Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ Lê Thị Phương đã có 29 năm kinh nghiệm trong ngành sản phụ khoa.
Thai ngoài tử cung được phát hiện kịp thời khi chưa có dấu hiệu dọa vỡ có thể thực hiện điều trị bảo tồn vòi tử cung. Mục đích chính của phương pháp là duy trì khả năng sinh sản cho những phụ nữ vẫn còn có nhu cầu sinh nở.
1. Thai ngoài tử cung là gì?
Mang thai ngoài tử cung là trường hợp trứng đã thụ tinh nhưng không di chuyển xuống làm tổ tại buồng tử cung mà làm tổ và phát triển ở ngoài buồng tử cung (ống dẫn trứng, buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí là trong ổ bụng).
Các cơ quan chứa khối thai ngoài tử cung được xác định như sau:
- Hơn 95% trường hợp thai ngoài tử cung xảy ra ở vòi tử cung (loa vòi, đoạn bóng, đoạn eo hoặc đoạn kẽ vòi tử cung)
- 5% trường hợp còn lại thai bám và phát triển ở các vị trí khác như buồng trứng, ổ bụng, cổ tử cung hoặc sẹo mổ trước đó.
- Thai ngoài tử cung ở 2 bên hiếm gặp, chiếm tỉ lệ khoảng 1/200.000 thai kỳ.
- Đa thai với một thai làm tổ trong buồng tử cung bình thường và thai còn lại ở vị trí lạc chỗ, tỉ lệ 1/30.000 thai kỳ.
2. Vòi tử cung có thể bảo tồn được trong trường hợp nào?
Chỉ định phẫu thuật bảo tồn vòi tử cung trong thai ngoài tử cung được chỉ định cho những phụ nữ có chẩn đoán xác định thai ngoài tử cung nhưng chưa có dấu hiệu dọa vỡ, có mong muốn giữ lại vòi tử cung vì vẫn còn nhu cầu sinh đẻ. Người bệnh có khối thai không quá to, làm tổ ở vị trí bóng hoặc loa vòi tử cung.
Không bảo tồn vòi tử cung cho những phụ nữ đã vỡ hoặc có dấu hiệu vỡ vòi tử cung; khối thai có kích thước lớn cảm giác dính chắc vào thành vòi tử cung và ít di động hoặc thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang; phụ nữ không có nhu cầu điều trị bảo tồn và một số trường hợp có chỉ định bảo tồn nhưng trong quá trình phẫu thuật tiên lượng vòi tử cung không có khả năng thông được, không đảm bảo được sinh lý bình thường.
3. Phẫu thuật bảo tồn vòi tử cung cho người bị thai ngoài tử cung
Có 2 phương thức áp dụng trong phẫu thuật thai ngoài tử cung là mổ mở và mổ nội soi. Tuy hình thức khác nhau nhưng cách xử trí tổn thương là giống nhau. Cụ thể như sau:
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành mổ ổ bụng hoặc bằng thiết bị nội soi. Sau khi đã mổ, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vị trí khối thai, xác định mức độ tổn thương của vòi tử cung, kiểm tra và đánh giá buồng trứng ở hai bên và tử cung nhằm xác định tỷ lệ có khả năng mang thai trong lần tiếp theo. Đặc biệt là kiểm tra vòi tử cung bên không có khối thai, nếu phát hiện bất thường thì chỉ định phẫu thuật bảo tồn vòi tử cung để đảm bảo khả năng sinh sản.
Điều trị vòi trứng bên có khối thai
- Nếu khối thai ở bóng vòi: Tiến hành rạch vòi tử cung vùng không có mạch máu, nhẹ nhàng gặp nạo các tổ chức thai và nhau thai, khâu viền cầm máu và chừa lại lỗ cửa sổ.
- Nếu khối thai ở loa vòi: Tiến hành rạch hình dấu cộng lấy thai và tổ chức nhau thai rồi khâu lộn loa vòi.
Sau đó, tiến hành giải phóng và cắt các dây chằng vòi, hoặc tua vòi (nếu có). Tìm và xử lý các nguyên nhân khác có thể gây ra thai ngoài tử cung để hạn chế nguy cơ trong những lần mang thai tiếp theo.
Điều trị vòi bên không có khối thai
- Nếu có bất thường ở bóng vòi: Tiến hành cắt và giải phóng các dây chằng, tổ chức dính hoặc chích dịch, mủ, máu (nếu có) rồi khâu chừa cửa sổ.
- Nếu có bất thường ở loa vòi: Tiến hành rạch và chích hình dấu cộng tháo hết dịch, mủ rồi khâu lộn loa vòi.
Tiếp theo, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm xét nghiệm Beta HCG nhằm xác định nồng độ của một loại hormone thai kỳ được tiết ra bởi nhau thai. Dựa vào đó mà quyết định liều lượng, thời gian điều trị củng cố bằng thuốc diệt tế bào non Methotrexat, liều tiêm bắp.
Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và làm các xét nghiệm. Sau phẫu thuật người phụ nữ không nên quan hệ tình dục quá sớm, quan hệ tình dục không để mang thai. Từ ngày thứ 3 - 5 trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh đến bệnh viện để chụp chiếu để kiểm tra lại vòi tử cung. Nếu người bệnh có bán tắc hoặc tắc vòi tử cung thì tiếp tục đến bệnh viện để điều trị, tránh có thai sớm, đề phòng có thai ngoài tử cung trở lại.
4. Phòng ngừa mang thai ngoài tử cung trong lần sinh nở tiếp theo
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp nào giúp ngăn ngừa thai ngoài tử cung tái phát. Người phụ nữ chỉ có thể thực hiện các biện pháp dự phòng để giảm thiểu tối đa thai ngoài tử cung tái phát, bao gồm:
- Điều trị sớm các bệnh lý hoặc viêm nhiễm tại các bộ phận sinh sản như viêm dính vòi tử cung, các bất thường bẩm sinh trong cấu trúc của vòi tử cung, viêm nhiễm do Chlamydia, lạc nội mạc tử cung, các viêm nhiễm phụ khoa.
- Sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn trong vòng 6 tháng - 1 năm sau phẫu thuật khi cơ thể đã ổn định trở lại để sẵn sàng cho việc sinh con.
- Đối với những phụ nữ đã mang thai lại sau thai ngoài tử cung cần đi khám sức khỏe định kỳ để xác định chính xác vị trí khối thai và các bất thường khác (nếu có).
Sàng lọc trước sinh giúp thai phụ phát hiện các biến chứng thai kỳ sớm để có biện pháp can thiệp kịp thời. Khoa Khoa Y học bào thai - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc triển khai phòng khám tiền sản 1 cửa (OSCAR) cung cấp gói sàng lọc toàn diện cho thai phụ 12 tuần. Phòng khám trả kết quả nhanh ngay trong ngày khám và thực hiện sàng lọc.
Khoa Y học bào thai đã triển khai thành công các phương pháp sàng lọc trước sinh tiên tiến, giúp sàng lọc các biến chứng cho sản phụ; Phát hiện và can thiệp kịp thời một số bất thường ở thai nhi như thai ngoài tử cung từ những tuần thai rất sớm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.