loại thuốc dùng trong hóa trị liệu ung thư (doxorubicin và daunorubicin).

● Lạm dụng cocain.

3.3 Cơ chế tự miễn dịch

Một vài nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng bệnh cơ tim giãn nở là một bệnh tự miễn. Ước tính có khoảng 30 - 40% người lớn mắc bệnh cơ tim giãn có thể trạng đặc biệt và bệnh lý tự kháng thể đặc biệt. Sự thiếu hụt kháng thể ở những người này có liên quan đến giai đoạn tiến triển của bệnh.

3.3 Một số nguyên nhân khác

● Mang thai: Bệnh cơ tim giãn nở có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.

● Thiếu Thiamin.

Bệnh cơ tim giãn có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.

Cơ tim giãn nở là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi có nguy cơ cao nhất là trung niên và thanh niên từ khoảng 20 đến 50 tuổi. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cơ tim giãn cao là những người thuộc các nhóm sau:

● Nam giới, tuổi từ 20 đến 50.

● Có tiền sử gia đình về bệnh cơ tim giãn nở.

● Từng tổn thương cơ tim từ một cơn đau tim.


Bệnh cơ tim giãn có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.
Bệnh cơ tim giãn có thể xảy ra ở giai đoạn cuối của thai kỳ hoặc vài tuần hoặc vài tháng sau sinh.

4. Những biến chứng nguy hiểm

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh cơ tim giãn nở có thể gây ra một loạt các biến chứng nghiêm trọng như sau:

Hở van tim: Khi cơ tim bị giãn nở, nó có thể làm căng các van tim, gây ra tình trạng rò rỉ. Sự rò rỉ này không chỉ tạo áp lực thêm cho trái tim đã bị tổn thương mà còn gây ra hở van tim hai lá.

Loạn nhịp tim: Bệnh cơ tim giãn nở có thể gây ra loạn nhịp tim như chậm dẫn truyền, block nhánh, loạn nhịp nhanh, hay rung nhĩ. Loạn nhịp tim này không chỉ làm giảm khả năng cung cấp đủ máu cho cơ thể mà còn có thể dẫn đến nhịp tim bất thường, nguy hiểm tính mạng.

Suy tim: Suy tim là hậu quả cuối cùng của bệnh cơ tim giãn nở, khi cơ tim không còn khả năng hoạt động bơm máu một cách hiệu quả.

● Rối loạn chức năng tâm trương: Khi chức năng co bóp của cơ tim suy yếu, không chỉ tâm thu bị suy giảm mà còn giảm khả năng hút máu vào chu kỳ bơm tiếp theo - gọi là rối loạn chức năng tâm trương.

● Tăng áp động mạch phổi: Khi tình trạng hở van 2 lá trầm trọng hơn, nó làm suy giảm khả năng tim thư giãn giữa các chu kỳ bơm máu, đẩy máu trào ngược lên phổi, gây sung huyết phổi và tăng áp động mạch phổi.

● Phù: Bệnh cơ tim giãn nở có thể gây ra phù trung ương (sung huyết phổi và tăng kích thước gan) và phù ngoại biên (sưng to các cơ quan như tay, chân, mặt...).

● Hình thành huyết khối: dòng máu chảy chậm do sự suy yếu của cơ tim, cục máu đông có thể hình thành trong tim. Các cục máu đông này nguy hiểm vì có thể gây ra các biến chứng như đột quỵ hoặc tử vong khi chúng vỡ ra, di chuyển qua mạch máu và lưu trú trong phổi hoặc não.

● Ngừng tim đột ngột: có khả năng xảy ra ở 2% bệnh nhân bệnh cơ tim giãn nở.

5. Các phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim giãn nở

Bệnh cơ tim giãn nở thường được chẩn đoán dựa trên nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, việc nghe tim, và các xét nghiệm cận lâm sàng. Trong quá trình đánh giá tim mạch và kiểm tra các thông tin về bệnh sử của bệnh nhân, nếu bác sĩ phát hiện các dấu hiệu của giãn cơ tim, họ có thể đề xuất thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng. Các kiểm tra này bao gồm xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp X-quang ngực, siêu âm tim, Holter điện tâm đồ, thông tim, chụp CT tim và mạch vành, và chụp MRI tim.

Đôi khi, để xác định chính xác nguyên nhân gây ra bệnh giãn nở cơ tim, có thể bệnh nhân cần phải thực hiện sinh thiết cơ tim, tức là lấy mẫu mô nhỏ từ cơ tim để kiểm tra dưới kính hiển vi.

6. Phương pháp điều trị bệnh cơ tim giãn nở

Điều trị bệnh cơ tim giãn theo nguyên tắc điều trị theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Tùy theo mức độ của bệnh mà sử dụng một trong các phương pháp hoặc phối hợp các phương pháp sau:

6.1 Điều trị nội khoa

Điều trị bằng thuốc có thể làm chậm tiến triển và trong một số trường hợp thậm chí nó còn giúp cải thiện tình trạng tim. Các nhóm thuốc được chỉ định có thể bao gồm:

● Thuốc chẹn beta: Nhóm thuốc chẹn beta đang là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi, phổ biến. Các thuốc nhóm chẹn β giao cảm làm giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim, ức chế hoạt động co mạch của hệ giao cảm, giảm độc tính catecholamin lên tế bào cơ tim, làm giảm nguy cơ tử vong do rối loạn nhịp thất. Việc theo dõi chặt chẽ trong quá trình điều trị là cần thiết vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim cũng như kích hoạt cơn hen ở những người có tiền sử bệnh hen.

● Verapamil: Đây là một thuốc thuộc nhóm chẹn kênh canxi. Verapamil cũng được sử dụng phổ biến để ngăn chặn cơn đau thắt ngực, kiểm soát nhịp tim nhanh. Hiện nay ít được sử dụng.

● Thuốc ức chế men chuyển Angiotensin/ Ức chế thụ thể: Vai trò của nhóm thuốc này là giảm hậu gánh cho tim, giảm tái cấu trúc tế bào cơ tim.

● Thuốc lợi tiểu: nhóm thuốc này được sử dụng để giảm giữ nước và giảm tiền gánh cho tim.

● Thuốc chống đông máu cũng có thể được sử dụng để điều trị chống huyết khối.

● Có một số bằng chứng về lợi ích của coenzyme Q10 trong điều trị suy tim.

● Điều trị nguyên nhân gây ra tình trạng cơ tim dãn như bổ sung Vitamin B, ngưng sử dụng rượu bia.

6.2 Điều trị phẫu thuật

6.2.1 Ghép tim:

Ở những bệnh nhân có bệnh tiến triển, bác sĩ có thể cân nhắc cấy ghép tim. Đối với những đối tượng này, tỷ lệ sống sót 1 năm là 90% và trên 50% sống sót hơn 20 năm. Ghép tim là phương thức điều trị tốt nhất mới đây cho bệnh cơ tim giãn kháng trị nội khoa.

6.2.2 Phẫu thuật tạm thời:

Phẫu thuật cắt bỏ đoạn lớn cơ thất phì đại và thay van 2 lá cũng cho thấy hiệu quả cải thiện triệu chứng, tuy nhiên nó vẫn không thay đổi bản chất của bệnh.

● Đặt máy tạo nhịp: Việc đặt máy tạo nhịp là cần thiết với những bệnh nhân có rối loạn nhịp chậm

● Cấy ghép tế bào gốc: tế bào gốc cơ tim được cấy ghép thay cho các tế bào cơ tim đã chết. Tuy được xem là phương pháp đầy triển vọng nhưng kỹ thuật này vẫn còn cần nghiên cứu và ít được áp dụng trong lâm sàng.

6.3 Thay đổi chế độ dinh dưỡng

6.3.1 Bệnh cơ tim giãn nở nên ăn gì?

● Các loại trái cây như chuối, cam, quýt, dưa đỏ...

● Các loại đậu, đặc biệt là đậu nành, do chứa nhiều protein, vitamin,... có tác dụng hỗ trợ điều hòa nhịp tim, cân bằng huyết áp, duy trì sự ổn định của các chỉ số đường huyết giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.

● Ngũ cốc, yến mạch.

● Rau xanh.

● Cá và các loại nấm.


Người bệnh cơ tim giãn nở nên ăn rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày
Người bệnh cơ tim giãn nở nên ăn rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày

6.3.2 Bệnh cơ tim giãn nở nên hạn chế ăn gì?

● Thức ăn chứa nhiều muối: hàm lượng muối cao có khả năng gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ.

● Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hoà như mỡ động vật, thịt, trứng, sữa...

6.4 Xây dựng lối sống khoa học lành mạnh

● Bỏ rượu: nếu nguyên nhân gây bệnh cơ tim giãn nở được xác định là do rượu

● Không hút thuốc lá: giảm nguy cơ mắc bệnh hẹp mạch vành hoặc co thắt mạch vành

● Không mang thai nếu bệnh cơ tim giãn nở bắt nguồn từ chu sinh (liên quan thai kỳ)

● Nhờ sự tư vấn của bác sĩ về việc giảm hoặc ngừng sử dụng các liều thuốc gây độc cho tế bào, các loại thuốc điều trị bệnh ung thư gây độc đến cơ tim.

● Tập thể dục thể thường xuyên với cường độ nhỏ, tránh thực hiện hoạt động thể lực mạnh. Nghỉ ngơi khi có dấu hiệu xuất hiện suy tim

7. Phòng ngừa bệnh cơ tim giãn nở

7.1 Chế độ ăn phù hợp với sức khỏe tim mạch

Một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tim mạch sẽ góp phần vào việc ngăn ngừa bệnh cơ tim giãn nở. Chế độ ăn đó sẽ bao gồm:

● Đa dạng trái cây, rau xanh và ngũ cốc: Nên bao gồm nhiều loại trái cây, rau xanh và ngũ cốc trong khẩu phần ăn. Trong đó, ít nhất một nửa số ngũ cốc nên là nguyên hạt như gạo lứt, yến mạch, ngô (bắp),...

● Lựa chọn thực phẩm chứa ít chất béo: Hạn chế dung nạp thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Thay vì thịt mỡ, hãy ưa chuộng thịt nạc, thịt gia cầm không da, cá không chiên, cũng như các loại đậu (như đậu nành, đậu phộng, đậu đen, đậu trắng...) và sản phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo.

● Hạn chế muối: Giới hạn việc sử dụng muối khi nấu ăn. Sử dụng quá nhiều muối có thể dẫn đến tăng nguy cơ huyết áp cao, và điều này có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

● Hạn chế đường: Ưu tiên các thực phẩm và đồ uống có ít đường. Đường quá mức có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm bệnh tim mạch.

● Hạn chế uống rượu: Uống rượu nên được hạn chế tối đa. Uống quá nhiều rượu có thể gây hại cho tim mạch.

● Dùy trì cân nặng ổn định: Đảm bảo rằng lượng calo tiêu thụ hàng ngày không cao hơn lượng calo tiêu hao là cách duy trì cân nặng ổn định, điều này cũng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.

7.2 Tập thể dục thường xuyên theo khuyến nghị của các chuyên gia

Hoạt động thể chất đóng góp vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tim nói chung và bệnh cơ tim giãn nở nói riêng.

Ngay cả khi bạn đang bị bệnh tim, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động thể chất phù hợp bao gồm đi bộ nhẹ, bơi lội, đạp xe ôn hòa, hoặc chơi cầu lông. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tăng cường mức độ tập luyện hoặc tham gia các môn thể thao đòi hỏi nỗ lực lớn hơn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng thuốc, có các vấn đề sức khỏe khác, hoặc trải qua các triệu chứng như đau ngực, khó thở, hoặc chóng mặt.


Thường xuyên tập thể dục là cách phòng ngừa bệnh cơ tim giãn nở
Thường xuyên tập thể dục là cách phòng ngừa bệnh cơ tim giãn nở

7.3 Thực hiện các thói quen sống lành mạnh

● Ngừng hút hút thuốc lá (kể cả hút trực tiếp và hút thụ động)

● Giảm cân khi chỉ số BMI vượt quá mức 23

● Hạn chế rượu và không sử dụng dụng ma tuý

● Ngủ đủ giấc (ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày)

● Giảm áp lực công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn

● Kiểm soát căng thẳng, không để bản thân bị stress trong một khoảng thời gian dài: giảm áp lực từ công việc, dành cho bản thân nhiều thời gian thư giãn nghỉ ngơi.

● Điều trị bệnh lý đi kèm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch như: tiểu đường, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp...

● Khám sức khỏe theo định kỳ để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các bệnh tim mạch

● Uống thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.

8. Điều trị bệnh tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Ngay từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm tim mạch tại Vinmec đã xây dựng và làm việc với mục tiêu trở thành Trung tâm tim mạch hàng đầu ở Việt Nam và khu vực.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Vinmec đã trang bị hệ thống máy móc tiên tiến nhất như: CT 640 (Toshiba), máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla (Siemens), các thiết bị nội soi cao cấp EVIS EXERA III (Olympus Nhật Bản), phòng mổ Hybrid theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống gây mê cao cấp Avace,...


Phẫu thuật tim sử dụng phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống tại Vinmec.
Phẫu thuật tim sử dụng phương pháp gây tê mặt phẳng cơ dựng sống tại Vinmec.

Hiện nay bệnh viện đã áp dụng kỹ thuật gây tê mặt phẳng cơ dựng sống (ESP) cho các phẫu thuật tim hở, không còn nỗi sợ hãi về đau đớn hậu phẫu. Vinmec trở thành một trong những lựa chọn tốt nhất cho các phẫu thuật, điều trị về bệnh tim mạch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe