Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Néang Chanh Ly - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Áp xe vú là bệnh lý khá phổ biến, gặp nhiều nhất ở phụ nữ cho con bú vì sữa mẹ có thể gây nứt núm vú tạo điều kiện cho phép vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vú. Áp xe vú nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như hoại tử vú, ảnh hưởng đến chất lượng sữa, nhiễm khuẩn huyết đặc biệt có thể dẫn đến ung thư hóa. Vì vậy khi đã bị áp xe vú cần chích rạch kịp thời, tránh bị nhiễm khuẩn.
1. Hiện tượng áp xe vú là gì ?
Hiện tượng áp xe vú thường là do biến chứng của bệnh viêm vú, viêm và nhiễm trùng các mô vú. Nguyên nhân của bệnh viêm và áp xe vú là do sự xâm nhập của các vi khuẩn vào mô vú thông qua núm vú, khiến cho các ống dẫn sữa bị nhiễm khuẩn, gây tắc và viêm tuyến sữa.
Hai loại vi khuẩn Staphylococcus aureus và Streptococcus là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên bệnh áp xe vú. Ngoài ra các nguyên nhân khác như vi khuẩn kỵ khí, trực khuẩn thương hàn và tắc nghẽn ống dẫn ở núm vú do sẹo cũng có thể gây nên áp xe vú.
Áp xe vú có nguy cơ xuất hiện nếu người mẹ đang cho con bú do cho bú không đúng cách; cho bú không đủ số lần, không đủ thời gian khiến sữa tích tụ lại trong vú, mặc áo ngực chật, núm vú bị trầy xước, tắc ống dẫn sữa.
2. Dấu hiệu khi bị áp xe vú
Dấu hiệu bệnh phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn bệnh:
- Ở giai đoạn viêm:
Bệnh thường khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ. Đau nhức ở sâu trong tuyến vú, đau tăng khi cử động vai hay cánh tay. Biểu hiện tại chỗ vú bị viêm sưng to, mật độ chắc, nổi hạch ở nách cùng bên sưng to và đau. Vùng da trên ổ viêm bình thường nếu ổ viêm ở sâu trong tuyến hoặc nóng, đỏ, phù nề nếu ổ viêm nằm ngay dưới da hay trên bề mặt của tuyến.
- Giai đoạn tạo thành áp xe:
Có một hay nhiều ổ áp xe nằm ở một hay nhiều thùy khác nhau của tuyến vú. Lúc này, mọi triệu chứng của giai đoạn viêm đều tăng nặng lên: hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc như sốt cao, rét run, môi khô, lưỡi bẩn. Vùng da trên vú thường nóng, căng, sưng đỏ hay phù tím.a
3. Bị áp xe vú phải làm sao?
Tùy theo vị trí và kích thước của ổ áp xe mà có phương pháp điều trị khác nhau. Về nguyên tắc, khi đã tạo thành áp xe thì cần phải mổ áp xe vú (chích rạch, tháo mủ).
- Với các áp xe ở nông dưới da, vùng quầng vú: Điều trị giống như chích nhọt ở nơi khác.
- Đối với các áp xe thể tuyến: Dưới gây mê hoặc gây tê tại chỗ, chích áp xe theo đường nan hoa ở chỗ thấp nhất trên khu vực áp xe. Chiều dài đường rạch từ 7 – 10cm, cách núm vú từ 2 – 3 cm. Dùng ngón tay đưa vào ổ mủ để phá hết các vách xơ. Bằng đường rạch như trên, nếu thấy khó tháo mủ vì áp xe có nhiều ổ thì có thể rạch đường thứ hai. Sau khi tháo mủ cần đặt dẫn lưu bằng ống cao su hoặc độn gạc. Sau mổ cần bơm rửa ổ áp xe hàng ngày qua ống dẫn lưu bằng dung dịch sát trùng, kết hợp với dùng kháng sinh toàn thân. Khi đường rạch tháo mủ không đủ rộng, mủ có thể bị ứ lại và quá trình viêm sẽ lan sang các thùy tuyến lân cận.
- Với các áp xe ở sau tuyến: Cần rạch tháo mủ theo đường vòng cung ở bờ dưới, ngoài tuyến vú. Sau khi chích tháo mủ cần đặt ống dẫn lưu hoặc độn gạc. Cần rửa ổ áp xe hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng dễ tạo điều kiện cho quá trình liền sẹo của ổ áp xe nhanh hơn.
Lưu ý khi rạch áp xe:
- Điều trị ban đầu bằng kháng sinh toàn thân, dinh dưỡng nâng cao thể trạng đến khi các ổ áp xe khu trú thành các ổ mủ.
- Những khối áp xe nằm ở nông dưới da có thể tự vỡ và thoát dịch trắng như mủ ra ngoài.
- Những ổ áp xe ở sâu khi không thể vỡ và thoát mủ ra ngoài, vi trùng trong ổ áp xe có thể lan sang các mạch máu, đến các bộ phận khác của cơ thể gây ra các biến chứng nặng nề nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng máu, suy thận... Những trường hợp này, nếu không được điều trị tốt hoặc bệnh nhân không đáp ứng với điều trị có thể bị tử vong. Vì vậy cần chích rạch kịp thời tránh nhiễm khuẩn.
- Không nên áp dụng một số cách dân gian dễ khiến nguy cơ nhiễm trùng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Chỉ chọc hút ổ áp xe đã chín (có nghĩa là hoá mủ hoàn toàn), không chọc non, khi chưa chín.
- Ổ áp xe chín biểu hiện: Bên trong hơi nhoi nhói, ngưa ngứa. Bề mặt da nơi có thể chọc hút chuyển qua màu tái nhạt, nhăn nheo bong vảy... còn xung quanh khu vực đó thì màu tím măng cụt nhạt. Nên siêu âm ngay trước khi chọc hoặc 1- 2 ngày trước chích rạch để đánh giá xem khối áp xe đó đã hóa mủ hoàn toàn chưa.
4. Các bước tiến hành chích rạch áp xe
- Sát trùng rộng vùng áp xe từ trong ra ngoài, Dùng khăn vô trùng để bao bọc xung quanh vùng thủ thuật.
- Xác định khối áp xe, tìm chỗ da mềm nhất.
- Rạch da ngay trên khối áp xe đường rạch theo đường chéo nan hoa với tâm là núm vú.
- Sau khi rạch qua da và tổ chức dưới da, đi thẳng vào khối áp xe tránh làm nát các tổ chức xung quanh gây chảy máu. Dùng kẹp nhỏ hoặc đầu ngón tay trỏ phá các vách của khối áp xe thông nhau để mủ chảy ra.
- Để da hở, đặt một gạc con trong ổ áp xe để dẫn lưu mủ ra ngoài, rút sau 12 giờ.
- Theo dõi các tai biến sau chích rạch áp xe như: chảy máu tại vùng rạch da hoặc trong ổ áp xe: khâu chỗ chảy máu dùng tiếp kháng sinh; không thoát mủ: mở thông lại, dùng kháng sinh tiêm.
5. Phòng bệnh áp xe vú
Phụ nữ muốn tránh áp xe vú trong thời kỳ cho bú cần áp dụng các biện pháp sau đây:
- Giữ gìn vệ sinh tốt vùng vú và núm vú trước và sau khi cho con bú. Tránh làm xước, rạn nứt đầu núm vú khi cho con bú.
- Tìm hiểu các triệu chứng ban đầu của viêm tắc tuyến vú, áp xe vú... để có thể đi khám bệnh sớm.
- Nên cho con bú hết từng lần vú, nếu trẻ bú chưa hết thì vắt sữa ra, tránh ứ đọng sữa, tắc sữa dễ bị áp xe.
- Phụ nữ bị áp xe vú đã được phẫu thuật rạch dẫn lưu mủ cần được nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng phù hợp để vết thương nhanh lành.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa để tranh các biến chứng nguy hiểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.