Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý đường tiêu hóa với các triệu chứng như ợ trớ, ợ nóng, nuốt khó... nguyên nhân bởi dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp dùng trong điều trị hỗ trợ cho bệnh lý này như thang thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản Y Học Cổ Truyền hay các kinh nghiệm dân gian tại Việt Nam giúp chữa trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc nam.
1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD – Gastroesophageal reflux disease) là một bệnh lý biểu hiện qua các triệu chứng và biến chứng trên thực quản do dịch vị dạ dày trào ngược quá mức gây nên.
Về mặt sinh lý, sau bữa ăn vẫn có một lượng ít dịch axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Tuy nhiên việc dịch vị, thức ăn... bị tống lên khối lượng lớn và kéo dài, lâu ngày sẽ làm các cấu trúc và hoạt động bảo vệ thực quản như cơ vòng thực quản trên, dưới và nhu động của thực quản bị suy yếu, dần dần hình thành nên bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Nguyên nhân của bệnh trào ngược dạ dày thực quản:
- Các cơ thắt thực quản bị giãn tạm thời hoặc liên tục.
- Các nhu động thực quản suy yếu, làm giảm khả năng đẩy các chất trào ngược từ dạ dày xuống dưới.
- Các phẫu thuật tại thực quản hoặc cấu trúc xung quanh thực quản.
- Bệnh nhân bị thoát vị hoành.
- Bệnh nhân có các bệnh lý làm tăng tiết axit ở dạ dày, ứ đọng thức ăn, tăng áp lực trong dạ dày hoặc ổ bụng hay chậm làm rỗng dạ dày.
- Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori - HP.
- Các vấn đề về tâm lý như lo lắng, căng thẳng, Stress...
- Dùng thuốc kháng viêm không Steroid (NSAIDs), các thuốc Steroid, Chẹn canxi, Aspirin, thuốc Chẹn Beta điều trị hen phế quản, Theophylline, Nitrin, một số loại thuốc chứa Hormon (Progesteron), thuốc kháng cholinergic, thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần...
- Sử dụng nhiều rượu bia, đồ uống có gas, hút thuốc lá.
- Người lười vận động hay hạn chế hoạt động thể lực.
- Người bị thừa cân, béo phì.
- Phụ nữ có thai.
- Tính chất di truyền.
2. Chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Triệu chứng lâm sàng
- Các triệu chứng tại thực quản như ợ nóng, ợ trớ, nuốt khó, rối loạn giấc ngủ nguyên nhân bắt nguồn từ các rối loạn tiêu hóa...
- Các triệu chứng ngoài thực quản như các cơn ho mãn tính, tình trạng hen phế quản, viêm thanh quản và viêm họng tái phát, viêm phổi thùy, viêm phổi do hít phải thức ăn hoặc dịch vị, chứng bào mòn răng, triệu chứng đau ngực không do tim...
Cận lâm sàng:
- Nội soi dạ dày tá tràng là một xét nghiệm xâm lấn giúp đánh giá niêm mạc thực quản và những biến chứng khác tại thực quản do bệnh (GERD).
- Chụp X-quang thực dạ dày thực quản có dùng thuốc cản quang giúp đánh giá các tổn thương như viêm loét thực quản, thủng thực quản, ung thư thực quản...
- Manometry thực quản là thủ thuật để đo áp lực nhu động thực quản.
- Đo pH trong 24 giờ : Ít dùng trên lâm sàng, chỉ dùng trong mục đích nghiên cứu.
- Test Bernstein.
- Mô bệnh học thực quản để chẩn đoán xác định tổn thương.
3. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản
3.1. Thuốc nam trị trào ngược dạ dày thực quản
Trên thực tế lâm sàng, trong các loại thuốc đông y trị trào ngược dạ dày thực quản, ngoài thuốc bắc đã được ghi nhận là có hiệu quả trong việc điều trị hỗ trợ cho bệnh lý này, các bài thuốc nam dựa theo kinh nghiệm dân gian tại Việt Nam cũng được cho là mang lại cho bệnh nhân những hiệu quả điều trị đáng kể.
Lá đu đủ: Hoạt chất trong lá đu đủ có tác dụng trung hòa hàm lượng axit trong dịch vị dạ dày. Thực hiện điều trị bằng lá đu đủ theo các bước sau :
- Nguyên liệu: 1 nắm lá đu đủ, muối và đường cát.
- Rửa sạch lá đu đủ với nước muối loãng, sau đó cho vào nồi hấp cách thủy cùng với ít đường.
- Chia hỗn hợp thu được thành 3 phần, ăn trước 3 bữa ăn trong ngày 30 phút.
- Sử dụng trong 7 ngày liên tiếp.
Nghệ tươi và mật ong: Hoạt chất Curcumin trong nghệ tươi có tác dụng ngăn chặn tình trạng viêm loét, bảo vệ niêm mạc và kiểm soát viêm nhiễm dạ dày. Thực hiện điều trị bằng nghệ tươi theo các bước sau:
- Nguyên liệu: 1 củ nghệ tươi và 1 muỗng mật ong.
- Cạo vỏ củ nghệ và rửa sạch, sau đó giã hoặc xay nhuyễn.
- Pha với khoảng 100 ml nước ấm kèm với 1 muỗng mật ong.
- Dùng hỗn hợp pha trước khi ăn 15 – 30 phút.
Húng tây: Hoạt chất trong lá húng tây có tác dụng cân bằng hàm lượng axit trong dịch vị dạ dày. Thực hiện điều trị bằng lá húng tây theo các bước sau:
- Nguyên liệu: Lá húng tây.
- Rửa sạch lá húng tây và ngâm với nước muối loãng trong 10 phút, sau đó vớt ra để khô ráo.
- Nhai trực tiếp khoảng 10 – 20 lá húng tây trước bữa ăn 15 phút, sử dụng liên tục trong ít nhất 2 tuần.
Tỏi và mật ong: Có tác dụng bảo vệ, đẩy lùi các vi khuẩn tấn công gây bệnh tại dạ dày thực quản. Thực hiện điều trị bằng tỏi và mật ong theo các bước sau :
- Nguyên liệu : 500 g tỏi, 300 ml mật ong nguyên chất.
- Bóc vỏ tỏi rồi đập dập sau đó dùng một bình thủy tinh để đựng tỏi và đổ mật ong lên trên.
- Đậy kín nắp và sử dụng hỗn hợp trên trong 3 tuần.
- Sử dụng liên tục 2 – 3 tép tỏi đã ngâm mật ong trước hoặc sau bữa ăn.
Hoắc hương: Hoạt chất trong hoắc hương có tác dụng kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt, bảo vệ thành dạ dày và thực quản khỏi các tác nhân gây hại, từ đó cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày. Thực hiện điều trị bằng hoắc hương theo các bước sau:
- Nguyên liệu: 30g hoắc hương, gạo nếp, 1 củ gừng và 1 nắm rau má
- Rửa sạch các thành phần trên xong để ráo.
- Đun sôi tất cả nguyên liệu với 1 lít nước cho đến khi nước giảm vào 200ml.
- Chia lượng thuốc thành 3 phần và uống sau khi ăn 30 phút.
- Sử dụng liên tục ít nhất 2 tuần.
Lá mơ: Các hoạt chất trong lá mơ có tác dụng sát khuẩn và giải độc, trung hòa axit trong dạ dày và bảo vệ hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Thực hiện điều trị bằng lá mơ theo các bước sau:
- Nguyên liệu: Lá mơ.
- Rửa sạch và để ráo sau đó bỏ vào cối giã hoặc máy xay sinh tố để xay nhuyễn.
- Lọc phần nước cốt lá mơ.
- Sử dụng trực tiếp hỗn hợp trên hoặc hấp cách thủy trước khi sử dụng.
- Sử dụng 2 lần mỗi ngày.
Vỏ cam: Có tác dụng giúp dễ tiêu hóa thức ăn, từ đó cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày hiệu quả. Thực hiện điều trị bằng vỏ cam theo các bước sau:
- Nguyên liệu: 10g vỏ cam phơi khô, gừng và đường nâu.
- Rửa sạch gừng, thái lát và đun sôi với vỏ cam khô, đường nâu và 500 ml nước lọc, cho đến khi còn khoảng 200ml thì dừng.
- Chia thành 3 phần bằng nhau rồi uống 3 lần mỗi ngày.
Lá trầu: Có tác dụng cân bằng và điều hòa nồng độ pH, làm lành tổn thương tại thực quản và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn gây ra tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Thực hiện điều trị bằng lá trầu theo các bước sau:
- Nguyên liệu : 10 lá trầu và 1 muỗng muối.
- Rửa sạch lá trầu và ngâm vào nước muối pha loãng.
- Đun lá trầu với 300 ml nước trong 15 phút.
- Lọc phần nước chứa hoạt chất lá trầu tiết.
- Sử dụng sau ăn 1 tiếng.
Lá khôi tía: Chứa các chất như Glucosid và Tanin có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, chữa lành tổn thương trong thành dạ dày thực quản và cân bằng hàm lượng axit trong dịch vị dạ dày. Thực hiện điều trị bằng lá khôi tía theo các bước sau:
- Nguyên liệu : Lá khôi tía
- Rửa sạch lá khôi tía tươi.
- Sau đó đun sôi cùng với 200 ml và uống thay nước hàng ngày.
Chuối xanh: Có tác dụng làm đầy lớp niêm mạc đường tiêu hóa, giảm tình trạng tổn thương và kháng viêm thực quản. Thực hiện điều trị bằng chuối xanh theo các bước sau:
- Nguyên liệu : 2 quả chuối xanh với 1 muỗng muối.
- Gọt sạch vỏ chuối, ngâm trong nước muối loãng sau đó vớt ra và để ráo nước.
- Cắt chuối thành từng lát mỏng, ngâm trong nước muối trong khoảng 15 phút.
- Ăn chuối ngâm kèm với cơm từ 3 – 4 lần mỗi tuần.
Lá dạ cẩm: Có tác dụng thanh nhiệt, giảm đau, giải độc và tiêu viêm. Thực hiện điều trị bằng lá dạ cẩm theo các bước sau:
- Nguyên liệu: Lá dạ cẩm tươi.
- Rửa sạch lá dạ cẩm, để ráo và cắt nhỏ.
- Cho lá dạ cẩm đun sôi cùng 1 lít nước cho đến khi cạn còn 200 ml.
- Uống hỗn dịch sau khi đun sôi 2 – 3 lần trong ngày, trước bữa ăn 30 phút.
Cam thảo: Có chứa Deglycyrrhizinated (DGL) có tác dụng kích thích sản xuất chất nhờn, từ đó hạn chế tổn thương tới niêm mạc thực quản do axit dạ dày gây ra. Thực hiện điều trị bằng cam thảo theo các bước sau:
- Nguyên liệu: 5g bột cam thảo.
- Hòa bột cam thảo với 100ml nước lọc và uống trước bữa ăn 20 – 30 phút, mỗi ngày 1 lần.
Nha đam: Có hoạt chất oxy hóa giúp chống viêm và ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do, từ đó bảo vệ niêm mạc dạ dày. Thực hiện điều trị bằng nha đam theo các bước sau:
- Nguyên liệu: 5 nhánh nha đam, 5ml mật ong và 1 muỗng muối.
- Gọt sạch vỏ của nha đam và ngâm với nước muối loãng trong 10 phút.
- Giã hoặc xay nhuyễn nha đam đã gọt vỏ với mật ong.
- Thêm 500ml nước ấm vào hỗn hợp và bảo quản trong tủ lạnh.
- Sử dụng hỗn hợp trên 2 muỗng mỗi ngày.
Hạt thì là: Chứa hoạt chất Anetholi giúp giảm co bóp dạ dày, giảm đau và ngăn ngừa trào ngược dạ dày thực quản. Thực hiện điều trị bằng hạt thì là theo các bước sau:
- Cách 1: Dùng lá thì là rửa sạch với nước muối, nhai trực tiếp sau khi ăn bữa trưa và tối.
- Cách 2: Dùng 100g hạt thì là đun sôi với 500ml nước lọc trong 2 – 5 phút. Uống 3 lần mỗi ngày trước bữa ăn 30 phút.
Lá ổi: Có chứa các hoạt chất như Flavonoid, Saponin, Tanin... có tác dụng kháng khuẩn và kháng viêm tại đường tiêu hóa. Thực hiện điều trị bằng lá ổi theo các bước sau :
- Nguyên liệu : 50g lá ổi, 200g gạo lứt, 500ml nước lọc.
- Rửa sạch lá ổi và để ráo.
- Cắt nhỏ lá ổi và xào đều cùng gạo lứt trên chảo.
- Cho thêm 500 ml nước lọc, đun nhỏ lửa cho đến khi nước sôi.
- Lọc phần nước cốt và sử dụng khi còn ấm.
Hoa cúc: Có tác dụng trung hòa acid dạ dày, giảm co thắt đường tiêu hóa, từ đó giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Đồng thời hoa cúc còn có tác dụng giảm mệt mỏi căng thẳng, an thần và cải thiện tình trạng mất ngủ. Thực hiện điều trị bằng hoa cúc theo các bước sau:
- Nguyên liệu : 5 – 6 bông hoa cúc loại nhỏ.
- Rửa sạch và sấy khô hoặc phơi khô.
- Pha nước trà nóng và ngâm hoa cúc trong 5 phút trước khi sử dụng
- Sử dụng khi nước còn ấm trước khi đi ngủ 30 – 60 phút.
3.2. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản bằng thuốc tây y
- Thuốc ức chế bơm Proton (PPI);
- Thuốc trung hòa Acid và Alginate;
- Thuốc kháng thụ thể Histamin H2;
- Thuốc tác dụng trên chức năng vận động thực quản (Prokinetics).
3.3. Điều trị ngoại khoa
Sử dụng các phương pháp như nội soi can thiệp khâu cơ thắt dưới thực quản, phẫu thuật tạo hình bằng phương pháp Nissen, Thiết bị từ tính để thắt cơ vòng thực quản... được chỉ định khi khi bệnh nhân không muốn dùng thuốc trong thời gian dài hoặc bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa.
3.4. Điều trị không dùng thuốc
Hiện nay, ngoài việc sử dụng các loại dược phẩm hay thủ thuật xâm lấn để điều trị, các phương pháp điều trị không dùng thuốc cũng được xem như một cách hỗ trợ giúp làm giảm trào ngược dạ dày thực quản.
Thay đổi chế độ ăn:
- Duy trì cân nặng ở mức thích hợp.
- Hạn chế các món ăn hoặc trái cây có vị chua, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo...
- Kiêng sử dụng các thức uống có gas, bia rượu, cà phê ...
- Chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Không sử dụng lượng thức ăn quá nhiều trong một bữa ăn.
- Không nằm ngay sau khi ăn.
Thay đổi lối sống:
- Kê đầu cao khi ngủ hoặc dùng các loại gối chống trào ngược khi nằm.
- Không mặc các loại quần áo quá chật.
- Hạn chế sử dụng thuốc lá.
- Luyện tập Yoga, ngồi thiền, nghe nhạc thư giãn...
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
- Tránh lo âu, suy nghĩ tiêu cực, lo lắng, căng thẳng, Stress...
Hiện nay có rất nhiều phương pháp từ đông y đến tây y dùng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, việc lựa chọn các bài thuốc nam cũng cho thấy hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý này. Tuy vậy, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị, bệnh nhân hoặc người nhà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng bất kỳ liệu pháp chữa bệnh nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.