Bạn nên sử dụng kem chống nắng có SPF như thế nào?

Những hiểu biết về sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời trên làn da đã tác động đến sự tiến bộ trong công nghệ điều chế và sản xuất kem chống nắng ngày càng trở nên phức tạp và hoàn chỉnh hơn. Theo đó, việc lựa chọn sản phẩm kem chống nắng nào phù hợp nhất sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như da nhạy cảm với mỹ phẩm như thế nào, da khô hay nhờn, tiền sử mắc bệnh ung thư da trước đó cũng như các thông số trên sản phẩm, quan trọng là spf trong kem chống nắng bao nhiêu là cần thiết.

1. Vai trò của kem chống nắng là gì?

Trước khi có thể đi sâu vào các chi tiết của chỉ số SPF của kem chống nắng, bước đầu tiên là hiểu những điều cơ bản về kem chống nắng.

Mặt trời là nguồn tạo ra hai loại tia UV đặc biệt có hại cho làn da của con người là tia UVA và UVB. Tia UVA xâm nhập sâu vào da, gây ra những tổn thương lâu dài như lão hóa và nếp nhăn. Mặt khác, tia UVB ngắn hơn tia UVA. Chúng đốt cháy bề mặt da, gây tổn thương ngay lập tức như cháy nắng và ung thư da về lâu dài.

Theo đó, kem chống nắng đã được thiết kế để bảo vệ làn da khỏi các tia có hại của mặt trời. Cơ chế tác dụng của kem chống nắng thể hiện theo nhiều cách khác nhau, bao gồm hấp thụ và khử hoạt tính, làm suy giảm và phản xạ các tia.

2. Chỉ số SPF là gì?

Mặc dù trong thực tế là có rất ít người tiêu dùng biết nó là gì, ý nghĩa của chỉ số SPF của kem chống nắng lại thực sự khá đơn giản. SPF là viết tắt của cụm từ “Sun Protection Factor” và là thước đo khả năng bảo vệ làn da khỏi tia UVB của kem chống nắng. Tính toán cơ bản của khả năng hoạt động trong kem chống nắng như sau: “Nếu mất 1 phút để làn da không được bảo vệ bắt đầu ửng đỏ lên dưới ánh nắng mặt trời thì việc sử dụng kem chống nắng có SPF 15 về mặt lý thuyết sẽ ngăn ngừa phản ứng da như thế này lâu hơn được 15 lần”.

Theo đó, giả sử một người sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 30. Nếu thường mất 10 phút cho đến khi da bắt đầu có cảm giác bỏng rát khi ra ngoài nắng, bằng cách sử dụng kem chống nắng SPF 30, về mặt lý thuyết, làn da sẽ được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời trong 300 phút hoặc 5 giờ.

Tuy vậy, điều quan trọng cần nhớ là chỉ số SPF chỉ nói lên khả năng bảo vệ của sản phẩm này khỏi tia UVB; đó là những tia gây ra hiện tượng “đỏ da” hoặc bỏng bề mặt. Ngược lại, chỉ số SPF là hoàn toàn không tính đến tia UVA; đó là những tia gây hại lâu dài trên da, bao gồm hiện tượng lão hóa da và hình thành nếp nhăn. Thật vậy, tia UVA đã có thể gây hại rất nhiều cho da trước khi da bắt đầu đỏ lên. Trên thực tế, cứ 5 người Mỹ thì có 1 người bị ung thư da ở độ tuổi 70 — và nhiều người trong số đó là do tác hại của tia UVA.


Chỉ số SPF là thước đo khả năng bảo vệ làn da khỏi tia UV
Chỉ số SPF là thước đo khả năng bảo vệ làn da khỏi tia UV

3. Nên sử dụng kem chống nắng có SPF như thế nào?

Theo nguyên tắc chung, kem chống nắngchỉ số SPF dưới 15 được coi là có mức độ bảo vệ nhẹ, SPF 15-30 được coi là có mức độ bảo vệ vừa phải và cao hơn 30 SPF được coi là có mức độ bảo vệ cao.

Trong ba mức độ này, người dùng bình thường sử dụng kem chống nắng SPF 30 là an toàn, miễn là thoa với một lượng vừa đủ và thường xuyên thoa lại — nhưng đó không phải là quy tắc chung cho tất cả. Việc xác định loại kem chống nắng phù hợp với bản thân còn phụ thuộc vào làn da. Vì kem chống nắng có chỉ số SPF 15 có khả năng lọc ra khoảng 93% tất cả các tia UVB chiếu tới da, SPF 30 lọc đến 97% và SPF 50 là 98%, những khác biệt này có vẻ không đáng kể. Tuy nhiên, đối với người nhạy cảm với ánh sáng hoặc có tiền sử ung thư da, thì những tỷ lệ phần trăm bổ sung đó sẽ tạo nên sự khác biệt đáng kể.

Một giả định phổ biến về chỉ số SPF là càng cao nghĩa là càng có nhiều khả năng bảo vệ làn da tránh khỏi ánh nắng mặt trời. Nếu được sử dụng chính xác theo chỉ dẫn trong một môi trường được kiểm soát, chẳng hạn như phòng thí nghiệm với khí hậu tốt, lượng tiếp xúc UVB ổn định và không có các yếu tố bên ngoài khác ảnh hưởng đến hiệu suất của nó, giả thiết này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, mọi người rất khó có khả năng luôn duy trì trạng thái ở trong một môi trường “lý tưởng” như vậy. Hơn nữa, những yếu tố khác như đổ mồ hôi và tiếp xúc với nước như bơi lội, tắm biển sẽ làm giảm hiệu quả của chỉ số SPF. Đây chính là lời giải thích vì sao hầu hết các chuyên gia đều cảnh báo rằng trên thực tế, không có loại kem chống nắng nào có thể hoạt động lâu hơn 2 giờ.

4. Kem chống nắng phổ rộng là gì?

Như đã đề cập, chỉ số SPF thực sự chỉ đề cập đến khả năng bảo vệ chống lại tia UVB — nhưng đó không phải là tia duy nhất có thể gây hại cho làn da. Trong khi đó, tia UVA còn gây ra những tổn thương lâu dài trên da như quá trình lão hóa da và hình thành nếp nhăn, đồng thời còn có thể gây hại rất nhiều trước khi da bắt đầu cảm thấy bị bỏng. Thực tế của kem chống nắng là chỉ bảo vệ khỏi tia UVB thì không đủ, đây là bối cảnh của kem chống nắng phổ rộng ra đời.

Kem chống nắng được gọi là có “phổ rộng” là khi có khả năng chống lại cả tia UVA và UVB. Và, thành thật mà nói, đây là điều bắt buộc hiển nhiên. Để kem chống nắng được coi là “phổ rộng”, khả năng chống tia UVA của sản phẩm này phải tương xứng với khả năng chống tia UVB. Khi chỉ số SPF, tức khả năng bảo vệ tia UVB, tăng lên, khả năng chống tia UVA cũng phải tăng lên một cách tương xứng. Vậy nên, đây cũng là yếu tố quan trọng cần lưu ý khi chọn mua kem chống nắng, thay vì chỉ cân nhắc đơn thuần dựa trên chỉ số SPF.


Chỉ số SPF trong kem chống nắng thường dao động từ 15 đến 30 SPF
Chỉ số SPF trong kem chống nắng thường dao động từ 15 đến 30 SPF

5. Cách sử dụng kem chống nắng như thế nào?

Điều đầu tiên cần nhớ khi thoa kem chống nắng là đa số mọi người có khuynh hướng là thoa chưa đủ. Các chuyên gia ước tính hầu hết mọi người chỉ sử dụng từ 25% đến 50% số lượng kem chống nắng được đề nghị cho mỗi lần dùng.

Hơn nữa, có một số vùng da thường phải chịu tiếp xúc mạnh mẽ với ánh nắng nhưng lại dễ bị bỏ sót như cổ, tai, mũi, môi và bàn chân. Ngoài ra, nếu dùng kem chống nắng dạng xịt, việc sử dụng lại có thể không giúp đơn giản hơn. Trong thực tế, việc dùng kem chống nắng dạng xịt khó kiểm soát hơn nhiều, vì lượng kem chủ yếu phủ thành lớp rất mỏng như một lớp màng trên mặt da thay vì thấm vào da; đồng thời, việc xịt kem chống nắng không đúng cách hay các thành phần đóng vai trò làm chất đẩy trong bình xịt còn có thể khiến da dễ bị mẫn cảm hơn.

Điều kế tiếp là việc thoa kem chống nắng nếu chỉ thực hiện một lần thôi là chưa đủ. Các chuyên gia da liễu luôn khuyến khích cần thoa lại kem chống nắng sau mỗi 90 phút nếu vẫn còn ở ngoài trời. Bên cạnh đó, nếu đang hoạt động thể chất nhiều, đổ mồ hôi, bơi lội hoặc lau khô người bằng khăn, người dùng cũng phải thoa lại kem chống nắng ngay lập tức.

Mặt khác, hãy nhớ rằng kem chống nắng không chỉ được sử dụng bắt buộc vào những ngày nắng. Dù thời tiết là nắng hay mây mù, kem chống nắng vẫn luôn là một phần quan trọng trong thói quen chăm sóc da hàng ngày của mỗi người.

Cuối cùng, mặc dù kem chống nắng chất lượng và quần áo phù hợp có thể bảo vệ làn da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, mọi người cũng nên tránh làm việc bên ngoài vào những giờ cao điểm ban ngày. Tìm bóng râm trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều - khi mặt trời đã lên đến đỉnh điểm và có nhiều khả năng bị tổn thương da, đặc biệt là ở người có cơ địa làn da dễ kích ứng. Ngay cả trong mùa đông, trời nhiều mây, ít nắng thì việc chống nắng vẫn rất quan trọng. Và người dùng cũng nên bảo vệ mình trong nhà và khi lái xe vì ánh nắng mặt trời có thể xuyên qua cửa sổ. Trong xe, các tấm phim cách nhiệt trong suốt có thể cản bớt các tia nắng mặt trời; ở nhà, nên kéo rèm che trong những giờ nắng cao điểm để hạn chế lượng tia UV có thể đi vào trong nhà.

Tóm lại, các nhãn hiệu trên sản phẩm kem chống nắng chứa thông tin chính yếu giúp người dùng đánh giá hiệu quả của chúng. Trong đó, chỉ số chống nắng SPF, một con số phản ánh khả năng bảo vệ da của kem chống nắng khỏi các tia gây cháy nắng thường được quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, việc lựa chọn kem chống nắng còn dựa trên các tiêu chí khác như khả năng bảo vệ phổ rộng chống lại các tia làm lão hóa da sớm và khả năng chống nước trong một khoảng thời gian nhất định giúp bảo vệ da hiệu quả toàn diện nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: colorescience.com, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe