Chàm thể tạng, hay còn được biết đến với bệnh viêm da cơ địa, viêm da thể tạng, là một bệnh viêm da mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh chàm thể tạng gây ra những triệu chứng ảnh hưởng cuộc sống của trẻ nếu không biết cách chăm sóc và điều trị đúng.
1. Các loại chàm
Chàm là thuật ngữ chỉ nhóm bệnh lý gây ngứa ở da do sự thay đổi viêm lớp trên cùng của da. Chàm thường xuất hiện ở các vị trí má, trán, cẳng chân, lưng, bụng,...
Một số dạng chàm hay gặp là:
- Chàm thể tạng (viêm da cơ địa): Đây là tình trạng chàm thường gặp ở trẻ em, thường liên quan với yếu tố gia đình.
- Chàm tiếp xúc kích ứng: Dạng chàm này xảy ra khi da tiếp xúc với tác nhân hóa học/ vật lý cấp tính hay mạn tính. Chàm tiếp xúc thường gây khó chịu hơn cho người mắc bệnh so với chàm thể tạng.
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: Ở người có cơ địa dị ứng, khi da tiếp xúc với các dị nguyên sẽ gây ra tình trạng viêm da.
- Chàm khô: Tình trạng này thường xuất hiện ở cẳng chân với đặc điểm khô da.
- Chàm đồng tiền: Chàm đồng tiền đặc trưng bởi các tổn thương rải rác trên da dạng dát đỏ hay mụn nước hình đồng xu.
- Viêm da tiết bã và gàu: Đây là tình trạng da đầu, mặt,... phản ứng lại các chất tiết từ nấm Malassezia.
2. Bệnh chàm thể tạng ở trẻ em
Chàm thể tạng là một bệnh lý da liễu thường gặp ở trẻ em, đây là một bệnh mạn tính và có thể tái phát.
Nguyên nhân gây chàm thể tạng khá phức tạp và vẫn đang còn được nghiên cứu. Chàm thể tạng thường được giải thích do sự kết hợp của 2 yếu tố di truyền và môi trường, trong sự tương tác với hệ thống miễn dịch của cơ thể. Người ta nhận thấy chàm thể tạng thường xuất hiện ở những người có cơ địa dị ứng hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh chàm, hen, viêm mũi dị ứng. Còn yếu tố môi trường như khí hậu lạnh, ô nhiễm môi trường, dị ứng thức ăn,... đóng vai trò khởi phát hay làm nặng chàm thể tạng ở trẻ.
3. Triệu chứng bệnh chàm thể tạng ở trẻ em
Chàm thể tạng ở trẻ thường biểu hiện trong các đợt cấp với các triệu chứng như: ngứa, mảng da đỏ, mụn nước, rỉ dịch,... Giữa các đợt chàm cấp tính, da trẻ có thể trở lại bình thường hoặc đôi khi có tình trạng chàm mạn tính với các biểu hiện như da khô, dày, tróc vảy, ngứa,...
Vị trí và biểu hiện của chàm thể tạng thay đổi tùy từng lứa tuổi:
- Chàm thể tạng ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi: Vị trí chàm thể tạng thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi dưới 1 tuổi là ở hai bên má, hiếm khi xuất hiện ở vùng mặc tã. Trẻ có thể xuất hiện đột ngột các triệu chứng như da khô, đỏ, tróc vảy, ngứa, có thể nổi mụn nước, rỉ dịch,... Tình trạng ngứa khiến trẻ khó chịu, ngủ không ngon giấc, thậm chí là bội nhiễm do chà xát và cào gãi.
- Chàm thể tạng ở trẻ nhỏ trước độ tuổi đi học: Chàm thể tạng lúc này thường khu trú hơn, biểu hiện ở mặt duỗi của khớp, nhất là ở cổ tay, cổ chân, khuỷu, gối,... và đôi khi có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục. Da vùng chàm thường sẽ dày hơn do trẻ cào, gãi nhiều.
- Chàm thể tạng ở trẻ trong độ tuổi đi học: Khi trẻ lớn hơn, chàm thể tạng xuất hiện nhiều ở mặt gấp (nếp) hơn mặt duỗi, thường thấy nhất là ở nếp khoeo chân và khuỷu tay. Ngoài ra, chàm cũng có thể xuất hiện ở mi mắt, cổ, vành tai, da đầu. Các mụn nước sâu có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân ở trẻ bị chàm thể tạng trong độ tuổi này (chàm tổ đỉa).
4. Các thuốc điều trị chàm thể tạng
Trẻ có các triệu chứng bất thường trên da cần được đưa đến bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Da liễu để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Không được tự ý điều trị cho trẻ bằng các phương pháp dân gian truyền miệng hay những loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Cần nhấn mạnh rằng chàm thể tạng là một bệnh lý mạn tính và có thể tái phát. Không thể khẳng định được các phương pháp dưới đây sẽ điều trị khỏi hẳn chàm thể tạng, tuy nhiên việc điều trị bệnh có nhiều vai trò quan trọng:
- Kiểm soát triệu chứng ngứa;
- Kiểm soát tình trạng viêm da, làm dịu da;
- Ngăn ngừa xuất hiện tổn thương mới;
- Phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng, bong da;
- Phòng ngừa chàm trở nặng;
- Giảm stress tâm lý.
Kế hoạch điều trị được bác sĩ đưa ra phù hợp với từng tình trạng chàm thể tạng của trẻ, các loại thuốc chính điều trị chàm thể tạng bao gồm:
- Chất giữ ẩm, làm mềm da: Loại thuốc này vừa giúp da bớt khô, vừa điều trị triệu chứng, giúp da bớt ngứa và dễ chịu hơn. Chất làm mềm da có nhiều dạng bào chế như mỡ, kem,..., phù hợp với từng tình trạng da cụ thể.
- Thuốc steroid dạng bôi: Trẻ chàm thể tạng ở những đợt bùng phát cần sử dụng thuốc bôi chứa thành phần steroid. Độ mạnh của steroid (nhẹ, trung bình, mạnh, rất mạnh) được bác sĩ da liễu cân nhắc tùy từng trường hợp cụ thể.
- Kem Pimecrolimus, Tacrolimus: Các loại thuốc kháng viêm này có thể thay thế hoặc hỗ trợ steroid trong điều trị chàm thể tạng ở một số trường hợp nhất định.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin thường được chỉ định trong bệnh lý chàm thể tạng nhằm giảm ngứa, giảm kích ứng.
- Thuốc kháng sinh: Nếu chàm thể tạng bội nhiễm vi khuẩn thì trẻ cần sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ hoặc kháng sinh đường uống.
- Các điều trị khác: Trong một số trường hợp, trẻ chàm thể tạng có thể phải dùng đến các loại thuốc khác như steroid đường uống, Azathioprine, Cyclosporine, Mycophenolate, Methotrexate hay liệu pháp ánh sáng. Các liệu pháp này chỉ được thực hiện khi có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
5. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh chàm thể tạng
Một số lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ bị chàm thể tạng bao gồm:
- Vệ sinh cơ thể: Trẻ bị chàm thể tạng nên được vệ sinh cơ thể hàng ngày với các loại sữa tắm nhẹ dịu nhẹ, không tắm nước quá nóng hay tắm quá lâu. Phụ huynh cần giữ móng tay của trẻ ngắn và không sắc nhọn, tránh làm tổn thương da do trẻ cào gãi.
- Dưỡng ẩm: Chọn loại kem dưỡng ẩm thích hợp với làn da của trẻ, tránh để da khô giúp hỗ trợ điều trị bệnh chàm thể tạng.
- Quần áo thoáng mát: Nên cho trẻ mặc các loại quần áo mỏng, mềm, thoáng mát và giặt quần áo cho trẻ với bột giặt dành cho da nhạy cảm.
- Giữ không khí trong lành ở nhiệt độ và độ ẩm phù hợp: Tránh để trẻ sinh hoạt, vui chơi trong môi trường không khí quá khô hoặc quá nóng/quá lạnh vì có thể làm khởi phát chàm, khiến trẻ ngứa và gãi nhiều hơn.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng: Các tác nhân như bụi nhà, lông súc vật, sợi len, tơ, chất tẩy rửa,... có thể khởi phát chàm thể tạng ở trẻ, do đó trẻ có cơ địa chàm thể tạng hoặc cơ địa dị ứng nên tránh tiếp xúc với các tác nhân này.
6. Bệnh chàm thể tạng ở trẻ em có tồn tại đến tuổi trưởng thành?
Hầu hết tình trạng chàm thể tạng ở trẻ sẽ cải thiện dần theo thời gian, và có thể hết hẳn khi đến tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp chàm thể tạng khởi phát ở trẻ em vẫn còn bệnh khi đã trưởng thành. Một số nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 20% trẻ bị chàm thể tạng kéo dài sau 8 tuổi, và chưa đến 5% chàm thể tạng ở trẻ kéo dài sau 20 tuổi. Trẻ xuất hiện chàm trước 2 tuổi thường ít nguy cơ bị chàm kéo dài hơn trẻ bị chàm khi đã lớn hơn và ở tuổi thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, một số trẻ bị chàm thể tạng khi đến tuổi trưởng thành đã không còn triệu chứng của bệnh nhưng vẫn chịu những ảnh hưởng của chàm trước đó như tình trạng khô da, dễ bị kích ứng da,..., tình trạng này có thể nặng nề hơn ở những người làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng.
Chàm thể tạng là một bệnh viêm da mạn tính thường gặp ở trẻ em. Bệnh chàm thể tạng gây ra những triệu chứng ảnh hưởng cuộc sống của trẻ nếu không biết cách chăm sóc và điều trị đúng. Do đó, nếu trẻ gặp tình trạng này, phụ huynh hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.