Amoxicillin là kháng sinh nhóm Penicillin có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn khác nhau, đặc biệt khi kết hợp với chất ức chế men beta-lactamase như Sulbactam. Vậy Sumakin là thuốc gì và chỉ định trong trường hợp nào?
1. Sumakin là thuốc gì?
Hoạt chất chính của thuốc Sumakin là kháng sinh Amoxicillin, hàm lượng 500mg (dưới dạng muối trihydrate) và Sulbactam hàm lượng 125mg (dưới dạng sulbactam pivoxil).
Ngoài ra, thành phần thuốc Sumakin còn bao gồm một số tá dược như Crospovidone, đường trắng, Lactose, Acesulfame Potassium, Colloidal silicon dioxide, bột hương tutti frutti vừa đủ trong 1 gói
2. Đặc điểm dược lý của thuốc Sumakin
Sumakin là thuốc có tác dụng tiêu diệt một số chủng vi khuẩn nhạy cảm với kháng sinh Amoxicillin, đồng thời do được kết hợp với Sulbactam sẽ giúp bảo vệ Amoxicillin không bị men beta-lactamase phá hủy.
Cơ chế diệt khuẩn của Amoxicillin là ức chế sinh tổng hợp protein của thành tế bào, qua đó tiêu diệt vi khuẩn. Amoxicillin tương tự các Aminopenicillin khác khi có hoạt tính in vitro chống lại đa số cầu khuẩn Gram dương và Gram âm hiếu khí (trừ một số chủng tạo được men penicillinase). Ngoài ra, phổ tác dụng của Amoxicillin còn bao gồm một số trực khuẩn hiếu khí và kỵ khí Gram dương cùng một số loại xoắn khuẩn. Sumakin cũng có hoạt tính in vitro chống một vài chủng trực khuẩn ưa khí lẫn kỵ khí Gram âm và một số vi khuẩn khác như Mycoplasma, Rickettsia và vi nấm.
Một số chủng vi khuẩn còn nhạy cảm với thuốc Sumakin bao gồm:
- Vi khuẩn hiếu khí Gram dương: Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Staphylococcus epidermidis (tụ cầu da), Streptococcus nhóm A, B, C và G (liên cầu), Streptococcus pneumoniae (phế cầu) Viridans Streptococci, một vài chủng Enterococci, Corynebacterium diphtheriae, Listeria monocytogenes;
- Vi khuẩn hiếu khí Gram âm: Neisseria meningitidis (não mô cầu) và Neisseria gonorrhoeae (lậu cầu không tạo penicillinase), Haemophilus influenzae, một vài chủng Haemophilus parainfluenzae, một số chủng Enterobacteriaceae, Proteus mirabilis, Salmonella và Shigella, Helicobacter pylori, Bordetella pertussis, Actinobacillus, Pasteurella multocida, Gardnerella vaginalis, Moraxella catarrhalis;
- Vi khuẩn kỵ khí như Actinomyces, Arachnia, Bifidobacterium, Clostridium tetani, Clostridium perfringens, Lactobacillus...;
- Xoắn khuẩn: Treponema pallidum, Borrelia burgdorferi tác nhân gây bệnh Lyme.
Một số chủng vi khuẩn đề kháng với thuốc Sumakin, bao gồm tụ cầu Staphylococcus aureus kháng Methicillin, Acinetobacter Alcaligenes, Moraxella catarrhalis bài tiết men beta-lactamase, Campylobacter, Citrobacter freundii, Klebsiella pneumoniae, Legionella, Morganella morganii, Proteus rettgeri, Proteus vulgaris, Providencia, Pseudomonas, Serratia...
Thành phần Sulbactam trong thuốc Sumakin là một chất ức chế cạnh tranh không thuận nghịch với men beta-lactamase. Sự phối hợp này trong thuốc Sumakin mang tính hiệp lực làm tăng tác dụng và mở rộng phổ kháng khuẩn của Amoxicillin với các chủng vi khuẩn sinh beta-lactamase.
Đặc điểm dược động học của thuốc Sumakin:
- Lượng Amoxicillin được hấp thu đường uống xấp xỉ khoảng 80% và không bị ảnh hưởng bởi thức ăn. Nồng độ đỉnh trung bình trong máu đạt được sau 1 - 2 giờ uống thuốc Sumakin và thời gian bán hủy trung bình xấp xỉ 1 giờ tùy theo từng cá thể ở những người có chức năng thận bình thường;
- Amoxicillin phân bố vào hầu hết ở các mô trong cơ thể và các dịch sinh học, có thể đạt được nồng độ điều trị ở dịch tiết phế quản, dịch mũi xoang và màng ối, nước bọt, thể dịch, dịch não tủy, dịch tiết ở các màng và tai giữa;
- Khoảng 20% lượng thuốc Sumakin gắn kết với protein huyết tương;
- Sumakin bài tiết chủ yếu trong nước tiểu dưới dạng hoạt động (70-80%) và dịch mật (5-10%). Đáng chú ý kháng sinh Amoxicillin qua được hàng rào nhau thai và có thể bài tiết vào trong sữa mẹ
3. Công dụng của thuốc Sumakin
Thuốc Sumakin được chỉ định sử dụng điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn như sau:
- Nhiễm trùng tai mũi họng và đường hô hấp như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm phế quản...;
- Nhiễm trùng ổ bụng và phụ khoa;
- Nhiễm khuẩn đường tiểu, đặc biệt trong các trường hợp viêm bàng quang tái phát hoặc có biến chứng;
- Nhiễm trùng da và mô mềm, viêm mạch bạch huyết, viêm mô tế bào, nhiễm trùng vết thương hở hoặc mất mô;
- Sumakin còn được sử dụng điều trị áp xe chân răng và miệng do tụ cầu vàng.
4. Liều dùng của thuốc Sumakin
Liều thông thường của thuốc Sumakin khuyến cáo cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi: Sumakin 500/125: 1-2 gói/lần, uống 2-3 lần/ngày.
Liều lượng thuốc Sumakin khuyến cáo cho trẻ em dưới 12 tuổi: 75-100mg/kg cân nặng/ngày, chia làm 2-3 lần uống.
Liều dùng của thuốc Sumakin cho bệnh nhân suy thận cần được điều chỉnh theo hệ số thanh thải creatinin, cụ thể như sau:
- 10 < ClCr < 30ml/phút: 1 gói Sumakin 500/125 uống mỗi 12 giờ;
- ClCr < 10ml/phút: 1 gói Sumakin 500/125 uống mỗi 24 giờ;
- Bệnh nhân thẩm phân máu: 1 gói Sumakin 500/125 uống mỗi 24 giờ và phải bổ sung thêm một liều sau khi quá trình thẩm phân kết thúc.
5. Chống chỉ định của thuốc Sumakin
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với Amoxicillin, các Penicillin khác hoặc các Cephalosporin;
- Người có cơ địa dị ứng với Sulbactam hoặc bất kỳ thành phần nào khác có trong Sumakin;
- Bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn có tăng bạch cầu đơn nhân, nhiễm virus herpes, hoặc đang điều trị bằng Allopurinol;
- Bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú cũng không được dùng thuốc Sumakin
6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sumakin
Cần thận trọng khi sử dụng Sumakin do nguy cơ xảy ra phản ứng quá mẫn nghiêm trọng ở những người có tiền sử dị ứng với Penicillin hoặc các dị nguyên khác. Do đó, trước khi bắt đầu cần điều trị với Sumakin cần phải điều tra kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân với Penicillin, Cephalosporin và các dị nguyên khác.
Những bệnh nhân đang điều trị với Sumakin có nguy cơ bội nhiễm vi nấm hoặc vi khuẩn khác (chủ yếu là Pseudomonas hoặc Candida). Nếu xuất hiện tình trạng bội nhiễm cần ngưng sử dụng Sumakin và tìm kiếm các biện pháp điều trị thích hợp.
Trong quá trình điều trị bằng thuốc Sumakin có thể xảy ra tình trạng tăng các enzym gan, chủ yếu là glutamic-oxalacetic transaminase. Vì vậy cần tiến hành kiểm tra chức năng gan và chức năng thận định kỳ nếu sử dụng thuốc Sumakin kéo dài.
Thận trọng khi dùng thuốc Sumakin bệnh nhân lớn tuổi, trẻ em, người lái xe hoặc vận hành máy móc.
7. Tác dụng không mong muốn của thuốc Sumakin
Tác dụng phụ thường gặp của Sumakin bao gồm buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy, ăn uống khó tiêu và đau thượng vị...
Một số trường hợp hiếm gặp bệnh nhân gặp phải các tác dụng phụ sau:
- Phản ứng dị ứng với biểu hiện nổi mày đay, phù quincke, dát sẩn, khó thở và hiếm hơn sốc phản vệ...;
- Viêm thận kẽ;
- Phản ứng huyết học như thiếu máu, rối loạn tiểu cầu, bạch cầu;
- Rối loạn chức năng gan;
- Nhiễm nấm Candida ở miệng hoặc vị trí khác do mất cân bằng vi khuẩn;
- Hội chứng Stevens-Johnson, ban đỏ đa dạng và hoại tử thượng bì nhiễm độc;
- Có một số trường hợp dùng thuốc Sumakin bị viêm ruột giả mạc.
Bệnh nhân hãy thông báo với bác sĩ về những tác dụng không mong muốn gặp phải trong quá trình sử dụng thuốc Sumakin.
8. Tương tác thuốc của Sumakin
Sumakin dùng đồng thời với Allopurinol có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng dị ứng với da. Chloramphenicol, nhóm Macrolid, dẫn xuất Sulfonamide và Tetracycline có thể cản trở tác dụng diệt khuẩn của kháng sinh nhóm penicillin như thuốc Sumakin.
Amoxicillin trong thuốc Sumakin có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm protein máu toàn phần hoặc gây phản ứng dương tính giả trong xét nghiệm tìm glucose trong nước tiểu bằng phản ứng màu.
Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Sumakin nếu có thêm bất cứ thắc mắc gì người bệnh có thể liên hệ để được bác sĩ trao đổi cụ thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.