Mặc dù thuật ngữ folate và axit folic thường được sử dụng thay thế cho nhau, hai loại vitamin này có rất nhiều điểm khác biệt. Axit folic tổng hợp khác về cấu trúc với folate và có tác dụng sinh học khác nhau trong cơ thể.
1. Axit Folic là gì?
Axit folic là một loại vitamin tổng hợp, hòa tan trong nước được sử dụng phổ biến trong các chất bổ sung và thực phẩm tăng cường. Nó có một phiên bản nhân tạo của folate, một loại vitamin B tự nhiên có trong nhiều loại thực phẩm.
Axit Folic là một dạng folate nhân tạo, vì vậy cần được hấp thụ thông qua chế độ ăn uống. Cả hai loại vitamin này đều được coi là cần thiết để góp phần vào một chế độ ăn uống đầy đủ. Folate được tìm thấy trong một số thực phẩm động vật và thực vật, bao gồm rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, quả bơ, trái cây họ cam quýt, trứng và gan bò.
Mặt khác, axit folic được thêm vào các loại thực phẩm như bột mì, ngũ cốc ăn sáng và bánh mì. Axit folic cũng được bán ở dạng cô đặc trong thực phẩm bổ sung.
Cơ thể con người cần Axit folic cho nhiều các chức năng hoạt động bao gồm:
- Tổng hợp, phục hồi và methyl hóa - bổ sung một nhóm methyl - DNA
- phân chia tế bào
- Chuyển đổi homocysteine thành methionine, một loại axit amin được sử dụng để tổng hợp protein hoặc chuyển đổi thành S-adenosylmethionine (SAMe), một hợp chất hoạt động như một chất cung cấp methyl chính trong cơ thể và cần thiết cho nhiều phản ứng tế bào
- Cấu tạo và phát triển hồng cầu
Tương tự, folate cũng có ảnh hưởng đến một số quá trình trao đổi chất quan trọng. Sự thiếu hụt folate gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm thiếu máu megaloblastic, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, một số bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.
Thiếu folate có nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Chế độ ăn uống kém
- Mắc bệnh hoặc phẫu thuật ảnh hưởng đến sự hấp thụ folate trong hệ thống tiêu hóa, bao gồm bệnh celiac, cắt dạ dày và hội chứng ruột ngắn
- Achlorhydria hoặc hypochlorhydria (không có hoặc có lượng axit dạ dày thấp)
- Sử dụng thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ folate, bao gồm methotrexate và sulfasalazine
- Nghiện rượu
- Thai kỳ
- Thiếu máu
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, yêu cầu các sản phẩm ngũ cốc được tăng cường axit folic để giảm tỷ lệ thiếu hụt folate.
Điều này do thiếu hụt folate là một tình trạng phổ biến ở một nhóm dân số, bao gồm cả người lớn tuổi và phụ nữ mang thai.
2. Liều lượng
Trữ lượng folate trong cơ thể nằm trong khoảng từ 10 đến 30mg, phần lớn được lưu trữ trong gan, trong khi lượng còn lại được lưu trữ trong máu và các mô. Nồng độ folate trong máu bình thường trong khoảng từ 5 đến 15 ng / mL. Dạng chính của folate trong máu được gọi là 5-methyltetrahydrofolate.
Axit folic tổng hợp được cho là có khả năng hấp thụ 100% khi được tiêu thụ trong lúc đói, trong khi axit folic có trong thực phẩm tăng cường được cho là chỉ có khả năng hấp thụ 85%. Folate tự nhiên có khả năng hấp thụ thấp hơn nhiều khoảng 50%.
Khi dùng ở dạng bổ sung, 5-methyltetrahydrofolate có cùng hoặc cao hơn khả dụng sinh học so với sản phẩm bổ sung axit folic. Do sự thay đổi trong hấp thụ này, DFE- đơn vị đo lường sự khác biệt giữa khả năng hấp thụ của axit folic và folate; được phát triển theo phương trình sau:
1 mcg DFEs = 1 mcg folate thực phẩm tự nhiên = 0,5 mcg axit folic được dùng dưới dạng bổ sung = 0,6 mcg axit folic từ thức ăn
Người trưởng thành cần khoảng 400 mcg DFE folate mỗi ngày để bổ sung lượng folate đầy đủ hàng ngày. Phụ nữ có thai và phụ nữ cho con bú có nhu cầu folate cao hơn và cần phải uống lần lượt 600 mcg và 500 mcg DFE folate mỗi ngày.
Khuyến nghị được đưa ra cho trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên như sau:
- Trẻ sơ sinh đến 6 tháng: 65 mcg DFE
- 7 đến 12 tháng: 80 mcg DFE
- 1 đến 3 tuổi: 150 mcg DFE
- 4 đến 8 tuổi: 200 mcg DFE
- 9 đến 13: 300 mcg DFE
- 14 đến 18: 400 mcg DFE
3. Tác dụng của Axit Folic
3.1 Phòng ngừa dị tật bẩm sinh và biến chứng thai kỳ
Một trong những ứng dụng phổ biến nhất của axit folic và folate là ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, cụ thể là dị tật ống thần kinh, bao gồm tật nứt đốt sống và bệnh não - khi trẻ được sinh ra mà thiếu bộ phận của não hoặc hộp sọ.
Tình trạng folate của người mẹ là một yếu tố dự báo nguy cơ dị tật ống thần kinh, dẫn đến các chính sách y tế trên nhiều quốc gia đưa ra khuyến nghị về việc bổ sung axit folic cho phụ nữ đang hoặc có thể mang thai.
Ví dụ, Lực lượng đặc nhiệm Dịch vụ phòng ngừa Hoa Kỳ, một nhóm chuyên gia độc lập về phòng chống dịch bệnh quốc gia, khuyến nghị tất cả phụ nữ đang có kế hoạch mang thai hoặc có khả năng mang thai bổ sung hàng ngày từ 400 đến 800 mcg axit folic, bắt đầu ít nhất 1 tháng trước khi mang thai và tiếp tục trong 2 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Bổ sung axit folic được quy định cho phụ nữ mang thai để ngăn ngừa dị tật thai nhi và cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thai kỳ, bao gồm tiền sản giật.
3.2 Điều trị thiếu hụt Folate
Thiếu folate có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm ăn uống không đầy đủ, phẫu thuật, mang thai, nghiện rượu và các bệnh kém hấp thu. Thiếu hụt có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm thiếu máu megaloblastic, dị tật bẩm sinh, suy yếu tinh thần, suy giảm chức năng miễn dịch và trầm cảm. Cả axit folic và chất bổ sung folate đều được sử dụng để điều trị thiếu hụt folate.
3.3 Tăng cường chức năng não
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ folate trong máu thấp có liên quan đến chức năng não kém và tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và tăng nguy cơ suy yếu tinh thần ở người cao tuổi. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung axit folic có thể cải thiện chức năng não ở những người bị suy yếu tâm thần và giúp điều trị bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu năm 2019 ở 180 người trưởng thành bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI) đã chứng minh rằng việc bổ sung 400mcg axit folic mỗi ngày trong 2 năm giúp cải thiện đáng kể các chức năng não, bao gồm chỉ số IQ bằng lời nói và giảm nồng độ của một số protein liên quan đến sự phát triển và tiến triển bệnh Alzheimer.
Một nghiên cứu khác ở 121 người mắc bệnh Alzheimer mới được chẩn đoán đang điều trị bằng thuốc donepezil cho thấy những người dùng 1.250 mcg axit folic mỗi ngày trong 6 tháng đã cải thiện khả năng nhận thức và giảm các dấu hiệu viêm, so với những người dùng donepezil.
3.4 Trị bệnh trầm cảm
Những người bị trầm cảm đã được chứng minh là có lượng folate trong máu thấp hơn những người không bị trầm cảm. Các nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic và folate có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm khi được sử dụng kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
Một tổng quan hệ thống đã chứng minh rằng, khi được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm, điều trị bằng các chất bổ sung dựa trên folate, bao gồm axit folic và methyloliate, có tác dụng làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm, so với việc chỉ dùng thuốc chống trầm cảm.
Hơn nữa, một kết quả dựa trên 7 nghiên cứu cho thấy điều trị bằng các chất bổ sung dựa trên folate cùng với thuốc chống loạn thần dẫn đến giảm nhiều hơn các triệu chứng tiêu cực ở những người bị tâm thần phân liệt, so với chỉ dùng thuốc chống loạn thần.
3.5 Giảm nguy cơ bệnh tim
Bổ sung các chất bổ sung folate, bao gồm axit folic, có thể giúp cải thiện sức khỏe tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Tăng nồng độ axit amin homocysteine có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
Nồng độ homocysteine trong máu được xác định bởi cả hai yếu tố dinh dưỡng và di truyền. Folate đóng vai trò chính trong quá trình chuyển hóa homocysteine và nồng độ folate thấp có thể góp phần vào mức homocysteine cao, được gọi là hyperhomocystein. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine và nguy cơ mắc bệnh tim.
Ví dụ, một đánh giá dựa trên 30 nghiên cứu và hơn 80.000 người đã chứng minh rằng bổ sung axit folic giúp giảm 4% nguy cơ mắc bệnh tim nói chung và giảm 10% nguy cơ đột quỵ.
Hơn nữa, bổ sung axit folic có thể giúp giảm huyết áp, một yếu tố gây ra bệnh tim được biết đến phổ biến. Ngoài ra, bổ sung axit folic đã được chứng minh là cải thiện lưu lượng máu, có thể giúp cải thiện chức năng tim mạch.
3.6 Các lợi ích khác
Bổ sung axit folic cũng có liên quan đến các lợi ích sau:
- Bệnh tiểu đường. Các chất bổ sung folate có thể giúp cải thiện kiểm soát lượng đường trong máu, giảm kháng insulin và tăng cường chức năng tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường. Những chất bổ sung này cũng có thể giúp giảm các biến chứng tiểu đường, bao gồm cả bệnh thần kinh
- Khả năng sinh sản. Lượng bổ sung folate hơn 800 mcg mỗi ngày có liên quan đến tỷ lệ thành công cao hơn ở phụ nữ trải qua công nghệ hỗ trợ sinh sản. Folate đầy đủ cũng rất cần thiết cho chất lượng noãn bào.
- Viêm. Bổ sung axit folic và folate đã được chứng minh là làm giảm các dấu hiệu viêm, bao gồm protein phản ứng C (CRP), ở các quần thể khác nhau, bao gồm cả phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và trẻ em bị động kinh.
- Giảm tác dụng phụ của thuốc. Các chất bổ sung dựa trên folate có thể giúp giảm tỷ lệ tác dụng phụ liên quan đến việc sử dụng một số loại thuốc, bao gồm methotrexate, một loại thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến và một số bệnh ung thư.
- Bệnh thận. Do chức năng thận bị suy giảm, chứng tăng cholesterol máu xảy ra ở hơn 80% những người mắc bệnh thận mãn tính. Bổ sung axit folic có thể giúp giảm mức homocysteine và nguy cơ mắc bệnh tim trong dân số này.
4. Gen đa hình và hàm lượng Folate
Một số người có các biến thể di truyền ảnh hưởng đến cách họ chuyển hóa folate. Đa hình di truyền trong các enzyme chuyển hóa folate, chẳng hạn như methylenetetrahydrofolate reductase (MTHFR), có thể ảnh hưởng đến sức khỏe bằng cách can thiệp vào nồng độ folate trong cơ thể.
Một trong những biến thể phổ biến nhất là C677T. Những người có biến thể C677T có hoạt động enzyme thấp hơn. Như vậy, họ có thể có mức homocysteine tăng cao, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Những người bị thiếu MTHFR nghiêm trọng có thể tạo ra 5-methyltetrahydrofolate, dạng folate có hoạt tính sinh học và có thể có mức folate cực thấp. Ngoài C677T, còn có nhiều biến thể khác ảnh hưởng đến chuyển hóa folate, bao gồm MTRR A66G, MTHFR A1298C, MTR A2756G và FOLH1 T484C. Những biến thể này cũng có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đau nửa đầu, trầm cảm, sảy thai, lo lắng và một số bệnh ung thư.
Tỷ lệ biến thể di truyền ảnh hưởng đến chuyển hóa folate khác nhau tùy thuộc vào dân tộc và vị trí địa lý. Ví dụ, đột biến C677T phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Ấn Độ, Mestizo và người Hán Trung Quốc. Điều trị được đề nghị thường bao gồm bổ sung 5-methyltetrahydrofolate hoạt tính sinh học và các vitamin B khác.
5. Axit Folic và phụ nữ mang thai
Folate đóng vai trò thiết yếu trong sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Ví dụ, nó cần thiết cho sự phân chia tế bào và phát triển mô. Đây là lý do tại sao việc duy trì mức folate tối ưu là quan trọng cả trước và trong khi mang thai. Từ những năm 1990, bột và các loại lương thực khác đã được bổ sung axit folic dựa trên kết quả nghiên cứu liên quan đến tình trạng folate thấp ở phụ nữ mang thai gây ra nguy cơ dị tật ống thần kinh ở trẻ em.
Ngoài tác dụng bảo vệ chống lại dị tật bẩm sinh, bổ sung axit folic khi mang thai có thể cải thiện sự phát triển thần kinh và chức năng não ở trẻ em, cũng như bảo vệ chống lại rối loạn phổ tự kỷ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã kết luận rằng lượng axit folic cao và nồng độ axit folic không được chuyển hóa cao trong máu có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh và tăng nguy cơ tự kỷ.
Folate cũng rất quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và việc bổ sung axit folic đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ biến chứng liên quan đến thai kỳ, bao gồm tiền sản giật. Ngoài ra, nồng độ folate của mẹ cao có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ sinh non.
Lượng folate khuyến nghị cho phụ nữ khi mang thai là 600 mcg DFE.
6. Lưu ý và tác dụng phụ
6.1 Axit Folic không chuyển hóa
Như đã đề cập ở trên, do sự khác biệt trong quá trình trao đổi chất, chỉ một lượng lớn axit folic thông qua thực phẩm tăng cường hoặc chất bổ sung có thể dẫn đến nồng độ axit folic không được chuyển hóa trong máu cao.
Ăn thực phẩm giàu folate hoặc dùng các dạng folate tự nhiên, chẳng hạn như 5-methyltetrahydrofolate, không dẫn đến nồng độ axit folic trong máu quá cao. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy nồng độ axit folic ở cơ thể mẹ cao có giảm nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và cải thiện kết quả tinh thần ở trẻ em, những nghiên cứu khác lại chứng minh nồng độ axit folic không được chuyển hóa cao trong máu có thể tăng nguy cơ tự kỷ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh của trẻ.
Một nghiên cứu gần đây trên 200 bà mẹ cho thấy những bà mẹ có nồng độ folate trong máu cao hơn ở tuần thai thứ 14 có nhiều khả năng sinh con bị rối loạn phổ tự kỷ (ASD). Các nhà nghiên cứu đã phát hiện axit folic không được chuyển hóa ở một số lượng lớn phụ nữ có con mắc ASD, so với những phụ nữ có con không mắc ASD. Điều này cho thấy rằng bổ sung axit folic vào khoảng tuần thứ 14 của thai kỳ là phổ biến hơn ở những phụ nữ có con sau này bị ASD. Tuy vậy, axit folic không được chuyển hóa không được tìm thấy trong máu của những người dùng dưới 400 mcg mỗi ngày.
6.2 Thiếu hụt Vitamin B12
Một nguy cơ khác của việc sử dụng axit folic liều quá cao là có thể khiến người dùng không nhận thấy thiếu hụt vitaminB12.
Điều này là do dùng liều lượng lớn axit folic có thể điều trị bệnh thiếu máu megaloblastic, một tình trạng đặc trưng bởi việc sản xuất các tế bào hồng cầu lớn, bất thường, kém phát triển mà bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 gây ra.
Tuy nhiên, bổ sung axit folic không điều chỉnh được tổn thương thần kinh xảy ra khi thiếu vitamin B12. Vì lý do này, thiếu vitamin B12 có thể không được chú ý cho đến khi các triệu chứng thần kinh có khả năng không hồi phục xuất hiện.
6.3 Các lưu ý khác
Ngoài các tác dụng phụ tiềm ẩn được liệt kê ở trên, có một số rủi ro khác liên quan đến việc dùng axit folic liều cao:
- Nguy cơ ung thư. Một đánh giá trên 10 nghiên cứu cho thấy sự gia tăng đáng kể tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở những người dùng bổ sung axit folic.
- Suy sụp tinh thần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic liều cao có thể dẫn đến suy giảm tinh thần nhanh chóng ở người cao tuổi với mức vitamin B12 thấp.
- Giảm chức năng miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic liều cao có thể ức chế chức năng miễn dịch bằng cách giảm hoạt động của các tế bào miễn dịch.
7. Cách sử dụng Axit Folic
Như đã đề cập ở trên, liều lượng khuyến cáo cho axit folic là 400 mcg DFE mỗi ngày cho người lớn, 600 mcg DFE cho phụ nữ mang thai và 500 mcg DFE cho phụ nữ cho con bú.
Mặc dù hàm lượng này có thể được đáp ứng thông qua chế độ ăn hằng ngày, nhưng sử dụng sản phẩm bổ sung là một cách thuận tiện để đáp ứng nhu cầu folate cho nhiều người, đặc biệt là những người có nguy cơ thiếu hụt, bao gồm cả phụ nữ mang thai và người lớn tuổi. Folate và axit folic có thể được tìm thấy ở nhiều dạng và thường được thêm vào các chất bổ sung đa dinh dưỡng, bao gồm vitamin tổng hợp và vitamin B tổng hợp. Liều lượng rất khác nhau, nhưng hầu hết các chất bổ sung đều cung cấp khoảng 680 đến 1.360 mcg DFE (400 đến 800 mcg axit folic).
UL cho folate tổng hợp trong thực phẩm bổ sung và thực phẩm tăng cường như sau
- Người trưởng thành: 1000 mcg
- 14 đến 18 tuổi: 800 mcg
- 9 đến 13 tuổi: 600 mcg
- 4 đến 8 tuổi: 400 mcg
- 1 đến 3 tuổi: 300 mcg
Hơn nữa, Bổ sung folate có thể tương tác với một số loại thuốc thường được kê đơn, bao gồm:
- Methotrexate. Methotrexate là một loại thuốc dùng để điều trị một số bệnh ung thư và các bệnh tự miễn.
- Thuốc trị động kinh. Axit folic có thể can thiệp với thuốc chống động kinh, chẳng hạn như Dilantin, Carbatrol và Depacon.
- Sulfasalazine. Sulfasalazine được sử dụng để điều trị viêm loét đại tràng.
Nếu người dùng đang trong quá trình sử dụng một trong những loại thuốc được liệt kê ở trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung axit folic.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo: Healthline.com