Axit béo là gì? Các loại axit béo no, chưa no thường gặp

Kiểm soát chế độ dinh dưỡng đặc biệt là các chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng lượng cho các hoạt động hằng ngày, giữ gìn vóc dáng cân đối và đặc biệt là duy trì cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết axit béo là gì? Axit béo có mấy loại? Và axit béo thường gặp.

1. Axit béo là gì?

Axit béo là chất nào? Là thắc mắc của rất nhiều người đang gặp vấn đề về việc sử dụng các loại chất béo. Axit béo là một trong những phân tử của những chuỗi dài axit béo carboxylic có trong chất béo, dầu ăn và trong màng tế bào với vai trò là 1 thành phần của các phospholipid và glycolipid. (Axit cacboxylic là một axit hữu cơ có chứa nhóm chức -COOH).

Axit béo có nguồn gốc từ những chất béo từ động thực vật và các loại dầu ăn. Axit béo giữ vai trò bên ngoài cơ thể; chúng được sử dụng như chất bôi trơn, trong kỹ thuật chế biến thực phẩm và trong sản xuất xà phòng, chất tẩy rửa và mỹ phẩm.

Các loại chất béo liên quan mật thiết đến sức khoẻ con người thường được đề cập đến là các loại axit béo (axit béo no, không no có nhiều nối đôi, các axit béo dạng trans), và cholesterol.


Axit béo có trong chất béo, dầu ăn và trong màng tế bào
Axit béo có trong chất béo, dầu ăn và trong màng tế bào

  • Khuyến nghị đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là các axit béo no không được vượt quá 10% năng lượng khẩu phần. Để làm được điều này, có thể tăng cường sử dụng các loại dầu thực vật và hạn chế tiêu thụ các loại mỡ động vật.
  • Các axit béo chưa no (như axit linoleic, linolenic, decosahexaenoic và các axit béo chưa no khác) phải đảm bảo cung cấp 11-15% năng lượng. Để đạt được điều này, cần tăng cường tiêu thụ các loại dầu thực vật và cá mỡ.

2. Phân loại axit béo

a. Axit béo no

Chủ yếu nằm trong thành phần mỡ động vật, các axit béo có trọng lượng phân tử cao (stearic, arachic, palmitic..) ở thể rắn. Các axit béo có trọng lượng phân tử thấp (butyric, caprinic..) ở thể lỏng, trọng lượng phân tử càng cao thì nhiệt độ tan chảy càng cao.

Giá trị sinh học của các axit béo no kém hơn các axit béo chưa no do chúng có tác dụng không tốt đối với chuyển hoá mỡ, chức phận và tình trạng gan và cả vai trò của chúng trong phát triển bệnh xơ vữa động mạch.

Axit béo no có mối liên quan dương tính với nồng độ cholesterol máu cũng như tỷ lệ mắc bệnh vành tim. Nhiều nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra rằng thành phần chất béo và số lượng cholesterol của khẩu phần ăn có tác dụng tới sự thay đổi cholesterol máu.

Những bằng chứng dịch tễ học cho thấy chế độ ăn nhiều chất béo, axit béo no và cholesterol thì có liên quan với tổng yếu tố đông máu số VII và fibrinogen, những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong hình thành cục máu đông, và được xem là yếu tố nguy cơ của vữa xơ động mạch.


Axit béo no và cholesterol là một trong những nguyên nhân hình thành cục máu đông
Axit béo no và cholesterol là một trong những nguyên nhân hình thành cục máu đông

b. Axit béo chưa no

Các axit béo chưa no hiện diện rộng rãi trong chất béo ăn, đặc biệt là các loại dầu thực vật đây là loại axit béo thường gặp. Các axit béo chưa no một, hai hoặc ba nối đôi hay gặp nhiều trong thành phần thức ăn. Những chất béo có hoạt tính sinh học cao là các chất béo chứa các axit béo có từ hai nối đôi trở lên trong thành phần của nó.

Mỡ cá và động vật sống ở biển thường có nhiều axit béo nhiều nối đôi. Các axit béo chưa no rất nhạy với phản ứng oxi hoá và phản ứng liên kết nên thường không bền vững. Đồng thời thông qua các phản ứng này, các axit béo chưa no chuyển thành các axit béo no và trở nên rắn.

Axit béo chưa no, một nối đôi:

  • Axit béo chưa no một nối đôi có thể sử dụng linh hoạt trong khi xây dựng chế độ ăn vì chúng có thể dùng thay thế axit béo no, glucid hoặc cung cấp năng lượng thay cho cả hai.
  • Hiện tại axit béo chưa no có một nối đôi được quan tâm nhiều vì khi chế độ ăn có nhiều axit béo chưa no có một nối đôi (có nghĩa là thấp axit béo no và cholesterol) sẽ dẫn đến giảm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol, triglycerid và hạn chế tới mức thấp nhất sự giảm HDL- cholesterol.

Axit béo chưa no có nhiều nối đôi:

  • Axit béo Omega 3: Axit béo omega 3 (n=3) thường ở dạng như Eicosapentaenoic (EPA) và Docosahexaenoic (DHA) trong các thức ăn có nguồn gốc động vật (các loại cá, dầu cá). Các axit béo omega 3 nguồn gốc thực vật (axit alpha linolenic -ALA) cũng có tác dụng tốt đối với bệnh tim mạch.

Axit béo Omega 3 có tác dụng tốt đối với các bệnh về tim mạch
Axit béo Omega 3 có tác dụng tốt đối với các bệnh về tim mạch
  • Axit béo Omega 6: Cũng là các axit béo chưa no, gồm: Linoleic axit (LA, Gamma linolenic axit (GLA, Dihomo-gamma linolenic axit (DGLA), Arachidonic axit (AA). Đây là chất béo cần thiết cho hoạt động của cơ thể, nhưng cơ thể không thể tự tổng hợp được mà cần bổ sung cho cơ thể từ nguồn thức ăn cung cấp.
  • Axit béo thể Trans (transfat): Các axit béo thể trans (transfat) là thể đồng phân xuất hiện khi hydrogen hóa các axit béo chưa no, có từ hai nguồn chủ yếu: hình thành tự nhiên tạo ra trong ruột của một số động vật ăn cỏ, hình thành trong quá trình chế biến thực phẩm.

Trên đây là những thông tin về các loại axit béo. Qua đó giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng quan để phân loại được các loại axit này nhằm mục đích đưa ra chế độ ăn uống hợp lý giúp dung nạp tốt các axit béo cần thiết cho cơ thể.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe