Sử dụng thuốc tăng nhãn áp cần phải theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa bởi không phải trường hợp bệnh nhân nào cũng có thể dùng thuốc này. Vậy ai cần thận trọng khi sử dụng thuốc tăng nhãn áp?
1. Bệnh tăng nhãn áp là gì?
Bệnh tăng nhãn áp (cườm nước hay thiên đầu thống) là bệnh rối loạn mắt do sự tăng áp suất ở mắt. Khi áp suất ở mắt tăng lên gây tổn thương các dây thần kinh thị giác, làm mất thị lực và có thể dẫn tới mù lòa.
Không phải ai có áp lực mắt cao đều sẽ phát triển thành bệnh tăng nhãn áp. Có một số người có áp lực mắt bình thường nhưng cũng có thể bị tăng nhãn áp. Khi áp suất bên trong mắt quá cao hoặc quá thấp đối với một dây thần kinh thị giác đặc biệt thì sẽ gây tăng nhãn áp.
2. Các loại tăng nhãn áp
Hiện nay, tình trạng tăng nhãn áp góc mở rất thường gặp. Bệnh phát triển chậm và thường không gây ra triệu chứng. Nhiều người không nhận biết được bệnh cho đến khi bị mất thị lực đáng kể.
Một loại bệnh tăng nhãn áp ít gặp hơn đó là tăng nhãn áp đóng, thường xảy ra đột ngột do sự gia tăng áp lực nội nhãn nhanh chóng. Các triệu chứng của bệnh có thể bao gồm: Đau mắt, đỏ mắt, buồn nôn, nhìn thấy các vầng sáng hoặc vòng màu xung quanh ánh sáng, thị lực mờ. Đây là 1 tình huống khẩn cấp và có thể làm mất thị lực nhanh chóng.
3. Nguyên nhân tăng nhãn áp
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh tăng nhãn áp chính xác là do đâu. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ khiến tăng nhãn áp phát triển có thể là do:
- Di truyền, gia đình có tiền tử mắc bệnh tăng nhãn áp;
- Tuổi tác càng cao sẽ càng có nguy cơ mắc bệnh;
- Người có tiền sử mắc các bệnh viêm nhiễm ở mắt cũng có nguy cơ cao bị tăng nhãn áp hơn so với người bình thường.
- Người mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ bệnh tăng nhãn áp phát triển...
Bệnh tăng nhãn áp nếu không được điều trị hoặc điều trị sai thuốc có thể làm mất thị lực, dẫn tới mù lòa. Vì thế, khi bị tăng nhãn áp thì người bệnh cần chủ động thăm khám sớm để được điều trị.
Hiện nay chưa có phương pháp nào có thể chữa dứt điểm, triệt để bệnh tăng nhãn áp. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể bảo vệ dây thần kinh thị giác và ngăn ngừa biến chứng mù lòa.
Điều trị tăng nhãn áp chủ yếu là dùng thuốc. Mục tiêu sử dụng thuốc tăng nhãn áp là hỗ trợ giảm hoặc kiểm soát áp lực nội nhãn (IOP) và tránh tổn thương dây thần kinh thị giác. Đồng thời làm chậm hoặc ngăn ngừa các vấn đề về thị lực.
4. Các loại thuốc tăng nhãn áp thường dùng
Hiện nay, điều trị tăng nhãn áp thường sử dụng thuốc ở dạng nhỏ mắt và thuốc uống, trong đó thuốc nhỏ mắt thường được ưu tiên sử dụng. Thuốc nhỏ mắt có tác dụng làm giảm nhãn áp bằng cách giúp cho các chất lỏng trong mắt thoát ra ngoài dễ dàng và tốt hơn, giúp hỗ trợ giảm thiểu sự sản sinh của chất lỏng trong mắt.
Thuốc nhỏ mắt thường được kê trong đơn thuốc tăng nhãn áp hiện nay bao gồm các loại phổ biến sau đây:
4.1. Prostaglandin
Loại thuốc nhỏ mắt điều trị bệnh tăng nhãn áp thuộc nhóm này thường có tác dụng bằng cách làm giãn cơ ở cấu trúc phía trong của mắt. Từ đó, giúp các loại dịch thoát ra nhanh hơn và nhờ đó giúp giảm tích tụ áp lực mắt.
4.2. Thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta được dùng trong nhiều loại thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp, đây là lựa chọn đầu tiên trong điều trị tăng nhãn áp. Những thuốc này giúp làm giảm tiết dịch trong mắt và thường được kê làm thuốc bổ sung kết hợp với thuốc prostaglandin.
4.3. Thuốc chủ vận alpha-adrenergic
Loại thuốc này có tác dụng bằng cách giảm tốc độ tiết thủy dịch của mắt và có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp với loại thuốc nhỏ mắt kháng bệnh tăng nhãn áp.
4.4. Thuốc ức chế carbonic anhydrase
Loại thuốc này giúp làm giảm tốc độ tiết thủy dịch và có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với thuốc nhỏ mắt kháng bệnh tăng nhãn áp. Loại thuốc này cũng được dùng dưới dạng uống (viên).
4.5. Thuốc parasympathomimetic
Tác dụng loại thuốc này bằng cách tăng thoát thủy dịch từ mắt. Chúng thường được dùng để kiểm soát IOP ở bệnh tăng nhãn áp góc hẹp. Loại thuốc này khiến đồng tử co lại, giúp mở góc bị chặn hoặc bị hẹp ở những nơi có dẫn lưu.
4.6. Epinephrine
Loại thuốc epinephrine này có tác dụng kép với mắt bằng cách làm giảm tốc độ tiết thủy dịch và làm tăng thoát thủy dịch khỏi mắt.
4.7. Chất tăng thẩm thấu
Loại thuốc này thường chỉ định dùng một lần trong trường hợp khẩn cấp cho những người có IOP rất cao cần phải làm giảm ngay lập tức trước khi dây thần kinh thị giác bị tổn thương mà không thể khắc phục. Các chất tăng thẩm thấu làm giảm áp lực nội nhãn bằng cách giảm lượng dịch trong mắt.
4.8. Thuốc kết hợp điều trị tăng nhãn áp
Thường được dùng cho những bệnh nhân phải kết hợp nhiều loại thuốc nhỏ mắt cùng lúc để kiểm soát áp lực nội nhãn. Hiện nay, phổ biến nhất là loại nhỏ mắt gồm 2 loại thuốc có khả năng kháng bệnh tăng nhãn áp khác nhau, giúp làm giảm áp lực trong mắt.
5. Các tác dụng phụ của thuốc tăng nhãn áp
Thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp thường gây các tác dụng phụ không quá nghiêm trọng. Và mỗi một loại thuốc tăng nhãn áp sẽ có một số tác dụng phụ khác nhau, cụ thể như:
- Thuốc nhỏ mắt prostaglandin trong điều trị tăng nhãn áp có thể gây tác dụng phụ đau nhức, nóng rát và thay đổi màu mắt, làm quăn lông mi nếu dùng trong thời gian dài.
- Những thuốc nhỏ mắt thuộc nhóm thuốc chẹn beta có thể gây tác dụng phụ làm giảm nhịp tim, có thể gây ra tác dụng phụ ở những người có vấn đề về tim, phổi, tiểu đường, trầm cảm hoặc các tình trạng khác.
- Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc chủ vận alpha-adrenergic điều trị tăng nhãn áp bao gồm: Đỏ mắt, giãn đồng tử, nâng mí mắt trên và ngứa.
- Thuốc nhỏ mắt chứa hoạt tính ức chế carbonic anhydrase điều trị tăng nhãn áp có thể gây ra một số tác dụng phụ bao gồm: nóng rát, các phản ứng mí mắt, đỏ mắt.
- Tác dụng phụ của thuốc với loại thuốc nhỏ mắt parasympathomimetic bao gồm: Đau nhức lông mày, co đồng tử, nóng rát và giảm thị lực vào ban đêm.
- Các tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt nhóm Epinephrine thường gặp như là: màng kết, ống nước mắt bị tắc và đánh trống ngực, kèm tăng nhịp tim.
6. Ai cần thận trọng khi sử dụng thuốc tăng nhãn áp?
Để sử dụng thuốc tăng nhãn áp hiệu quả, an toàn thì các bác sĩ chuyên khoa cũng khuyến cáo những trường hợp sau đây cần thận trọng khi dùng thuốc tăng nhãn áp, bao gồm:
- Người bị hen phế quản.
- Có bệnh lý về tim mạch.
- Tắc nghẽn đường thở mạn tính.
- Chậm nhịp xoang.
- Suy tim hoặc bị shock do tim.
7. Một số lưu ý cần chú ý khi sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp
Đơn thuốc tăng nhãn áp dù ở dạng nhỏ mắt hay dạng uống thì bệnh nhân cũng cần phải dùng thuốc đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ. Khi sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp thì người bệnh cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Sử dụng thuốc hàng ngày theo đúng chỉ định của bác sĩ và theo hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc.
- Sau khi nhỏ thuốc vào mắt thì nên nhắm mắt lại từ 1-2 phút, kết hợp với việc ấn nhẹ vào khóe mắt gần mũi sẽ giúp giảm thiểu các tác dụng phụ toàn thân của thuốc có thể gây ra.
- Với những người dùng kính áp tròng thì cần lấy kính ra trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt.
- Khi gặp phải tác dụng phụ của thuốc thì bệnh nhân cần ngừng sử dụng và hãy thông báo với bác sĩ điều trị để được tư vấn tốt nhất.
- Đi khám mắt định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để biết được tình trạng bệnh lý, có đáp ứng thuốc tốt không nhằm có phương pháp điều trị phù hợp cho từng giai đoạn bệnh.
Hy vọng qua bài viết này thì mọi người đã hiểu rõ hơn về bệnh tăng nhãn áp, thuốc điều trị tăng nhãn áp và biết được ai cần thận trọng khi sử dụng thuốc tăng nhãn áp. Từ đó sử dụng đúng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị bệnh tốt nhất.