8 điều người bệnh cần biết về nhân tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan nội tiết quan trọng nằm ở phía trước cổ. Đây là vị trí thường xuyên xuất hiện các khối u, bướu tuyến giáp, trong đó có bệnh nhân tuyến giáp. Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân tuyến giáp cho kết quả điều trị và tiên lượng tốt. Tuy nhiên nhân tuyến giáp hình thành lặng lẽ, khó phát hiện.

Nhân tuyến giáp hay u tuyến giáp có nhân là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp tạo thành một khối trong tuyến giáp làm thay đổi cấu trúc và chức năng nội tiết của tuyến giáp. Mặc dù phần lớn các nhân tuyến giáp đều lành tính (không ung thư). Để chẩn đoán và điều trị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm nhất, hầu hết các nhân tuyến giáp cần được chẩn đoán chính xác bởi bác sĩ chuyên khoa. Sau đây là một số điều người bệnh cần nắm được về nhân tuyến giáp.

1. Làm sao tôi biết mình đang có nhân tuyến giáp?

Đa số người bệnh có nhân tuyến giáp đều không có biểu hiện lâm sàng. Khi nhân tuyến giáp quá to, người bệnh có thể phát hiện thấy khối nhân di động theo nhịp nuốt hoặc có thể sờ thấy khối nhân. Vì vậy, người bệnh nên đi làm xét nghiệm siêu âm tuyến giáp nếu muốn biết mình có bị nhân tuyến giáp hay không.

2. Tôi rất lo lắng vì sợ khối nhân tuyến giáp bị ung thư, tôi phải làm gì để biết được chắc chắn căn bệnh của mình?

Chỉ đo kết quả giải phẫu bệnh tế bào nhân giáp mới khẳng định chắc chắn khối nhân giáp có phải là ung thư hay không. Vì vậy, khi người bệnh có khối nhân tuyến giáp, bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết sẽ tư vấn cho khách hàng chọc hút tế bào nhân giáp dưới hướng dẫn siêu âm để chẩn đoán xác định.

3. Thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp an toàn không?

Đây là thủ thuật khá an toàn và ít có biến chứng. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, thủ thuật chọc hút nhân tuyến giáp được thực hiện tại phòng thủ thuật có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn chặt chẽ. Bác sĩ chuyên khoa Nội Tiết sẽ sử dụng máy siêu âm để định vị khối nhân có nguy cơ ác tính cao để từ đó lấy được các bệnh phẩm gửi đi chuyên khoa giải phẫu bệnh đọc kết quả. Thông thường, người bệnh cần phải được chọc hút từ 3-4 lần để đảm bảo đủ bệnh phẩm.

Giống như kỹ thuật lấy máu tĩnh mạch làm xét nghiệm, thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp sẽ gây đau nhẹ và chảy ít máu tại vị trí chọc hút. Ngoài ra, vị trí chọc hút sẽ bị bầm tím trong một số trường hợp và tự hết sau vài ngày.


Thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp khá an toàn
Thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp khá an toàn

4. Tôi có cần làm thêm xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh?

Kết quả siêu âm chỉ giúp người bệnh phát hiện bệnh nhân tuyến giáp. Để đánh giá toàn diện căn bệnh này, khách hàng cần làm thêm một số xét nghiệm về hormon tuyến giáp để đánh giá chức năng tuyến giáp như FT4, TSH. Các xét nghiệm này góp phần vào xác định xem khối u có tăng tiết hormon hay không ( nhân độc tuyến giáp) và có an toàn cho việc thực hiện thủ thuật hay không ( tình trạng cường giáp không an toàn cho việc làm thủ thuật).

5. Có loại thuốc uống nào giúp làm teo khối nhân giáp không?

Hiện nay, không có loại thực phẩm chức năng hay có loại thuốc uống đặc hiệu nào điều trị khối nhân giáp.

Theo khuyến cáo của hiệp hội các chuyên gia Nội Tiết lâm sàng Mỹ, đối với các nhân tuyến giáp lành tính, liệu pháp ức chế khối u bằng levothyroxin không được khuyến cáo. Levothyroxin chỉ được sử dụng ở những bệnh nhân trẻ tuổi có suy giáp dưới lâm sàng hoặc có bướu giáp đi kèm nồng độ TSH ở ngưỡng bình thường cao. Levothyroxin cũng không được khuyến cáo điều trị dự phòng tái phát nhân giáp sau phẫu thuật.

6. Trường hợp nào cần phải phẫu thuật cắt nhân giáp?

Phẫu thuật cắt nhân tuyến giáp là chỉ định bắt buộc đối với tất cả các trường hợp ung thư tuyến giáp mà không phụ thuộc vào kích thước khối u.

Đối với nhân tuyến giáp lành tính, phẫu thuật cắt nhân giáp được xem xét khi có các biểu hiện chèn ép tại chỗ như nuốt nghẹn, khó thở, những khối nhân kích thước lớn (thường có đường kính >3 cm) và những trường hợp trên siêu âm có nghi ngờ ung thư nhưng kết quả giải phẫu bệnh cho kết quả tế bào học lành tính.


Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần phải phẫu thuật cắt nhân giáp
Bệnh nhân ung thư tuyến giáp cần phải phẫu thuật cắt nhân giáp

7. Có phương pháp điều trị nào thay thế nếu tôi bị nhân tuyến giáp lành tính mà không muốn phẫu thuật?

Đốt sóng cao tần nhân tuyến giáp cũng cho thấy có kết quả tốt đối với nhân tuyến giáp lành tính. Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy kích thước khối u có thể giảm 94% sau 2 năm điều trị bằng đốt sóng cao tần. Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý, đốt sóng cao tần chỉ phù hợp cho điều trị nhân tuyến giáp lành tính mà không áp dụng điều trị cho ung thư tuyến giáp.

8. Tôi bị nhân tuyến giáp nhưng không phải phẫu thuật. Tôi theo dõi bệnh thế nào cho đúng?

Người bệnh nên khám lại, siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm hormon tuyến giáp sau 1 năm. Nếu các đặc điểm khối u không thay đổi so với lần đầu, người bệnh nên kiểm tra lại sau 2 năm. Nếu khối có những đặc điểm nghi ngờ ác tính trên siêu âm hoặc có những đặc điểm lâm sàng nghi ngờ ung thư như khàn giọng, mất tiếng, hạch cổ, khối u cứng chắc, chọc hút tế bào nhân tuyến giáp nên được nhắc lại. Ngoài ra, thủ thuật chọc hút tế bào nhân tuyến giáp nên được chỉ định nếu thể tích khối u tăng hơn 50%.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có các bệnh nội tiết.. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Theo đó, để nâng cao chất lượng thăm khám, dịch vụ, hiện nay Vinmec đã và đang tiếp tục triển khai Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp. Khi sử dụng gói dịch vụ này, Quý khách hàng sẽ được: Kiểm tra chức năng tuyến giáp. Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.

Để được tư vấn và đăng ký đặt lịch khám, Quý Khách có thể liên hệ hệ thống bệnh viện, phòng khám Vinmec trên toàn quốc TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe