Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Phụ nữ đã mắc bệnh thận cần cân nhắc thận trọng trước khi mang thai bởi bệnh thận trong thai nghén có thể tiến triển nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
1. Những thay đổi ở hệ tiết niệu khi mang thai
- Kích thước thận tăng lên trong thai kỳ: chiều dài của thận tăng lên khoảng 1cm so với trước lúc có thai. Kích thước của thận sẽ trở về bình thường sau khi sinh;
- Giãn đài bể thận và niệu quản: vì tình trạng ứ nước do tắc nghẽn đường bài niệu. Sự ứ nước này thường nhẹ và được gọi là giãn đài bể thận - niệu quản “sinh lý “ trong thai kỳ. Sự ứ đọng nước tiểu tạo điều kiện thuận lợi gây ra nhiễm trùng niệu và có thể tiến triển thành viêm đài bể thận nặng;
- Lưu lượng máu qua thận và lưu lượng lọc cầu thận ở phụ nữ có thai tăng lên khoảng 40% so với bình thường. Các lưu lượng này tăng lên khá sớm, ngay từ những tháng đầu tiên của thai kỳ. Việc tăng lưu lượng lọc cầu thận này sẽ làm tăng thải các chất cặn bã. Nồng độ Creatinine máu giảm khoảng từ 35 đến 44% so với giá trị bình thường. Giảm nồng độ albumin máu, giảm ure máu và giảm áp lực thẩm thấu của huyết tương;
- Lượng nước tăng khoảng 6-9 lít, trong đó chủ yếu là nước ở khoang ngoài tế bào, khoảng 4-6 lít. Khi mang thai thể tích huyết tương tăng lên gần như gấp đôi và phù là hiện tượng bình thường.
2. Hội chứng thận hư khi mang thai nguy hiểm thế nào?
Bệnh nhân đã có bệnh thận từ trước cần cân nhắc trước khi mang thai vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Trong quá trình mang thai, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm độc, nhiễm trùng, tiền sản giật, tăng huyết áp, sảy thai, sinh non.... Cụ thể ảnh hưởng của từng dạng bệnh thận tới thai kỳ như sau:
- Hội chứng thận hư nguyên phát: Nếu bệnh nhân khỏi hoàn toàn trên 6 tháng và chức năng thận trở về bình thường hoặc chỉ suy thận độ I thì vẫn có thể mang thai bình thường. Trường hợp tiến triển bệnh không khả quan và bệnh nhân đã bị suy thận từ độ II trở lên thì không nên có thai;
- Suy thận mạn tính: Có thai sẽ ảnh hưởng nhiều đến diễn tiến của bệnh và thai phụ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm. Trong suy thận mạn, nhiều chuyên gia khuyên có thể có thai được khi suy thận mạn còn ở giai đoạn I, II. Nhưng phải theo dõi và điều trị hết sức chặt chẽ. Khi bệnh nhân đã suy thận cuối giai đoạn II thì không nên có thai;
- Bệnh viêm cầu thận cấp tính: bệnh nhân vẫn có thể mang thai bình thường, nhưng cần theo dõi chặt chẽ và chú ý kiểm soát cân nặng, huyết áp và protein niệu.
Đối với phụ nữ đã mắc bệnh thận từ trước, bệnh sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của mẹ và cả thai nhi. Do đó, cần cân nhắc thận trọng khi muốn mang thai và phải liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
3. Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mắc hội chứng thận hư khi mang thai
- Lượng nước đưa vào cơ thể phụ thuộc vào mức độ đào thải của thận (tùy giai đoạn tiến triển của bệnh), thường từ 1,5-2 lít mỗi ngày (gồm nước lọc, sữa, nước canh, súp, từ trái cây...);
- Phụ nữ mang thai có bệnh thận nên ăn nhạt ở mức có thể, giảm các loại gia vị khi nêm nếm;
- Các thực phẩm giàu đạm như thịt nạc, cá, tôm, trứng, sữa, đậu hũ... nên ăn ở mức độ vừa phải theo lời khuyên của bác sĩ;
- Cá biển nên luộc rồi bỏ nước luộc cho bớt muối;
- Nên ăn nhiều loại rau của quả và không uống nhiều nước luộc rau;
- Hạn chế ăn thức ăn nhiều muối như dưa muối, cà muối, mắm, cá khô, xúc xích, thịt xông khói, đồ hộp, chả lụa,....
Phụ nữ mang thai khi đang mắc bệnh thận cần được kiểm tra sức khỏe thai kỳ cẩn thận, đề phòng những biến chứng nguy hiểm mà bệnh thận có thể gây ra cho thai nhi. Bà bầu có thể tham khảo Chương trình Chăm sóc Thai sản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với dịch vụ chăm sóc thai sản trọn gói tùy thuộc vào các giai đoạn của thai kỳ. Khi tham gia các gói này, sản phụ sẽ được theo dõi sát sao mọi diễn biến trong quá trình mang thai, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc cần thiết để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường của mẹ và thai nhi và có biện pháp can thiệp tốt nhất.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay.
Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.