Công trình nghiên cứu chuyên sâu mở rộng về "Mổ điều trị dị tật không hậu môn" vừa được giáo sư Ngoại Nhi danh tiếng của Ấn Độ công bố, chính thức công nhận về hiệu quả đặc biệt đối với các ca mổ nhi. Đây cũng chính là phương pháp được bắt nguồn từ nghiên cứu cách đây gần 40 năm của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc & công nghệ gen Vinmec và được ứng dụng thành công tại Việt Nam
Khi y học thế giới học hỏi kỹ thuật mổ “made in Vietnam”
GS Vikesh Agrawal, Tổng thư ký Hội phẫu thuật nội soi Nhi khoa Ấn Độ, đồng thời là một nhà phẫu thuật nhi danh tiếng của Ấn Độ, vừa công bố nghiên cứu khoa học về phương pháp mổ dị tật không hậu môn giữ nguyên cơ thắt trên Tạp chí nhi khoa Ấn Độ số tháng 3/2022. Bài báo này cũng cập nhật trên Thư viện quốc gia Hoa Kỳ PubMed để làm cơ sở tra cứu trên toàn thế giới.
Điều đặc biệt ở nghiên cứu này là GS Agrawal đã sử dụng một phương pháp mổ có nguồn gốc từ Việt Nam. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu từ năm 2014 - 2016 và theo dõi sức khỏe của trẻ trong 5 - 6 năm sau mổ. Từ kết quả so sánh 30 bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật Việt Nam với 26 bệnh nhân được mổ bằng kỹ thuật nội soi đơn thuần, nhóm nghiên cứu của GS Vikesh Agrawal đã kết luận: Phương pháp mổ kết hợp 2 đường của Việt Nam an toàn, dễ sửa chữa đường rò trực tràng - niệu đạo, tỉ lệ biến chứng thấp hơn, chức năng đại tiện tốt hơn và tính thẩm mỹ cao hơn.
Dành nửa cuộc đời nghiên cứu sáng tạo y khoa giúp đổi đời con trẻ
Không hậu môn là một trong các dị tật phổ biến nhất về đường tiêu hóa ở trẻ sơ sinh.Trước đây, các phẫu thuật viên ở Việt Nam và thế giới thường tạo hình hậu môn bằng phẫu thuật nội soi đường sau trực tràng cắt đôi cơ thắt. Phương pháp này có nhược điểm khiến hệ thống cơ vòng hậu môn bị chấn thương nặng nề nên sẽ hoạt động kém. Do đó, tỉ lệ trẻ bị són phân hoặc táo bón sau mổ lên đến 40 - 50%, một số phải chuyển sang sử dụng hậu môn giả suốt đời.
Từ năm 1985, GS Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc BV Nhi Trung Ương, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc & Công nghệ gen Vinmec đương nhiệm) đã bắt tay vào nghiên cứu tìm cách khắc phục các hạn chế của phẫu thuật kinh điển qua đường sau trực tràng cắt đôi cơ thắt.
Ngay khi lần đầu tiên phương pháp mổ bảo toàn hệ thống cơ vòng hậu môn được GS Liêm công bố trên Tạp chí phẫu thuật Nhi châu Âu năm 2001, y giới đã rất quan tâm bởi cách mổ này đem lại kết quả cao hơn hẳn. Phần lớn trẻ sau mổ có thể chủ động kiểm soát đại tiện. Tỉ lệ còn són phân hoặc táo bón, phải dùng hậu môn nhân tạo vĩnh viễn giảm ngoạn mục từ 40 - 50% xuống dưới 10%.
Đến năm 2015, GS Liêm tiếp tục công bố phương pháp phẫu thuật có thể rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân trên Tạp chí Phẫu thuật Nhi Hoa Kỳ - Tạp chí chuyên ngành uy tín nhất thế giới về nhi khoa. Các trẻ gái bị dị tật không hậu môn có rò trực tràng vào tiền đình được mổ 1 lần thay vì 3 lần. Nghiên cứu còn cho thấy, đây là phương pháp an toàn, bệnh nhân sau mổ có khả năng chủ động đại tiện cao, không có trường hợp nào bị táo bón hoặc són phân khi theo dõi lâu dài.
Theo dõi bệnh nhân sau mổ, GS Liêm tiếp tục nhận thấy mặc dù đã ưu điểm hơn kỹ thuật mổ kinh điển qua đường sau cắt đôi cơ thắt, nhưng phương pháp của mình vẫn còn hạn chế với những trẻ trai có rò giữa trực tràng và niệu đạo. Ông đã tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật do chính mình sáng tạo nên.
Có thể nói, các kỹ thuật mổ dị tật không hậu môn do GS Nguyễn Thanh Liêm sáng tạo và hoàn thiện trong gần 40 năm qua đã sửa chữa được triệt để dị tật, đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh. Từ đó đến nay, GS Liêm đã nhiều lần được mời trình diễn kỹ thuật mổ dị tật không hậu môn tại nhiều quốc gia như Italia, Thái Lan, Philippines, Myanmar, Ấn Độ, được mời báo cáo tại nhiều hội nghị quốc tế tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Arab Saudi, Thái Lan, Philippines ...Ngoài các kỹ thuật mổ dị tật không hậu môn, GS Nguyễn Thanh Liêm đã đóng góp nhiều kỹ thuật mổ nội soi ở trẻ em hoàn toàn mới, đưa phẫu thuật nội soi nhi khoa Việt Nam ngang tầm với các nước tiên tiến.
Không ngừng cống hiến những nghiên cứu mang tầm cỡ quốc tế
Cống hiến cho y học gần 50 năm qua, vị bác sĩ Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng danh giá Nikkei năm 2018 “vì những đóng góp tuyệt vời trong phổ biến rộng rãi các kỹ thuật nội soi trẻ em, góp phần vào sự phát triển và ổn định cho cuộc sống của người dân Châu Á” vẫn đang cùng các đồng nghiệp Vinmec miệt mài với khoa học tại Viện Nghiên cứu tế bào gốc & Công nghệ gen Vinmec. Tại đây, các nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc, dưới sự dẫn dắt của ông đã và đang khai phá một lĩnh vực mới mẻ và đầy tiềm năng của y học – tế bào gốc và công nghệ gene. Đây là một “xu thế tất yếu của thế giới, góp phần vào việc giải quyết các bệnh lý nghiêm trọng, đưa ra giải pháp phòng chống bệnh tật, cơ sở của y học cá thể hóa và y học chính xác, xu hướng được dự đoán sẽ ngày một thịnh hành trong tương lai” như GS Liêm đã chia sẻ.
Chỉ sau 6 năm thành lập, Viện nghiên cứu đã công bố hơn 50 công trình nghiên cứu trên các tạp chí y khoa uy tín trên thế giới như STEM CELLS Translational Medicine hay The Journal of genotology. Trong đó có những công trình thu hút sự chú ý đặc biệt của y giới, được các nhà khoa học quốc tế trích dẫn lại như bản đồ gen người Việt Nam, phát hiện các đột biến gen của trẻ tự kỷ, phân tích di truyền các bệnh lý ung thư...
Không dừng lại ở những thành công ban đầu, ông và các đồng nghiệp đang không ngừng nỗ lực, dành trọn tâm huyết của mình cho các công trình nghiên cứu về ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh chưa có thuốc đặc trị như bại não, tự kỷ, đái tháo đường, xơ gan giai đoạn cuối, chấn thương tủy sống, đột quỵ, chấn thương sọ não... với mong muốn đem lại sức khỏe và cuộc sống chất lượng cho nhiều người bệnh hơn nữa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.