Áp xe nóng do viêm cơ nhiễm trùng tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) - Phần 2

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Áp xe nóng là một ổ khu trú theo sau một viêm nhiễm cấp tính, tổn thương viêm dẫn tới áp xe tại cơ vân được tạo ra bởi sự xâm nhập dưới da của những vi khuẩn làm mủ tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), đặc biệt thường hay gặp tụ cầu vàng kháng methicillin. Xảy ra sau một chấn thương bị nhiễm trùng, mụn nhọt, vết mổ nhiễm trùng hoặc một viêm tấy.

1. Chăm sóc và điều trị áp xe nóng

1.1 Điều trị

Ở giai đoạn lan tỏa nếu điều trị kháng sinh hợp lý có thể khỏi sau vài ngày.

Ở giai đoạn tụ mủ:

+ Kết hợp chọc hút dẫn lưu mủ hoặc phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ (giai đoạn 2, 3). Rạch áp-xe tháo mủ và dùng kháng sinh, vết rạch sẽ liền sẹo sau 5–7 ngày.

+ Nếu không được mổ rạch tháo mủ, áp xe có thể tự vỡ và rò mủ kéo dài, hoặc có thể gây những biến chứng tại chỗ như viêm bạch mạch cấp tính, viêm hạch mủ hay những biến chứng toàn thân như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn mủ huyết có thể đưa đến tử vong.

Khi chưa có kết quả vi sinh, lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm dựa trên bệnh cảnh lâm sàng. Kháng sinh sử dụng đầu tiên nên hướng tới tụ cầu vàng. Nếu nghi ngờ tụ cầu kháng methicilin, xem xét sử dụng vancomycin.

Điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng


Sử dụng thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng
Sử dụng thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng

1.2 Chăm sóc

  • Điều dưỡng theo dõi nhiệt độ, nếu người bệnh sốt quá cao nên chườm mát và cho thuốc giảm nhiệt theo y lệnh, nên ghi nhiệt độ thành biểu đồ để theo dõi
  • Điều dưỡng đánh giá mức độ đau ở người bệnh tìm tư thế giảm đau, thực hiện thuốc giảm đau và theo dõi tác dụng thuốc

Để giảm đau cho người bệnh:

  • Tìm tư thế cũng rất quan trọng
  • Tránh thăm khám thường xuyên, tránh đè cấn lên ổ áp xe
  • Kháng sinh theo y lệnh, thực hiện kháng sinh đúng giờ, đúng liều và theo dõi diễn tiến của bệnh
  • Phụ giúp bác sĩ rạch ổ nhiễm trùng, khi rạch mủ nên có mẫu cấy giúp điều trị kháng sinh theo kháng sinh đồ
  • Giúp người bệnh tìm tư thế giảm đau sau rạch, tránh đè cấn hay băng quá chặt lên vùng vết thương
  • Thay băng thực hiện ngày 2 lần hay có thể nhỏ giọt liên tục để rửa vết thương. Vệ sinh sạch sẽ tránh lây nhiễm từ ngoài vào nhất là vùng da xung quanh. Trong khi thay băng điều dưỡng cần quan sát và nhận định tình trạng vết thương để giúp bác sĩ điều trị thích hợp
  • Dẫn lưu cần được theo dõi số lượng, màu sắc, tính chất dịch thường xuyên
  • Cách ly tốt với những vết thương khác và những người bệnh xung quanh

2.Tụ cầu vàng kháng methicillin (Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus - MRSA)

2.1 Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)


Hình ảnh tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
Hình ảnh tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)

Tụ cầu vàng thường được tìm thấy trên da hoặc trong mũi của khoảng một phần ba dân số tại cộng đồng. Tụ cầu vàng nói chung là vô hại nhiều người mang vi khuẩn tụ cầu vàng mà không bao giờ bị nhiễm trùng.

Khi tụ cầu vàng xâm nhập vào cơ thể thông qua vết cắt hoặc vết thương khác gây nên các bệnh nhiễm trùng, thường chỉ gây ra các vấn đề nhỏ về da ở người khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu bạn mắc nhiễm trùng tụ cầu vàng, thì khả năng là do các chủng tụ cầu vàng đang ký sinh trên cơ thể bạn một khoảng thời gian dài trước đây.

Tụ cầu vàng cũng có thể được truyền từ người sang người khác. Do vi khuẩn tụ cầu rất khỏe mạnh, chúng có thể sống trên các vật dụng như gối hoặc khăn đủ lâu để lây qua người kế tiếp chạm vào chúng và có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ cao, không bị phá hủy bởi muối.

Trên 1 số đối tượng đặc biệt như suy giảm miễn dịch, nằm viện lâu ngày,... tụ cầu vàng từ ngoài da xâm nhập và bên trong cơ thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại 1 số cơ quan gây ra nhiều hệ lụy và điều trị khó khăn do tụ cầu vàng kháng nhiều loại kháng sinh.

Tụ cầu vàng là do một loại vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, do đó chúng rất khó điều trị, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng cho người bệnh.

2.2 Tụ cầu vàng kháng methicilline (Methicillin-Resistant Staphylococcus aureus - MRSA)

Là một vấn đề y tế toàn cầu và là một thách thức trong điều trị. là một tác nhân gây bệnh ở người đáng quan tâm mà có thể dẫn đến bệnh cảnh đa dạng từ nhiễm trùng da tương đối nhẹ cho đến các nhiễm trùng nặng đe dọa tính mạng như viêm nội tâm mạc, viêm phổi, nhiễm trùng huyết.

Đề kháng với beta-lactam của MRSA được tạo ra do mắc phải một yếu tố di truyền. Kết quả là sinh tổng hợp màng tế bào của MRSA tiếp tục ngay cả khi có sự hiện diện của kháng sinh beta-lactam do cơ chế tăng sản xuất beta-lactamase.

Các chủng kháng oxacillin hay methicillin thì cũng có thể kháng lại tất cả các thuốc beta lactam, bao gồm cephalosporin (ngoại lệ ceftaroline, là một cephalosporin thế hệ thứ năm).

Hiện nay, MRSA đang gia tăng về tần suất và hiện hữu ở nhiều cơ sở y tế và cộng đồng. Do MRSA đã kháng với nhiều loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng tụ cầu khuẩn thông thường.

Đối với MRSA, kháng sinh được đề nghị là glycopeptide (vancomycin và teicoplanin) và linezolid. Vancomycin vẫn là điều trị tiêu chuẩn. Linezolid có dược động học tốt hơn và độc tính trên thận ít hơn so với vancomycin.

3.Phòng chống sự lây lan của MRSA


Hạn chế tiếp xúc với các vòi nước khu cộng đồng
Hạn chế tiếp xúc với các vòi nước khu cộng đồng

  • Cách ngăn ngừa sự lây lan của MRSA là mọi người cần vệ sinh cá nhân thật tốt bằng cách tắm rửa hằng ngày với nước sạch, nhất là với trẻ sơ sinh có nhiều nếp kẽ, nếp gấp chứa mồ hôi, bã nhờn và người lớn cũng nên rửa tay sạch mỗi khi tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Hạn chế tiếp xúc với các bề mặt nhiều người sử dụng như các thanh tay vịn, các vòi nước hoặc các tay nắm cửa, đặc biệt là các khu cộng đồng. Không được dùng chung đồ dùng cá nhân (khăn, quần áo...) với người bị nhiễm tụ cầu vàng
  • Giữ sạch những vết trầy xước trên da, không tự ý dùng kháng sinh hay thuốc bôi, đắp lá và không được cào xước vùng da bị viêm...
  • Cần trị triệt để các bệnh ngoài da để tránh tụ cầu xâm nhập qua đường máu. Tốt nhất nên đi khám để bác sĩ cho thuốc điều trị thích hợp.

4.Khi nào người bệnh cần đến các trung tâm y tế?

  • Khi xuất hiện một vùng da đỏ, bị sưng hoặc đau. Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh thì rốn chảy mủ hoặc đỏ quanh chân rốn
  • Sốt và nổi nhiều mụn mủ
  • Mụn, nhọt không biến mất trong nhiều ngày

Khi có những triệu chứng trên người bệnh cần đến các trung tâm y tế uy tín, thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định đúng các loại vi khuẩn gây bệnh và lựa chọn loại kháng sinh phù hợp để điều trị bệnh nhiễm khuẩn

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe