Điện thoại thông minh là một vật dụng gần như không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, sự tấn công liên tục của thông tin cũng như việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại có thể dẫn đến các triệu chứng nghiện và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của bạn.
1. Thực trạng về chứng nghiện điện thoại thông minh
Hiện nay, điện thoại thông minh đã và đang trở thành một công cụ liên lạc và giải trí không thể thiếu đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, việc dùng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến chứng nghiện điện thoại vô cùng nguy hiểm.
Theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Pew cho biết, khoảng 81% người Mỹ sở hữu điện thoại thông minh, có xu hướng tăng 35% vào năm 2011. Trong suốt 5 năm qua, ứng dụng Google Trends cũng đã chỉ ra rằng các tìm kiếm về “chứng nghiện điện thoại di động” đã tăng lên đáng kể. Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại có thể nảy sinh ra một loạt vấn đề được các chuyên gia đặt tên với những thuật ngữ mới, chẳng hạn như:
- Monophobia: Nỗi sợ hãi khi không có điện thoại ở bên cạnh.
- Textaphrenia: Sợ hãi khi bạn không thể gửi hoặc nhận tin nhắn.
- Phantom vibrations: Là hội chứng rung ảo, rằng bạn có cảm giác như điện thoại đang đổ chuông hoặc có thông báo nhưng thực sự không phải vậy.
Thực tế, có rất ít người tin rằng việc sử dụng điện thoại quá nhiều có thể gây nghiện hoặc bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác. Tuy nhiên, hiện nay có một số tranh luận giữa các chuyên gia y tế và sức khỏe tâm thần về việc sử dụng điện thoại thông minh thực sự gây nghiện hay chỉ là kết quả của chứng rối loạn kiểm soát xung động.
Nhiều chuyên gia y tế đã miễn cưỡng gán từ “nghiện” cho bất kỳ vấn đề khác ngoài việc lạm dụng chất gây nghiện theo thói quen. Nhưng theo sổ tay chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (sổ tay được sử dụng trong cộng động y tế để chẩn đoán các chứng rối loạn tâm thần) đã không công nhận một chứng nghiện hành vi, cụ thể là nghiện cờ bạc.
Thực chất, giữa chứng nghiện hành vi và việc lạm dụng điện thoại di động có một số điểm tương đồng với nhau, bao gồm:
- Mất kiểm soát trong hành vi cá nhân.
- Gặp khó khăn trong việc hạn chế hành vi.
- Có xu hướng thực hiện các hành vi thường xuyên hơn để đạt được cảm giác mà bản thân mong muốn.
- Hành vi gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
- Có cảm giác cáu kỉnh, tức giận hoặc lo lắng khi không thực hiện được hành vi đó.
- Lặp lại hoặc tái nghiện thói quen sau một thời gian tránh được.
Mặt khác, khi có cảm giác được tán thưởng, não bộ của chúng ta sẽ tiết ra một chất hoá học, được gọi là dopamine. Đối với một số người, việc sử dụng điện thoại là một cách có thể kích thích giải phóng chất hoá học này. Họ coi điện thoại như một công cụ tương tác xã hội, và một số ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể khiến nhiều người phải quay lại sử dụng nhiều lần để kích hoạt não tiết ra dopamine, lâu dần dẫn đến tình trạng nghiện điện thoại.
2. Đối tượng có nguy cơ cao bị nghiện điện thoại
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, thanh thiếu niên là đối tượng có nguy cơ bị nghiện điện thoại cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Một số thử nghiệm đã cho thấy việc sử dụng điện thoại di động có xu hướng đạt đỉnh trong những năm thiếu niên và sau đó giảm dần khi tuổi tác ngày càng cao.
Theo thống kê gần đây, việc sử dụng điện thoại thông minh ở thanh thiếu niên phổ biến đến mức có tới 33% trẻ 13 tuổi dùng điện thoại liên tục cả ngày lẫn đêm. Đối với thanh thiếu niên là nữ giới, xu hướng dùng điện thoại quá nhiều có thể phát triển do điện thoại trở thành công cụ quan trọng trong việc tương tác xã hội.
Bên cạnh đó, những người có đặc điểm tính cách sau đây cũng dễ bị nghiện điện thoại, bao gồm:
- Người có khả năng kiểm soát xung động kém.
- Người có lòng tự trọng thấp.
- Người hay phiền muộn hoặc lo lắng.
- Người rất hướng ngoại.
3. Các triệu chứng điển hình của nghiện điện thoại thông minh
Vậy làm thế nào để bạn biết được liệu mình có đang bị nghiện điện thoại quá mức hay không? Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết chứng nghiện điện thoại thông minh, bao gồm:
- Thường xuyên dùng điện thoại mỗi khi cảm thấy bản thân buồn chán hoặc cô đơn.
- Thức dậy nhiều lần vào ban đêm để kiểm tra điện thoại di động của mình.
- Sử dụng điện thoại nhiều đến mức khiến bạn gặp thương tích hoặc tai nạn.
- Bản cảm thấy khó chịu, tức giận, nóng nảy hoặc lo lắng khi không thể sử dụng điện thoại.
- Bạn đang ngày càng dành nhiều thời gian cho việc sử dụng điện thoại.
- Những người xung quanh cảm thấy quan ngại về cách sử dụng điện thoại của bạn.
- Sử dụng điện thoại gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất công việc, học tập và những mối quan hệ khác của bạn.
- Tái nghiện nhanh chóng mặc dù đã cố gắng hạn chế sử dụng.
4. Một số tác hại của việc nghiện điện thoại
Một trong những điểm tương đồng nổi bật của bất kỳ chứng nghiện nào là duy trì hành vi cưỡng chế, ngay cả khi nó có thể dẫn đến những hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng.
Ví dụ, khi bạn dùng điện thoại quá nhiều, chẳng hạn như nhắn tin trong lúc lái xe có thể gây ra các mối đe dọa về sức khỏe cũng như tính mạng gấp 3 lần, bao gồm gây tai nạn thương tích hoặc thậm chí là tử vong. Sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe đã được cảnh báo rộng rãi, nhưng nhiều người lại bỏ qua rủi ro và phớt lờ để theo đuổi ham muốn của mình.
Ngoài ra, chứng nghiện điện thoại cũng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng sau:
- Phiền muộn.
- Sự lo lắng.
- Thiếu ngủ hoặc bị mất ngủ thường xuyên.
- Xảy ra xung đột giữa các mối quan hệ.
- Kết quả học tập hoặc hiệu suất công việc kém.
- Mất tập trung.
5. Những cách cai nghiện điện thoại thông minh hiệu quả
Nếu như thói quen sử dụng điện thoại hàng ngày của bạn gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, các mối quan hệ cũng như công việc, có lẽ đã đến lúc bạn cần thực hiện một số thay đổi để thoát khỏi chứng nghiện điện thoại.
- Tìm hiểu những lo lắng tiềm ẩn trong cuộc sống thường ngày của bạn
Các nhà nghiên cứu cho biết những người sử dụng điện thoại quá nhiều thường có xu hướng đang cố gắng né tránh những vấn đề khó khăn hoặc phức tạp để giải quyết trong cuộc sống. Vì vậy, một trong những điều đầu tiên cần xem xét là điều gì đang khiến bạn phiền lòng.
Giải quyết các vấn đề cơ bản có thể là chìa khóa giúp bạn giảm bớt nỗi lo lắng và hạn chế nhu cầu sử dụng điện thoại của mình.
- Áp dụng liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Phương pháp trị liệu CBT có thể giúp làm sáng tỏ mối liên hệ giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn. Đây được xem là một liệu pháp rất hiệu quả để giúp những người nghiện điện thoại thay đổi được hành vi của mình.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng liệu pháp nhận vi hành thức (CBT) có khả năng cân bằng lại những thay đổi trong hóa học não có liên quan đến chứng nghiện điện thoại di động. Do đó, nếu bạn nghĩ rằng liệu pháp này có thể giúp ích cho tình trạng của mình, hãy trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
- Thử một số cách thực tế khác
Ngoài những phương pháp trị liệu trên, bạn cũng có thể cai nghiện điện thoại thông minh bằng những bước thay đổi thực tế khác sau:
- Xoá các ứng dụng làm tốn nhiều thời gian ra khỏi điện thoại của bạn, thay vào đó hãy truy cập chúng thông qua một thiết bị điện tử khác mà bạn không mang theo nó bên mình cả ngày.
- Thay đổi các cài đặt trên điện thoại, chẳng hạn như tắt thông báo tạm thời để tránh làm gián đoạn công việc.
- Chuyển màn hình thành màu xám để tránh không bị đánh thức bởi ánh sáng điện thoại vào ban đêm.
- Đặt một số rào cản xung quanh việc sử dụng điện thoại để buộc bản thân phải suy nghĩ về những gì mà bạn đang làm. Chẳng hạn, bạn có thể tạo ra các câu hỏi trên màn hình khoá điện thoại như “Tại sao tôi lại sử dụng điện thoại bây giờ?” hoặc “Tôi dùng điện thoại bây giờ để làm gì?”.
- Cất điện thoại ra ngoài tầm nhìn của bạn. Khi ngủ, bạn có thể sạc điện thoại ở một nơi khác cách xa giường của mình.
- Phát triển những sở thích khác giúp nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Thay vì mất nhiều thời gian vô bổ cho các trò chơi hay ứng dụng truyền thông xã hội, bạn có thể tham gia các hoạt động thực tế như gặp gỡ bạn bè, sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc hoặc làm công việc tình nguyện.
- Khi xảy ra các lần tái nghiện ngắn, bạn đừng nên nản chí, thay vào đó hãy học hỏi và rút ra kinh nghiệm để hướng tới việc sử dụng điện thoại lành mạnh hơn.
6. Nghiện điện thoại - Khi nào cần đến sự giúp đỡ từ chuyên gia?
Bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia nếu bản thân đang gặp phải bất kỳ khó khăn nào khó giải quyết hoặc không thể kiểm soát được. Nếu bạn nhận thấy có các triệu chứng nghiện điện thoại hoặc những người xung quanh đang quan ngại về cách sử dụng điện thoại của bạn, bạn có thể cân nhắc liên hệ với nhà trị liệu hoặc bác sĩ để có biện pháp cai nghiện hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com