Bạn biết gì về bệnh viêm não tự miễn?

Bệnh viêm não tự miễn đặc trưng là các tổn thương não do những nhầm lẫn trong hệ thống tự miễn. Các tổn thương nhìn chung là phức tạp, gây ra những khiếm khuyết tâm thần kinh nặng nề. Theo đó, chẩn đoán này cần nhanh chóng nhận biết càng sớm, tiến hành điều trị đúng cách sẽ càng cải thiện tiên lượng bệnh cho người bệnh trong viện cũng như hạn chế di chứng về sau.

1. Bệnh viêm não tự miễn là gì?

Bệnh viêm não tự miễn là một tình trạng y tế nghiêm trọng trong đó hệ thống miễn dịch tấn công vào nhu mô não, làm suy giảm chức năng. Phần lớn các trường hợp mắc phải bệnh viêm não tự miễn có thể được kích hoạt bởi sự nhiễm trùng; tuy vậy, nhiều trường hợp lại không rõ nguyên nhân.

Tùy thuộc vào phần nào của não bộ bị ảnh hưởng mà người bệnh có các triệu chứng thay đổi đa dạng khác nhau. Song, nhìn chung, bệnh viêm não tự miễn vẫn được xếp vào nhóm bệnh tổn thương não mức độ nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong khoảng từ 6 đến 10%.

Với sự tiến bộ của Y học ngày nay, bệnh viêm não tự miễn đã có khả năng được chẩn đoán nhanh và điều trị thích hợp, cho phép rất nhiều bệnh nhân phục hồi hầu hết các chức năng của hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không ít các bệnh nhân vẫn còn có những triệu chứng dai dẳng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hoạt động của họ về sau này.


Bệnh viêm não tự miễn là một trong những bệnh gây tổn thương não
Bệnh viêm não tự miễn là một trong những bệnh gây tổn thương não

2. Các triệu chứng của bệnh viêm não tự miễn

Bệnh nhân mắc phải viêm não tự miễn có thể có biểu hiện của một loạt các triệu chứng thần kinh - tâm thần.

Chính vì vậy, đây là một thách thức lớn trong chẩn đoán khi các triệu chứng khác nhau có thể xuất hiện ở những thời điểm khác nhau và với mức độ, cường độ khác nhau. Không ít các trường hợp dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Cụ thể các triệu chứng thường được ghi nhận của bệnh viêm não tự miễn bao gồm:

  • Suy giảm nhận thức
  • Có khó khăn về trí nhớ
  • Co giật
  • Rung giật cơ không kiểm soát
  • Chậm hoặc mất khả năng nói
  • Thay đổi hành vi như kích động
  • Mất sự ức chế
  • Ảo giác về thị giác hoặc thính giác
  • Suy nghĩ hoang tưởng
  • Lo lắng, trầm cảm
  • Gián đoạn giấc ngủ hay cả mất ngủ trầm trọng
  • Yếu hoặc tê một phần của cơ thể
  • Mất thăng bằng
  • Thay đổi tầm nhìn

Nếu người bệnh chỉ có một trong những triệu chứng này, viêm não tự miễn không phải là bệnh lý được nghĩ đến đầu tiên. Tuy thế, một hỗn hợp không giải thích được của các triệu chứng thần kinh - tâm thần kể trên lại có thể gợi ý đến nguyên nhân cơ bản là viêm não tự miễn.


Bệnh viêm não tự miễn có thể gây ra trầm cảm
Bệnh viêm não tự miễn có thể gây ra trầm cảm

3. Nguyên nhân của bệnh viêm não tự miễn là gì?

Nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các trường hợp bệnh viêm não tự miễn cho đến nay vẫn chưa được hiểu biết hết. Tuy nhiên, những điều sau đây đã được chứng minh là có khả năng kích hoạt đến bệnh viêm não tự miễn:

  • Sự hiện diện của khối u quái (teratoma), thường được tìm thấy trong buồng trứng
  • Hội chứng tiền ung, có khả năng dẫn đến bệnh ung thư thực sự, gián tiếp kích hoạt phản ứng tự miễn dịch
  • Có tiếp xúc với một số vi khuẩn và virus phổ biến như streptococcus, mycoplasma gây viêm phổi và virus Herpes simplex.

Ngoài ra, viêm não tự miễn là đôi khi còn là một trong các biểu hiện của tổn thương đa cơ quan trong một số bệnh tự miễn bao gồm:


Viêm não tự miễn có liên quan đến một số bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ
Viêm não tự miễn có liên quan đến một số bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ

4. Cách chẩn đoán bệnh viêm não tự miễn

Việc chẩn đoán nhanh bệnh viêm não tự miễn sẽ cho phép bệnh nhân điều trị sớm và tích cực ngay từ đầu, cải thiện cơ hội phục hồi một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.

Trong thực hành lâm sàng, viêm não tự miễn là một bệnh lý phức tạp, thường đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều chuyên ngành y khoa để chẩn đoán và điều trị hiệu quả. Theo đó, trong một số trường hợp, việc chẩn đoán cho bệnh nhân mắc phải bệnh viêm não tự miễn có thể cần phải hội chẩn giữa một nhóm bác sĩ từ nhiều chuyên khoa khác nhau, bao gồm bác sĩ thần kinh, bác sĩ thấp khớp, bác sĩ tâm thần, miễn dịch học và những chuyên ngành khác nếu có tổn thương khác đi kèm.

Lúc này, ở những bệnh nhân có biểu hiện phù hợp với viêm não tự miễn, xét nghiệm thường được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán ban đầu là chụp cộng hưởng từ não có dùng thuốc tương phản, đo điện não đồ, phân tích máu và dịch não tủy để đánh dấu chất gây phản ứng viêm. Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt để tìm kiếm những kháng thể nhắm vào hệ thống miễn dịch để tấn công não gây viêm não. Những kháng thể này có thể hiện điện nên được tìm thấy cả trong máu và dịch não tủy. Chính vì thế, việc xét nghiệm cả hai bệnh phẩm này luôn là điều cần thiết.

Tuy nhiên, một kết quả xét nghiệm âm tính đối với các kháng thể tự miễn dịch cũng không giúp loại trừ bệnh viêm não tự miễn. Lý giải điều này là vì một tỷ lệ đáng kể các trường hợp bệnh viêm não tự miễn có thể do các kháng thể khác vẫn chưa được biết hết hoặc do các kháng thể đã biết mà xét nghiệm chẩn đoán chưa kịp xuất hiện trong bệnh phẩm. Mặc dù vậy, việc chẩn đoán vẫn không thể làm trì hoãn phác đồ điều trị, khi có thể giảm phần não bị tổn thương ở mức độ tối thiểu.


Điện não đồ được đưa vào chẩn đoán bệnh
Điện não đồ được đưa vào chẩn đoán bệnh

5. Các phương pháp điều trị viêm não tự miễn phổ biến hiện nay

Ngay khi một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bệnh viêm não tự miễn, họ sẽ được lên kế hoạch điều trị với một hoặc từ hai trong các phương pháp điều trị đầu tay như sau:

  • Tìm và cắt bỏ u quái nếu có vì đây có thể gây ra phản ứng tự miễn
  • Dùng liệu pháp steroid liều cao để giảm đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm
  • Thay huyết tương để loại bỏ các kháng thể có từ máu
  • Truyền globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch để tăng tốc độ trung hòa và loại bỏ kháng thể, ức chế sự gắn kết của các kháng thể gây hại và giảm phản ứng viêm với kháng thể.

Ngoài các phương pháp đầu tay như trên, nếu tình trạng bệnh nhân tiếp tục diễn tiến không thuận lợi hoặc mức độ bệnh đã nặng nề ngay từ đầu, việc phối hợp thêm các loại thuốc ức chế miễn dịch cùng với các liệu pháp nêu trên là cần thiết. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách giảm số lượng và chức năng của các tế bào miễn dịch gây viêm và tự miễn dịch. Ba loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Rituximab, CellCept và Cytoxan (cyclophosphamide).

Ngoài các cách điều trị nhắm trúng đích vào hệ thống tự miễn và các phản ứng viêm, người bệnh cũng cần được bổ sung các thuốc điều trị triệu chứng, đặc biệt là kích động và mất ngủ. Thuốc thường được kê đơn lúc này là nhóm benzodiazepin, với đại diện là Lorazepam dùng liều cao có thể mang lại hiệu quả đáng kể cho người bệnh. Mặc dù vậy, các thuốc điều trị triệu chứng sẽ thay đổi tùy thuộc vào những tổn thương trong bệnh viêm não tự miễn. Bởi lẽ, trước khi bắt đầu liệu pháp miễn dịch, những loại thuốc này ít cho thấy tính hữu ích mà lại gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. Trong khi đó, một khi quá trình viêm đang được kiểm soát dần dần, các nhóm thuốc này lại trở nên cần thiết để giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm não tự miễn cũng như tối đa hóa chức năng của bệnh nhân khi bệnh hồi phục, hạn chế các di chứng về lâu dài.

Tóm lại, vì là một bệnh lý phức tạp và hiếm gặp, bệnh viêm não tự miễn sẽ khó phát hiện từ đầu nếu không nghĩ đến. Việc tích cực thăm khám cũng như tiến hành các biện pháp chẩn đoán, nhất là tìm các kháng thể tự miễn trong máu và dịch não tủy, sẽ giúp bác sĩ sớm đưa ra các điều trị thích hợp. Từ đó, người bệnh sẽ có cơ hội hồi phục được các chức năng thần kinh cũng như bảo tồn chất lượng cuộc sống trong tương lai.

Để được tư vấn chi tiết về bệnh, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: gosh.nhs.uk; pennmedicine.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe