Áp xe phổi gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Áp xe phổi là bệnh lý nhiễm trùng tại phổi. Các loại kháng sinh mới, những tiến bộ trong gây mê, hồi sức phẫu thuật động đã làm tỷ lệ áp xe phổi giảm đáng kể so với trước đây.

1. Áp xe phổi là gì?

Áp xe phổi là tình trạng viêm cấp tính nhu mô phổi gây hoại tử, phá hủy màng phế nang, mao quản hình thành một hang chứa mủ.

Mủ của áp xe là bạch cầu thoái hóa và các chất hoại tử. Áp xe phổi có thể có một hoặc nhiều ổ. Sự hình thành của nhiều áp xe có thể dẫn đến viêm phổi hoặc hoại tử phổi.

Áp xe phổi được phân thành 2 loại

  • Áp xe phổi nguyên phát: Là áp xe gây ra bằng đường phế quản
  • Áp xe phổi thứ phát: Là áp xe do các ổ nhiễm khuẩn xuất hiện trước ở ngoài phổi như nhiễm khuẩn máu, áp xe gan phát triển lên phổi, áp xe dưới cơ hoành.

2. Các tác nhân gây áp xe phổi

Các tác nhân gây áp xe phổi chủ yếu là:

  • Vi khuẩn kị khí: Chiếm tỷ lệ hơn 60% các trường hợp áp xe phổi thường gặp.
  • Tụ cầu vàng: Thường gặp ở áp xe phổi ở trẻ em, trẻ còn bú mẹ với các triệu chứng như sốt cao, nôn, chướng bụng, giảm cân,... Triệu chứng lâm sàng vừa phổi vừa màng phổi gây suy hô hấp, nhiễm trùng nặng,...
  • Klebsiella Pneumoniae: Vi khuẩn khi vào phổi phát triển rất nhanh, bệnh cảnh thường nặng, nguy cơ tử vong cao.
  • Ký sinh trùng: Thường gặp nhất là amip, gây các thương tổn ở đáy phổi phải, sát với cơ hoành, đờm màu nâu sẫm hoặc máu tươi.

Áp xe phổi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng tuổi trung niên có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn, tỷ lệ mắc bệnh nam giới gấp 2.5 lần so với nữ giới. Từ khi những kháng sinh mới và phác đồ điều trị hiệu quả ra đời, tỷ lệ áp xe phổi đã giảm xuống rõ rệt. Nhưng cho đến nay, áp xe phổi vẫn là một vấn đề đáng lưu ý trong cả nội khoa và ngoại khoa. Tỷ lệ thu dung điều trị áp xe phổi đứng hàng thứ tư trong các bệnh về phổi.


Tụ cầu vàng là một trong những tác nhân thường gặp ở áp xe phổi trẻ em
Tụ cầu vàng là một trong những tác nhân thường gặp ở áp xe phổi trẻ em

3. Cơ chế bệnh sinh áp xe phổi

Bệnh nhân bị áp xe phổi chủ yếu do cơ chế bảo vệ đường phổi giảm sút. Bình thường đường thở dưới không có vi khuẩn, cơ chế bảo vệ phổi tại chỗ sẽ loại trừ vi khuẩn ra ngoài. Nếu cơ chế bảo vệ này mất hoặc giảm sút, áp xe phổi sẽ có điều kiện phát triển. Những yếu tố làm mất hoặc giảm sút cơ chế bảo vệ phổi là rượu, thuốc lá, một số loại thuốc, số lượng và độc tính các vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, tình trạng suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, các bệnh lý nghề nghiệp.

Đa số các áp xe phổi là nguyên phát, vi khuẩn gây viêm áp xe phổi theo các đường vào như:

  • Đường khí- phế quản: Khi thực hiện các phẫu thuật đường hô hấp trên như cắt amidan, nhổ răng, máu thường dễ bị hít vào đường phế quản mang theo các vi khuẩn gây bệnh. Các chất nhiễm khuẩn từ xoang mũi bị viêm mủ có thể bị hít vào phổi khi đang ngủ. Ngoài ra khi phản xạ ho bị ức chế, các chất nôn bị hít vào phế quản, khi mổ cấp cứu dạ dày mà dạ dày còn thức ăn có thể trào ngược và gây tai biến như trên.
  • Đường máu: Do viêm tĩnh mạch, viêm nội tâm mạc gây thuyên tắc, nhồi máu và áp xe hóa. Thường gặp do tụ cầu vàng, đặc biệt thường gây áp xe phổi ở trẻ em.
  • Đường kế cận: Áp xe dưới cơ hoành, áp xe mật quản, áp xe gan, áp xe thực quản, viêm màng phổi mủ, viêm màng ngoài tim,...

4. Áp xe phổi có nguy hiểm không?

4.1 Diễn biến lâm sàng của áp xe phổi

Bệnh thường trải qua các giai đoạn như sau:

4.1.1 Giai đoạn ổ mủ kín

Bệnh nhân sốt 39-40oC, đau ngực, khó thở, ho khan hoặc ho ra chất nhầy có mủ. Nếu bệnh nhân được điều trị kháng sinh thích hợp thì triệu chứng sẽ giảm, không chuyển sang giai đoạn ộc mủ. Nếu không được điều trị hoặc điều trị kháng sinh không đầy đủ, bệnh sẽ tiến triển và bệnh nhân sẽ ộc ra mủ.

4.1.2 Giai đoạn ộc mủ

Bệnh nhân thường khạc ra mủ từ ngày thứ 5 đến 15, tuy nhiên cũng có trường hợp sau vài tuần mới khạc ra mủ. Trước khi ộc mủ, bệnh nhân ho nhiều hơn, có thể ho ra máu trước do ổ mủ bị vỡ. Sau một vài lần ho mạnh, bệnh nhân đau ngực dữ dội rồi ộc ra rất nhiều mủ, có khi đến vài trăm ml. Bệnh nhân khó thở, bồn chồn, lo lắng. Trong giai đoạn ộc mủ cần đề phòng mủ tràn vào đường thở gây ngạt thở. Sau vài giờ, bệnh nhân ổn định, bệnh nhân giảm sốt, người dễ chịu, ăn ngủ được. Có những trường hợp bệnh nhân ho ra mủ một cách kín đáo, ở những bệnh nhân này phải theo dõi đờm.

4.1.3 Giai đoạn ổ mủ thông với phế quản

Bệnh nhân vẫn ho mạnh, dai dẳng, mệt mỏi, khạc mủ với số lượng ít hơn. Bệnh nhân xanh xao, gầy sút, thể trạng suy kiệt, số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân tăng.

4.2 Các biến chứng nguy hiểm của áp xe phổi

Nếu không được điều trị bằng kháng sinh hoặc điều trị không hiệu quả, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng sau:

  • Bệnh nhân có thể bị nhiễm khuẩn máu, cơ thể suy kiệt dần, suy thận, suy tim, sau đó tử vong sau một vài tuần.
  • Chuyển sang áp xe phổi mạn tính với những biểu hiện như: Bệnh nhân khạc ra mủ, tình trạng chung cơ thể tốt lên trong một vài ngày hoặc một vài tuần. Sau đó là giai đoạn tích mủ, lượng mủ khạc ra ít hơn, sau đó là đợt ộc mủ mới, tiếp đó là giai đoạn lui bệnh tạm thời. Những đợt bệnh cứ kế tiếp nhau, quanh ổ áp xe hình thành những tổ chức xơ làm cho áp xe phổi khó điều trị, không thể tự lành được.
  • Ho ra máu nặng, nhiều lần do vỡ các mạch máu lớn. Tình trạng ho ra máu đặc biệt nghiêm trọng khi vị trí áp xe ở gần rốn phổi, bệnh nhân có thể tử vong.
  • Hoại tử phổi xảy ra với tốc độ nhanh, nhất là đối với những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.
  • Tràn mủ màng phổi do áp xe vỡ vào khoang màng phổi.
  • Các biến chứng nguy hiểm khác có đe dọa tính mạng bệnh nhân như như giãn phế quản, xơ phổi, áp xe não, lao phổi,...

5. Làm gì để phòng bệnh áp xe phổi?


Cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể lực, ngăn ngừa nguy cơ áp xe phổi
Cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể lực, ngăn ngừa nguy cơ áp xe phổi

Áp xe phổi là bệnh nguy hiểm có thể dẫn đến các biến chứng gây đe dọa tính mạng. Để đề phòng bệnh cần chú ý vệ sinh tốt răng miệng, mũi, họng để tránh nguy cơ viêm nhiễm từ trên lan xuống phổi. Đặc biệt chú ý ở những đối tượng có nguy cơ sặc vào phế quản cao như bệnh nhân động kinh, liệt nửa người, nhược cơ...

Phòng ngừa các dị vật rơi vào đường thở. Tập thể dục thường xuyên để nâng cao thể lực, bổ sung vào chế độ ăn uống các thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Khi có các dấu hiệu viêm đường hô hấp như ho, đau ngực, sốt cao,... cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe