Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Như chúng ta vẫn biết từ trước tới nay cơ thể con người sẽ phát triển liên tục từ khi còn là bào thai và đến tuổi trưởng thành thì ngừng phát triển. Nhưng vẫn có hai bộ phận không bao giờ ngừng phát triển cho đến khi qua đời, đó là bộ phận nào, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Tổng quát về sự phát triển của con người
Sinh trưởng và phát triển là đặc tính sinh học của các vật chất sống, bao gồm cả con người. Sự sinh trưởng và phát triển của con người được bắt đầu tính từ thời điểm tế bào trứng được thụ tinh bởi tinh trùng. Sự phát triển, về bản chất là một quá trình thay đổi về mặt số lượng và chất lượng xảy ra bên trong của mỗi cơ thể.
Sự sinh trưởng là quá trình tăng liên tục khối lượng của cơ thể bằng cách tăng số lượng tế bào của cơ thể, dẫn đến tăng khối lượng mô, phân hóa thành các cơ quan và phát triển thành toàn bộ cơ thể, nhờ đó mà từ một hợp tử do tinh trùng thụ tinh cho trứng ban đầu mà có thể phát triển thành bào thai, rồi thành trẻ sơ sinh, trẻ em, rồi lớn lên thành người trưởng thành.
Đối với cơ thể con người, sự phát triển của các cơ quan, bộ phận diễn ra liên tục cho đến khi cá thể đạt tới tuổi trưởng thành thì sẽ dừng lại. Tuy nhiên vẫn có hai bộ phận trên cơ thể bền bỉ phát triển tới khi qua đời.
2. Hai bộ phận trên cơ thể không bao giờ ngừng phát triển là bộ phận nào?
Hai bộ phận đó chính là tai và mũi, và cũng thật lạ kì khi cả hai bộ phận này cùng nằm ở trên đầu.
Khi phần lớn các bộ phận cơ thể sẽ bắt đầu phát triển chậm và dần dần tiến đến ngừng phát triển (hầu hết là sau khi dậy thì kết thúc) thì tai và mũi vẫn tiếp tục tăng kích thước, khiến tai và mũi trở nên khác biệt hoàn toàn với những phần còn lại của cơ thể. Điều này được lý giải bởi thành phần cấu tạo nên tai và mũi là các mô mềm bao quanh sụn và chính các mô mềm này sẽ tiếp tục phát triển trong suốt cuộc đời của con người. Do đó mà ở người cao tuổi, chúng ta có thể nhận thấy tỉ lệ kích thước của tai và mũi so với khuôn mặt là khá lớn.
Một số người có thể đưa ra đáp án khác cho hai bộ phận không bao giờ ngừng phát triển là móng tay và tóc, tuy nhiên chúng ta cần tính tới đặc điểm yếu tố di truyền khác nhau ở mỗi người.
Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là những người mắc chứng hói đầu liên quan đến di truyền, tóc của những người này sẽ không còn tiếp tục phát triển khi đến một thời điểm nhất định, khiến họ bị hói. Do đó, tai và mũi dường như là câu trả lời chắc chắn nhất, phù hợp nhất và cũng có thể quan sát thấy dễ nhất cho câu hỏi về hai bộ phận không bao giờ ngừng phát triển trên cơ thể con người.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com