Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Dạ dày trẻ sơ sinh còn bé nên chúng cần được ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Theo đó, các bậc mẹ cũng cần phải nắm được các dấu hiệu khi trẻ đói, đòi ăn,... mặc dù không theo trình tự thời gian trước đó để đảm bảo dinh dưỡng giúp trẻ phát triển toàn diện.
1. Dấu hiệu đói và no ở trẻ dưới 6 tháng tuổi
Đối với một số người làm mẹ lần đầu, việc cho con ăn/bú cũng có thể trở thành áp lực đối với họ. Khi trẻ hay quấy khóc hoặc gặp khó khăn trong việc bú sữa mẹ, bà mẹ có thể nên trầm cảm, buồn rầu hoặc áp lực. Trẻ ăn không tốt cũng dẫn tới tăng cân chậm và sức đề kháng có thể kém hơn. Bên cạnh đó áp lực từ phía gia đình, người thân cũng làm tăng thêm sự stress của người mẹ.
1.1. Trẻ bắt đầu thấy đói
Khi trẻ bắt đầu cảm thấy đói chúng sẽ có biểu hiện như sau:
- Liếm môi
- Mút lưỡi, tay, chân hoặc quần áo
- Tém miệng
- Miệng trẻ mở ra và đóng lại liên tục
- Quay đầu tìm kiếm
Tuy nhiên, một số bé cũng có thể không hề có các biểu hiện trên, vì thế mẹ có thể căn lượng sữa và thời gian để cho trẻ bú.
1.2. Dấu hiệu trẻ đói nhiều hơn
- Quấy khóc
- Di chuyển, cựa quậy nhiều hơn với tần suất liên tục
Nếu trẻ đã quá đói nhưng mẹ vẫn không nhận ra để cho trẻ bú thì chúng sẽ tỏ ra khó chịu, quấy khóc. Theo đó, khi trẻ đã khóc vì quá đói sẽ rất khó để cho trẻ đang khóc ăn. Vì thế mẹ hãy quan sát các dấu hiệu trẻ bắt đầu đói để cho trẻ bú kịp thời.
=>>> Xem thêm Em bé mút tay có phải đói không?
1.3. Dấu hiệu trẻ dưới 6 tháng tuổi đã bú no
Khi trẻ dưới 6 tháng tuổi đã bú no, chúng có thể có các biểu hiện sau
- Ngậm miệng lại
- Quay đầu tránh xa ti mẹ hoặc núm vú bình sữa
- Tay bắt đầu thả lỏng hơn
- Một số bé có thể ngủ ngay sau khi đã no
Xem thêm: Làm sao để biết bé đã bú đủ no?
2. Dấu hiệu đói và no ở trẻ trên 6 tháng tuổi
2.1. Dấu hiệu khi đói của trẻ trên 6 tháng tuổi
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở nên khi đói có thể có biểu hiện sau đây:
- Đưa tay với lấy đồ ăn
- Mở miệng to khi đưa thìa hoặc thức ăn tới gần
- Tỏ ra rất hào hứng khi nhìn thấy thức ăn
- Có thể bé sẽ dùng các tín hiệu từ tay hoặc miệng để báo cho mẹ biết rằng bé đang đói
2.2. Dấu hiệu trẻ trên 6 tháng tuổi đã ăn no
Khi trẻ trên 6 tháng tuổi no rồi trẻ có thể có những biểu hiện sau:
- Đẩy đồ ăn đi ra xa
- Ngậm miệng lại khi được cho ăn
- Quay đầu tránh xa thức ăn
- Có thể bé sẽ dùng các tín hiệu từ tay hoặc miệng để báo cho mẹ biết rằng bé đã no.
Mỗi trẻ lại có những dấu hiệu về đói và no có thể khác nhau. Quan trọng nhất mẹ cần quan sát những biểu hiện của trẻ để cho trẻ ăn kịp thời trong những lần sau. Ngoài ra, mẹ cũng không nên ép trẻ ăn quá nhiều, bởi có thể dẫn đến tình trạng trẻ mắc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản, trẻ sẽ trở nên dễ bị nôn trớ hơn. Khi đó, việc cho trẻ ăn sẽ trở thành áp lực vì chúng thường xuyên bị nôn trớ.
Việc các bà mẹ nhận biết được sớm các dấu hiệu bé đang đói hay bé đã ăn no là rất cần thiết, để kịp thời cung cấp dinh dưỡng và giúp giải tỏa được cơn đói của em bé. Việc này sẽ giúp cho em bé bình tĩnh và dễ dàng ngậm bú vú mẹ được tốt hơn. Khi em bé đã khóc to là dấu hiệu muộn nhất của việc báo hiệu bé đang đói vì thế sẽ gây khó khăn hơn trong việc em bé có thể bình tĩnh và bú mẹ.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Nguồn tham khảo: babycenter.com, cdc.gov