Bàn chân không chỉ đóng vai trò là một bộ phận chính giúp nâng đỡ trọng lượng của cơ thể, tham gia vào các hoạt động của toàn bộ chi dưới mà mỗi một vị trí trên lòng bàn chân còn gắn kết với nhiều cơ quan khác nhau. Trong nhiều trường hợp, thông qua những biểu hiện như bàn chân nóng, bàn chân lạnh để biết được những vấn đề sức khỏe mà mình đang mắc phải.
1. Bàn chân lạnh
Bàn chân ở những người khỏe mạnh sẽ thường ở hai trạng thái là mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. Nếu bạn cảm thấy bàn chân và ngón chân luôn lạnh thì khả năng cao là do lượng máu lưu thông đến chân kém. Điều này cho thấy bạn đang có vấn đề về tuần hoàn, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể bắt nguồn từ thói quen hút thuốc lá, các căn bệnh mãn tính như tim hoặc cao huyết áp. Một nguyên nhân giải thích cho hiện tượng “bàn chân lạnh” là do ảnh hưởng của bệnh tiểu đường tới hệ thống thần kinh. Khi mức tiểu đường trong cơ thể không được kiểm soát sẽ làm tổn thương thần kinh và khiến bàn chân bị lạnh. Ngoài ra, lạnh chân cũng là dấu hiệu của bệnh thiếu máu và suy giáp.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên áp dụng một số phương pháp giữ ấm cho bàn chân, bao gồm:
- Thường xuyên đi giày và tất vào mùa đông
- Ngâm chân với nước ấm
- Ăn các loại thực phẩm có tác dụng giữ ấm và làm nóng cơ thể như tỏi, gừng
- Mùa hè oi nóng khiến bàn chân bị đổ nhiều mồ hôi, để khắc phục điều này, bạn nên ăn các loại thực phẩm có tính giải nhiệt, ví dụ như bí đao.
2. Đau chân
Theo các nghiên cứu gần đây cho biết, có 8/10 phụ nữ đã cho rằng họ bị đau chân do đi giày cao gót trong suốt một ngày dài. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã tiết lộ nguyên nhân chính gây ra đau chân không phải do giày cao gót mà xuất phát từ tình trạng “gãy xương do căng thẳng”- tạo nên một vết nứt nhỏ ở xương. Tình trạng này có thể xảy ra do bạn luyện tập thể dục quá sức hoặc chơi các môn thể thao yêu cầu về thể lực như chạy cự ly hoặc bóng rổ. Ngoài ra, nguy cơ bị đau chân cũng tăng lên đáng kể nếu bạn bị yếu xương do loãng xương.
3. Màu sắc của ngón chân
Màu sắc các ngón chân ở những người khỏe mạnh thường có màu hồng, không quá đỏ, không trắng nhợt, ngón chân không có hình dạng bất thường và không nhăn nheo. Nếu bạn quan sát thấy màu sắc của ngón chân bị chuyển sang màu trắng, sau đó hơi xanh và tiếp tục thành màu đỏ, cuối cùng quay trở lại với màu ban đầu thì rất có thể bạn bị mắc hội chứng bệnh Raynaud. Căn bệnh này xảy ra là do các động mạch bị thu hẹp một cách đột ngột, hay còn gọi là chứng co mạch. Raynaud cũng có thể liên quan đến bệnh Sjögren, viêm thấp dạng khớp hoặc các vấn đề về tuyến giáp.
Nếu ngón chân bị nhăn nheo hoặc không đầy đặn chính là biểu hiện của một cơ thể có sức đề kháng kém và hoạt động lưu thông máu đang bị cản trở.
4. Màu sắc lòng bàn chân
Trong lòng bàn chân của chúng ta có rất nhiều huyệt quan trọng, có kết nối đặc biệt với các cơ quan nội tạng trong cơ thể như tim, gan, thận hoặc dạ dày. Chính vì vậy, chỉ cần dựa vào màu sắc của lòng bàn chân, bạn có thể biết mình đang gặp phải vấn đề gì về sức khỏe. Nếu lòng bàn chân có màu hồng nhuận thì cho thấy sức khỏe của bạn rất tốt. Ngược lại, lòng bàn chân có màu quá đỏ hoặc chuyển sang trạng thái trắng bệch thì nguy cơ cao bạn đang mắc phải các vấn đề nhất định về sức khỏe, cụ thể là:
- Lòng bàn chân có màu xanh: cơ thể thuộc tính hàn, rất dễ bị lạnh chân vào mùa đông hoặc toát mồ hôi lạnh vào mùa hè.
- Lòng bàn chân có màu quá đỏ: cơ thể bạn đang bị nóng trong, lúc này bạn nên sử dụng các loại thực phẩm có khả năng giải độc, mát gan để cải thiện.
- Lòng bàn chân có màu vàng: mắc bệnh gan
- Lòng bàn chân có màu đen hoặc tím: lưu thông máu kém
- Lòng bàn chân có màu trắng: cơ thể bị thiếu máu, suy nhược hoặc có tính hàn.
5. Đau gót chân
Triệu chứng đau gót chân xảy ra là do viêm cân gan chân - tình trạng cơ gân bàn chân bị sưng (viêm). Các cơn đau thường dữ dội nhất vào buổi sáng khi bạn mới thức dậy và có thể gây ra các áp lực lên bàn chân, khiến việc đi lại trở nên đau đớn và khó khăn hơn. Một số nguyên nhân gây đau gót chân ít phổ biến hơn, bao gồm nhiễm trùng xương, gãy xương, khối u ở xương hoặc gai xương gót chân.
6. Kéo lê chân khi đi
Sự thay đổi trong cách đi của bạn, chẳng hạn như kéo lê chân hoặc dáng đi rộng hơn cho thấy cơ thể bạn đang có vấn đề về sức khỏe. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sự tổn thương thần kinh ngoại biên khiến bàn chân mất dần cảm giác. Bên cạnh đó, các thống kê cũng cho biết có khoảng 30% các trường hợp kéo lê chân khi đi có liên quan đến bệnh tiểu đường. Một số nguyên nhân khác có thể kể đến, bao gồm các vấn đề về cơ bắp, tủy sống hoặc não bộ.
7. Thay đổi hình dạng ngón chân cái
Nếu hình dạng của các ngón chân, đặc biệt là ngón chân cái bỗng nhiên thay đổi theo chiều hướng to dần ở trên đầu và hơi cong xuống, thì khả năng cao bạn đã bị bệnh gout (gút). Ngoài ra, sự thay đổi này cũng có thể bắt nguồn từ các căn bệnh khác như bệnh phổi, bệnh tim, nhiễm trùng, một số rối loạn ở gan và hệ tiêu hóa. Đôi khi, ngón chân cái bị to và sưng lên là do yếu tố di truyền trong gia đình.
8. Sưng bàn chân
Sưng bàn chân có thể xảy ra khi bạn đứng quá lâu hoặc đang mang thai. Điều này là hết sức bình thường và chỉ đem lại những phiền toái tạm thời cho bạn. Tuy nhiên, bàn chân bị sưng cũng có thể là dấu hiệu của một tình trạng y tế nghiêm trọng. Những nguyên nhân chính gây ra sưng bàn chân, bao gồm: xuất hiện các cục máu đông, vấn đề về hệ thống bạch huyết, hệ tuần hoàn và tuyến giáp hoạt động kém, hoặc rối chức năng loạn thận.
9. Nóng rát ở bàn chân
Nóng rát ở bàn chân là một trong những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường hoặc bị tổn thương thần kinh ngoại biên. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng nóng rát ở bàn chân, bao gồm: mắc bệnh thận mãn tính, thiếu vitamin B, suy giáp hoặc bệnh động mạch ngoại biên.
10. Các vết loét ở bàn chân
Nếu bàn chân xuất hiện các vết loét không lành thì nguy cơ cao bạn đang bị mắc bệnh tiểu đường. Bởi vì, lượng đường huyết cao có thể làm giảm các chức năng tuần hoàn máu và khả năng chữa lành vết thương hở, do vậy, ngay cả một vết phồng ở bàn chân cũng có thể trở thành vết loét, thậm chí là bị nhiễm trùng.
11. Bàn chân bị ngứa hoặc có vảy
Khi bàn chân bị ngứa hoặc có vảy là dấu hiệu của một bệnh nhiễm nấm thông thường. Bên cạnh đó, tình trạng viêm da tiếp xúc do các các sản phẩm dưỡng da hoặc một số loại hóa chất cũng là nguyên nhân chính gây ra ngứa, khô và tấy đỏ da bàn chân. Trong trường hợp da bàn chân bị ngứa và có cảm giác dày lên như mọc mụn, đây có thể là biểu hiện của bệnh vẩy nến, xảy ra do hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức. Khi bị chứng bệnh này, bạn có thể điều trị bằng kem hoặc thuốc bôi ngoài da được kê đơn bởi bác sĩ.
12. Co thắt chân
Một cơn đau xảy ra đột ngột và rõ rệt ở bàn chân có thể là biểu hiện của chuột rút hoặc co thắt cơ. Cơn đau này thường kéo dài trong một vài phút và giảm dần sau đó. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Làm việc quá sức
- Căng thẳng cơ bắp
- Cơ thể bị mất nước
- Mất cân bằng giữa các khoáng chất có trong cơ thể như kali, canxi, magie, vitamin D
- Hệ tuần hoàn kém
- Thay đổi nồng độ hormone trong thai kỳ
- Rối loạn tuyến giáp
13. Các điểm tối trên bàn chân
Khi xuất hiện các điểm tối có màu đen hoặc nâu trên bàn chân thì nguy cơ cao bạn đang bị ung thư da hoặc có các khối u ác tính trên da. Tốt nhất, nếu phát hiện những điểm bất thường này trên bàn chân, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và nhận phác đồ điều trị bệnh.
Bàn chân nóng, bàn chân lạnh hay bàn chân mỏi đều có nguyên do nhất định, vì thế khi xuất hiện các triệu chứng báo hiệu trên thì bệnh nhân có thể xem xét và đến các trung tâm y tế để thăm khám, nhất là các đối tượng có bệnh lý về tuyến giáp, bệnh phổi, gan, thận, tiểu đường.
Nguồn tham khảo: webmd.com
XEM THÊM: