Bà mẹ tập thể dục khi mang thai giúp cải thiện sự trao đổi chất của trẻ

Một nghiên cứu mới đã chứng minh rằng mẹ tập thể dục khi mang thai giúp cải thiện sự trao đổi chất của trẻ. Ngay cả khi mẹ bị béo phì hoặc có một chế độ ăn nhiều chất béo. Việc vận động thể chất của người mẹ sẽ khiến nhau thai tiết ra protein quan trọng SOD3, dẫn đến giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cho con cái.

1. Những nguy cơ bà mẹ ảnh hưởng tới sự trao đổi chất của trẻ

Theo nghiên cứu cho thấy tình trạng béo phì ở bà mẹ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đang gia tăng. Trong nghiên cứu nhận thấy hơn 30% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở các nước phương Tây và châu Á được xếp vào nhóm béo phì.

Trẻ em được sinh ra từ bà mẹ mắc bệnh béo phì hoặc bà mẹ mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn rất nhiều so với những trẻ khác, ngay cả sau khi tiếp tục sống khỏe mạnh.

Một yếu tố có thể liên quan đó là: Sự methyl hóa histone đóng một vai trò cơ bản trong quá trình tạo ra sự thay đổi có tính di truyền đối với các chuỗi DNA. Nhóm metyl (-CH3) gắn vào một axit amin ở đuôi của protein histone bọc DNA, gây ra kích hoạt biểu hiện gen hoặc khi ức chế nó. Khi người mẹ ăn một chế độ ăn nhiều chất béo, chất này bị giảm trong gan của thai nhi và từ đó làm cản trở sự biểu hiện của các gen giúp chuyển hóa glucose, tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2.

Như vậy, người mẹ béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ và mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi mang thai ảnh hưởng lớn tới sự chuyển hóa chất của trẻ ngay từ khi trong bụng mẹ.

Cứ như vậy nó tạo ra một chu kỳ của béo phì, đái tháo đường tuýp 2 với mẹ và với trẻ em.

2. Tập thể dục khi mang thai có liên hệ thế nào với sự trao đổi chất của trẻ?

Một nhóm nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh mối quan hệ giữa việc tập thể dục ở phụ nữ mang thai và những lợi ích của nó với sức khỏe trao đổi chất của con cái.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra chất superoxide dismutase 3 (SOD3) có nguồn gốc từ nhau thai đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra những lợi ích của việc tập thể dục của mẹ cho con cái. Dựa trên điều này, nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu một số cách ngăn chặn các tác động tiêu cực của bệnh béo phì và bệnh tiểu đường truyền từ mẹ sang con. Qua đó phát hiện ra rằng SOD3 ức chế các bất thường do chế độ ăn giàu chất béo gây ra trong quá trình chuyển hóa glucose của trẻ.

Một số tác động tích cực khác của việc tập thể dục đối với sự trao đổi chất bao gồm:

  • Tập thể dục giúp duy trì mức insulin ổn định và chỉ số khối cơ thể, giúp bảo vệ khối lượng não.
  • Những tác hại của chế độ ăn nhiều chất béo của bà mẹ đối với sự trao đổi chất của con cái sẽ bị đảo ngược khi bà mẹ tập thể dục.

Như vậy tập thể dục là một việc vừa đơn giản, tiết kiệm chi phí, lại mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ bầu và thai nhi. Cho nên, qua nghiên cứu này các nhà khoa học khuyến khích các bà mẹ nên tập thể dục để có thể giúp đẩy lùi tỷ lệ béo phì và tiểu đường tuýp 2 đáng báo động trên toàn cầu.

3. Các bài tập thể dục cho bà bầu

Tập thể dục được coi là việc mang lại lợi ích cho hầu hết mọi đối tượng, kể cả bà bầu và thai nhi. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên lựa chọn các bài tập phù hợp, vì có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của thai nhi trong bụng mẹ. Cho nên hạn chế tập trong 3 tháng đầu thai kỳ và nên tập lại từ sau 20 tuần. Một số bài tập có thể lựa chọn bao gồm:

  • Đi bộ: Đây là bài tập thể dục cho bà bầu nhẹ nhàng, hiệu quả mà lại dễ thực hiện. Khi đi bộ, bà bầu cần đi tăng dần và chú ý tới các dấu hiệu cơ thể.
  • Bơi lội: Đây được xem là một môn thể thao lý tưởng cho mẹ bầu. Bơi lội vừa giúp tác động tới toàn bộ cơ thể, lại giảm thiểu tác động trọng lực lên khớp, giảm tổn thương khớp.
  • Yoga: Yoga là một liệu pháp tuyệt vời để duy trì hoạt động trong thai kỳ. Hoạt động này nhẹ nhàng, ít tác động, mang lại nhiều lợi ích về cả thể chất và tinh thần cho mẹ bầu. Bạn nên có một người hướng dẫn tập yoga cho bà bầu, để tránh những tư thế sai hay vận động quá mức gây ảnh hưởng tới thai nhi.
  • Đạp xe: Đây cũng là bài tập mà bà bầu có thể thực hiện trong khi mang thai. Nếu như trước đây mẹ bầu cũng quen với việc đạp xe để tập thể dục thì có thể tiếp tục thực hiện việc này. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ té ngã nên mẹ bầu cần hết sức cẩn thận.
  • Tự tập một số động tác tự chọn và động tác thư giãn cơ bản. Các bài tập có thể gồm bài hít thở, bài tập giãn cơ.

Lưu ý nên tránh những bài tập hoặc những môn thể thao nguy hiểm, có nguy cơ tai nạn và rủi ro cao như đá bóng, bóng rổ...Ngoài ra, bạn luôn theo dõi cơ thể của mình để biết sự chịu đựng của bản thân. Không nên thực hiện các bài tập quá mức, tránh gây ra tăng co bóp cơ tử cung và tăng nguy cơ sinh non.

Tập thể dục khi mang thai có thể mang lại nhiều lợi ích cho thai nhi. Đặc biệt là sự trao đổi chất của trẻ, giúp phòng ngừa nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2 ở trẻ sau này. Vì vậy, bạn hãy thực hiện những bài tập thể dục phù hợp với bản thân để nâng cao sức khoẻ và giúp giảm ảnh hưởng của các yếu tố từ mẹ tới thai nhi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe