Khó thở là triệu chứng phổ biến có thể xảy ra đột ngột hoặc từ từ. Nếu cảm thấy khó thở, điều đó không có nghĩa là bạn nhất thiết phải lo lắng nhưng nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Rất nhiều nguyên nhân gây ra khó thở và chúng có thể điều trị được. Bài viết này sẽ cung cấp một số cách chữa khó thở nhẹ mà mọi người có thể thử tại nhà.
1. Triệu chứng khó thở xuất hiện như thế nào?
Một người lớn khỏe mạnh hít vào và thở ra tối đa khoảng 20 lần trong 1 phút, chậm rãi và không gắng sức. Sau một buổi tập luyện nặng nhọc, tần số thở có thể tăng lên nhưng bạn hầu như không bao giờ cảm thấy bị hụt hơi.
Khi bị khó thở hoặc cảm thấy không có đủ không khí vào phổi. Khó thở có thể từ nhẹ đến nặng, bạn có thể cảm thấy:
- Hết hơi;
- Thiếu không khí để thở, nghẹt thở;
- Không thể hít thở sâu;
- Tần số thở tăng lên;
- Tức ngực;
- Cảm thấy lâng lâng nếu không thể nhận đủ oxy vào phổi.
Khó thở có thể là cấp tính (khó thở đột ngột) hoặc mãn tính (khó thở kéo dài). Khó thở cấp tính thường xuất hiện trong vòng vài phút hoặc vài giờ, có thể xảy ra kèm theo các triệu chứng khác như sốt, phát ban hoặc ho.
Khó thở mãn tính khiến bạn cảm thấy khó thở khi thực hiện các công việc hàng ngày, chẳng hạn như đi bộ từ phòng này sang phòng khác hoặc đứng lên.
Đôi khi, tình trạng khó thở trở nên tốt hoặc tồi tệ hơn với một số tư thế của cơ thể. Ví dụ, nằm thẳng gây khó thở ở những người mắc một số loại bệnh tim và phổi. Theo dõi các triệu chứng của bạn giúp bác sĩ phát hiện được nguyên nhân gây khó thở và đưa ra phương pháp điều trị tốt.
2. Nguyên nhân gây khó thở
Một số người có thể bị khó thở đột ngột trong khoảng thời gian ngắn. Nếu khó thở xảy ra thường xuyên hơn, khi đó có thể có nguyên nhân hay là kết quả của một tình trạng tiềm ẩn bên dưới nghiêm trọng hơn.
Ở 85% trường hợp, khó thở là do tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến tim hoặc phổi. Tim và phổi giúp vận chuyển O2 đi khắp cơ thể và loại bỏ CO2. Do đó, bệnh lý ảnh hưởng đến hoạt động của tim và phổi có thể ảnh hưởng đến sự hít thở của cơ thể.
Các tình trạng tiềm ẩn ảnh hưởng đến tim, phổi và có thể gây khó thở bao gồm:
- Bệnh lý về phổi như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, ung thư phổi, thuyên tắc phổi, lao phổi hay viêm phổi...;
- Bệnh lý tim mạch: suy tim, hở van tim, bệnh cơ tim giãn...
Một số nguyên nhân có thể gặp khác là:
- Thiếu máu: Khi bị thiếu máu, bạn cũng có thể cảm thấy mệt mỏi, da xanh xao và choáng váng;
- Bệnh lý tuyến giáp: Cả cường giáp và suy giáp đều có thể gây khó thở;
- Lo lắng và hoảng sợ;
- Dị vật vô tình hít vào phổi;
- Trào ngược dạ dày thực quản;
- Sốc phản vệ (một loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng).
Yếu tố nguy cơ như béo phì, thừa cân, hút thuốc lá, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm...
3. Khi bạn bị khó thở thì phải làm sao?
Điều trị khó thở sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra. Ví dụ, nguyên nhân là hen suyễn THÌ sử dụng thuốc giãn phế quản khi xuất hiện đợt cấp. Hay do tràn dịch màng phổi, tuỳ thuộc vào lượng dịch mà bác sĩ có thể chỉ định dẫn lưu dịch giúp giảm khó thở. Nếu bạn dùng thuốc, hãy luôn uống theo chỉ định của bác sĩ.
4. Khó thở nên làm gì tại nhà?
Khi người bệnh biết rõ nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở và đó không phải là trường hợp cấp cứu y tế, bạn có thể thử làm dịu cơn khó thở tại nhà. Các phương pháp thở và thư giãn có thể hữu ích. Khi cảm thấy khó thở nên làm thử các bài tập sau đây có thể giúp giảm khó thở tại nhà:
4.1. Bài tập hít thở sâu
Hít thở sâu bằng bụng có thể giúp kiểm soát được tình trạng khó thở. Mọi người có thể thử hít thở sâu tại nhà theo hướng dẫn sau:
- Bạn nên nằm xuống, đặt hai tay lên bụng;
- Hít sâu vào qua đường mũi, căng bụng lên và để không khí dễ vào phổi hơn;
- Giữ hơi thở kéo dài trong vài giây;
- Thở ra từ từ qua đường miệng, làm rỗng phổi.
Mọi người có thể thực hiện bài tập này vài lần mỗi ngày hoặc khi lên cơn khó thở. Bài tập này đạt hiệu quả tốt khi bạn thở chậm rãi và sâu hơn là hít thở một cách chóng vánh.
Bên cạnh đó, mọi người bị khó thở nên làm thử các bài tập thở sâu khác, chẳng hạn như thở bằng cơ hoành. Một số nghiên cứu cho thấy rằng khi một người bệnh thực hiện bài tập thở sâu không đúng cách, chúng có thể gây hại nhiều hơn là hữu ích. Nếu có thể, hãy thực hiện các bài tập này với sự trợ giúp của bác sĩ để giảm rủi ro có thể xảy ra.
4.2. Thở mím môi giúp giảm khó thở
Thở mím môi giúp giảm khó thở bằng cách làm giảm tần số thở của bạn. Bài tập này đặc biệt hữu ích nếu triệu chứng khó thở xuất hiện do lo lắng. Để thử thở mím môi tại nhà, bạn nên:
- Ngồi thẳng lưng trên ghế với 2 vai thả lỏng;
- Giữ 2 môi mím vào nhau, để một khoảng hở nhỏ giữa chúng;
- Hít vào qua đường mũi trong vài giây;
- Thở ra chậm rãi bằng cách mím môi;
- Lặp lại kiểu thở này thêm một vài lần.
Bạn có thể thử bài tập này bất cứ khi nào cảm thấy khó thở và lặp lại trong ngày cho đến khi cảm thấy tốt hơn.
4.3. Tìm kiếm tư thế giúp bạn thấy thoải mái hơn
Tìm một tư thế thoải mái và có điểm tựa khi ngồi hoặc nằm có thể giúp thư giãn và lấy lại hơi thở. Nếu khó thở là do lo lắng hoặc gắng sức quá mức, biện pháp khắc phục này đặc biệt hữu ích. Khi bị khó thở nên làm các tư thế sau có thể làm giảm áp lực lên đường thở và cải thiện nhịp thở của bạn:
- Ngồi chồm về phía trước và nhất là dùng bàn để đỡ đầu;
- Dựa lưng vào tường;
- Nằm xuống, đầu và đầu gối được kê gối cao hơn.
4.4. Xông hơi giảm khó thở
Xông hơi giúp giữ cho đường thở qua mũi họng của bạn thông thoáng, thở dễ dàng hơn. Sức nóng và hơi ẩm từ hơi nước giúp làm loãng đờm nên bạn ho ra dễ dàng hơn, cải thiện triệu chứng khó thở. Xông hơi tại nhà khi bị khó thở như sau:
- Đổ nước nóng vào chậu;
- Nhỏ vài giọt tinh dầu bạc hà vào chậu;
- Đặt khuôn mặt lên trên thau và trùm chiếc khăn lên đầu;
- Hít thở sâu.
Nếu nước vừa sôi, bạn nên để nguội bớt, tránh hơi nước nóng làm bỏng da mặt.
5. Khi nào cần gọi cấp cứu y tế?
Một số tình trạng khó thở có thể nguy hiểm đến tính mạng, cần đến cơ sở y tế để điều trị ngay lập tức. Nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây khi cảm thấy khó thở nên liên hệ cấp cứu để được hỗ trợ:
- Bạn bị khó thở dữ dội đến đột ngột;
- Khó thở của bạn kèm theo đau ngực, buồn nôn hoặc ngất xỉu;
- Môi hoặc đầu ngón tay của bạn chuyển sang màu tím;
- Không thể nói chuyện do khó thở.
Bên cạnh đó, khi khó thở xuất hiện lần đầu mà bạn không biết nguyên nhân tại sao; hay khi khó thở xuất hiện kèm theo các triệu chứng như ho, sốt, đau rát họng, mệt mỏi toàn thân... hãy đến cơ sở y tế và tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định được nguyên nhân chính xác gây ra khó thở.
6. Thay đổi lối sống khi bị khó thở thì phải làm gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng khó thở, một người có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống của mình để tránh các tác nhân gây ra và giảm bớt các triệu chứng. Những thay đổi này bao gồm:
- Giảm cân nếu béo phì là nguyên nhân gây ra các vấn đề về hô hấp;
- Tập thể dục giúp cải thiện thể chất;
- Tránh tập thể dục trong điều kiện nóng, ở nơi cao ;
- Bỏ thuốc lá hoặc tránh hút thuốc thụ động;
- Tránh các chất gây dị ứng và ô nhiễm môi trường;
- Tuân thủ các kế hoạch điều trị nếu đang mắc bất kỳ bệnh lý nào gây ra khó thở.
Khó thở có thể khiến bạn lo lắng. Khi cảm thấy khó thở nên thử phương pháp điều trị tại nhà có thể hữu ích, bao gồm các bài tập thở, tư thế nhất định và xông hơi nước. Nếu lo lắng về khó thở hoặc không biết nguyên nhân, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.