Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm nấm, ngay cả khi người đó khoẻ mạnh. Nấm phổ biến trong môi trường và khi mọi người hít vào hoặc tiếp xúc với bào tử nấm mỗi ngày nhưng không bị bệnh. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch yếu thì những loại nấm này sẽ có khả năng gây nhiễm trùng.
1. Một vài thông tin về nhiễm nấm
Nấm là những vi sinh vật có nhân và vách tế bào thực sự, chúng có thể bao gồm những đốm nhỏ và hầu như không nhìn thấy được trong không khí cho đến khi nấm phát triển lớn dần. Nấm ở xung quanh chúng ta và thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì. Tuy nhiên, nó sẽ dễ dàng gây nhiễm trùng với những người có hệ miễn dịch yếu.
Nhiễm trùng xảy ra do hệ thống miễn dịch yếu được gọi là nhiễm trùng cơ hội (đều xảy ra với vi khuẩn, virus và nấm). Nguyên nhân xảy ra nhiễm trùng cơ hội là do những người bị nấm mắc một số bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như: những người nhiễm HIV/AIDS, hoặc sử dụng các thuốc như corticosteroid, hoá trị ung thư...
Khi cảm thấy hệ miễn dịch yếu nên lưu ý rằng nhiễm nấm có thể xảy ra. Tìm hiểu và nhận biết sớm được bệnh sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
Những nhóm người có nguy cơ nhiễm nấm cao bao gồm:
2. Bệnh nhân nhập viện
Mặc dù bạn đang ở bệnh viện để điều trị bệnh, nhưng bạn lại có thể dễ bị nhiễm trùng khi ở đó. Nếu bạn ở trong viện vì chấn thương hoặc bệnh tật thì bạn có nguy cơ bị nhiễm nấm, đặc biệt là bạn bị bệnh nặng hoặc có hệ miễn dịch kém. Những loại nhiễm trùng này thường được gọi là nhiễm trùng liên quan đến chăm sóc sức khỏe (HAIs).
Một số điều cần biết nhiễm nấm:
- Nhiễm nấm có thể từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng. Một số bệnh nhân nhiễm nấm nhẹ có thể là phát ban nhưng một số khác có thể gây ra tử vong như viêm phổi do nấm.
- Các thiết bị cứu sinh như ống thông tĩnh mạch trung tâm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm, thậm chí có thể là nhiễm trùng máu do nấm.
- Nấm có thể xâm nhập thông qua vết cắt, vết thương và vết bỏng.
Ngăn ngừa nhiễm nấm ở bệnh viện là rất khó, bởi vì nấm là một phần tự nhiên của môi trường. Chúng sống ở trong không khí, cây và các vật dụng khác. Tuy nhiên, có thể có một số cách để giảm nguy cơ bị nhiễm nấm ở bệnh viện:
- Tìm hiểu về nhiễm nấm, có nhiều loại nấm khác nhau. Tìm hiểu chúng sẽ giúp cho bạn có thể nhận ra các triệu chứng sớm và có thể ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng.
- Sử dụng thuốc kê toa theo chỉ định của bác sĩ.
- Giữ bàn tay luôn sạch sẽ.
3. Bệnh nhân ghép tạng
Bệnh nhân ghép tạng có nhiều cơ hội bị nhiễm trùng bởi thuốc chống thải ghép có thể giúp cơ thể chấp nhận cơ quan mới bằng hạ thấp phản ứng của hệ thống miễn dịch, nhưng nó lại là nguy cơ khiến cơ thể bị nhiễm nấm cao hơn.
Một số điều cần biết nhiễm nấm:
- Nhiễm nấm phổ biến ở một số loại cấy ghép. Các chuyên gia cho rằng nhiễm nấm phổ biến nhất ở bệnh nhân ghép ruột non, sau đó là bệnh nhân ghép phổi, gan và tim.
- Sau khi cấy ghép, bạn cần phải ở lại bệnh viện để trị liệu trong một thời gian dài. Đó được xem là nguy cơ tăng khả năng nhiễm nấm.
- Nhiễm nấm có thể xảy ra ở bất kỳ lúc nào sau phẫu thuật. Có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc nhiều năm sau khi phẫu thuật cấy ghép.
- Một số loại nấm phổ biến ở bệnh nhân ghép tạng. Phổ biến nhất là nấm candida xâm lấn, tiếp theo aspergillosis và cryptococcosis, nhưng các loại nhiễm nấm khác cũng có thể. Đối với bệnh nhân ghép phổi, aspergillosis là phổ biến nhất.
Để ngăn ngừa nhiễm nấm sau ghép tạng đầu tiên cần tìm hiểu về các loại nấm để có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc chống nấm và bảo vệ người bệnh trong điều kiện môi trường tốt nhất (tránh xa khu vực nhiều bụi, khu vực nuôi gia cầm, ...)
4. Bệnh nhân ghép tế bào gốc
Bệnh nhân ghép tế bào gốc có nguy cơ nhiễm nấm bởi vì cấy ghép tế bào gốc phá huỷ và xây dựng lại hệ thống miễn dịch là yếu tố thuận lợi cho nấm phát triển.
Một số điều cần biết về nhiễm nấm:
- Cấy ghép sử dụng tế bào gốc từ người hiến tặng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm hơn so với cấy ghép sử dụng tế bào gốc từ chính cơ thể của bạn.
- Hoá trị và xạ trị làm giảm số lượng bạch cầu, đồng thời phục hồi sau ca cấy ghép làm cho số lượng bạch cầu trở nên rất thấp. Điều này sẽ làm cho cơ thể khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm nấm.
- Nếu nhận tế bào gốc từ người hiến tặng, các tế bào gốc được cấy ghép có thể tấn công cơ thể bạn. Khi đó phải sử dụng steroid để điều trị triệu chứng và sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm
- Một số loại nấm phổ biến ở bệnh nhân ghép tế bào gốc. Aspergillosis là loại nhiễm nấm phổ biến nhất ở bệnh nhân ghép tế bào gốc, tiếp theo là nhiễm Candida và bệnh muco mycosis, nhưng các loại nhiễm nấm khác cũng có thể xảy ra.
Để ngăn ngừa nhiễm nấm sau cấy ghép tế bào gốc, ngoài việc tìm hiểu các loại nấm để phát hiện sớm triệu chứng, bác sĩ nên xét nghiệm nhiễm trùng sớm cho bệnh nhân để phát hiện nhiễm nấm như aspergillosis trước khi các triệu chứng xuất hiện. Đồng thời, có thể sử dụng thêm thuốc chống nấm.
5. Bệnh nhân ung thư
Bệnh nhân ung thư có nguy cơ nhiễm nấm bởi quá trình hoá trị và xạ trị gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể (thay đổi lớn nhất là làm suy giảm hệ thống miễn dịch) tăng khả năng nhiễm trùng bao gồm cả nhiễm nấm.
Một số điều cần biết về nhiễm nấm:
- Hoá trị và xạ trị làm giảm số lượng bạch cầu. Khi đó, có thể sẽ gặp khó khăn trong việc chống lại nhiễm trùng và nhiễm nấm.
- Loại ung thư có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Nếu ung thư máu như bệnh bạch cầu hoặc u tủy, bạn có nguy cơ bị nhiễm nấm cao hơn những người mắc các loại ung thư khác.
- Nguy cơ nhiễm trùng có thể thay đổi dựa vào cường độ của hóa trị liệu của từng bệnh nhân. Một số loại ung thư có thể cần dùng thuốc hóa trị mạnh hơn các loại khác, đặc biệt là ung thư máu. Điều này đôi khi được gọi là hóa trị tích cực. Hóa trị tích cực làm suy yếu hệ thống miễn dịch và có thể khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm nấm.
Để ngăn ngừa nhiễm nấm ở bệnh nhân ung thư, đầu tiên cần tìm hiểu về các loại nấm để có thể phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, có thể sử dụng thuốc chống nấm và bảo vệ người bệnh trong điều kiện môi trường tốt nhất (tránh xa khu vực nhiều bụi, khu vực nuôi gia cầm, ...)
6. Những người sử dụng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch
Sử dụng thuốc bao gồm tác dụng phụ có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cho bạn có nguy cơ bị nhiễm nấm. Cụ thể, thuốc ức chế corticosteroid (thuốc điều trị các tình trạng bao gồm viêm khớp, hen suyễn, phản ứng dị ứng và các bệnh tự miễn dịch như lupus, sarcoidosis hoặc bệnh viêm ruột) và TNF (thuốc điều trị các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, bệnh vẩy nến, bệnh viêm ruột và cũng là yếu tố hoại tử khối u) là hai loại thuốc có thể làm tăng khả năng bị nhiễm nấm.
7. Những người mắc bệnh HIV/AIDS
Những người sống chung với HIV/AIDS có hệ miễn dịch yếu nên sẽ có một số thách thức về sức khỏe, đó là tránh nhiễm trùng. Nhiễm trùng nấm là nhiễm trùng cơ hội, chúng thường ảnh hưởng đến người có hệ miễn dịch yếu nên những người nhiễm HIV có nhiều khả năng nhiễm một số loại nấm như: cryptococcosis, coccidioidomycosis, histoplasmosis, and pneumocystis pneumonia (PCP).
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cdc.gov