7 thói quen xấu có thể gây hại cho sức khỏe não bộ của bạn

Theo các chuyên gia, lối sống hiện đại đang ảnh hưởng đến hệ thần kinh não bộ, khiến chúng ta phản ứng chậm hơn, kém khả năng suy nghĩ và giảm nhận thức. Những thói quen làm suy giảm trí nhớ khiến não bộ bị tổn hại, dẫn đến năng suất làm việc kém hiệu quả.

1. Chảy máu chất xám do ít vận động

Không hoạt động thể chất có liên quan đến sự phát triển các vấn đề sức khỏe mãn tính, như: bệnh tim, béo phì, trầm cảm, sa sút trí tuệ và ung thư. Hơn nữa, người quá bận rộn đến mức không thể dành thời gian cho các vận động cơ bản (như đi bộ, đạp xe, vươn vai,...) có thể bị chậm quá trình nhận thức.

Theo một nghiên cứu về mối liên hệ giữa không hoạt động và suy giảm tinh thần, ít vận động làm thay đổi hình dạng của một số tế bào thần kinh trong não. Ngược lại, hoạt động thể chất thường xuyên có thể mang lại lợi ích về mặt nhận thức. Cụ thể là tăng các chất hóa học trong não, giúp thúc đẩy trí nhớ và học tập tốt hơn.

2. Làm nhiều việc cùng lúc

Ngày nay, hầu như mọi người đang sử dụng điện thoại thông minh mọi lúc. Họ nhắn tin khi đang đi bộ qua đường, cập nhật email khi đang đi làm, đọc hoặc nghe podcast khi đang xếp hàng. Thực tế, làm nhiều việc cùng lúc (multitasking) không chỉ ảnh hưởng đến năng suất làm việc, mà còn là một thói quen gây suy giảm trí nhớ, khiến bộ não hoạt động kém hiệu quả hơn.

Theo một nhà khoa học thần kinh, não bộ của chúng ta không có dây thần kinh chuyên để làm nhiều việc cùng lúc. Khi bạn nghĩ rằng mình đang multitasking, thực chất não bộ chỉ chuyển từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác với tốc độ nhanh chóng, chứ không phải thực hiện cả hai cùng lúc. Hơn nữa mỗi khi làm như vậy, quá trình nhận thức cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Xử lý nhiều việc một lúc cũng làm tăng hormone căng thẳng cortisol cũng như hormone adrenaline, có thể kích thích não bộ quá mức và gây ra tình trạng rối loạn tinh thần hoặc suy nghĩ lộn xộn.


Việc sử dụng điện thoại quá nhiều là thói quen gây suy giảm trí nhớ
Việc sử dụng điện thoại quá nhiều là thói quen gây suy giảm trí nhớ

3. Quá tải thông tin khiến não bị kích thích quá mức không cần thiết

Theo một đánh giá, quá tải thông tin là một trong những điều khó chịu nhất của cuộc sống hiện đại. Khối lượng các email, cập nhật và thông báo mạng xã hội mà chúng ta nhận được có thể quá tải đối với nhiều người, khiến họ mất nhiều thời gian. Thông tin liên tục nếu không được quản lý có thể gây căng thẳng và làm cản trở quá trình ra quyết định.

Một số người tự hào khoe khoang rằng họ có thể xử lý bao nhiêu thứ chỉ trong một ngày. Nhưng một cựu giáo sư tâm lý đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng: Khi đang trong tình huống cố gắng tập trung vào một nhiệm vụ, một email mới xuất hiện ở hộp thư đến gây xao nhãng có thể làm giảm chỉ số IQ của bạn xuống 10 điểm.

Để tối đa hóa bộ não mỗi ngày hãy:

  • Sử dụng các công cụ và điều chỉnh cài đặt ứng dụng để lọc thông tin trong suốt cả ngày
  • Chủ động về cách sử dụng phương tiện truyền thông
  • Chuẩn bị cho bộ não kỹ năng bỏ qua những thông tin không cần thiết.

Khi bạn sắp xếp một ngày của mình với những nguyên tắc này, bạn có thể tăng hiệu quả hoạt động của não đáng kể.

4. Ngồi quá lâu

Ngồi là một trong những tác nhân gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một nghiên cứu mới cho biết vùng não liên quan đến trí nhớ của những người ít vận động sẽ bị mỏng đi.

Như vậy, ngồi không chỉ là một nguy cơ sức khỏe thể chất, mà còn là một nguy cơ thần kinh. Liên quan đến hành vi ít vận động và cấu trúc não, ngay cả khi bạn hoạt động thể chất nhiều hơn, độ dày của thùy thái dương trung gian cũng không thể hồi phục do tác hại ngồi nhiều trong thời gian dài.

Bạn có thể giảm thời gian ngồi bằng cách đi bộ và đứng khi làm việc 10 phút mỗi lần, hoặc đứng khi tiến hành các cuộc họp ngắn. Việc này tạo điều kiện cho bạn ngồi ít hơn và di chuyển nhiều hơn.


Ngồi quá lâu là nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ
Ngồi quá lâu là nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ

5. Sử dụng thiết bị điện tử có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc

Ngày nay, việc gặp gỡ tương tác trực tiếp (face-to-face) đã được thay thế bởi các phương tiện kỹ thuật số. Mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến (online) hơn bao giờ hết.

Nhà trị liệu tâm lý, đồng thời là chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần giải thích: Mối quan tâm khi nuôi dạy con cái trong thời đại kỹ thuật số là dành quá nhiều thời gian cho màn hình, bao gồm tivi, điện thoại, máy tính bảng, máy tính, trò chơi điện tử.

Trò chuyện trực tiếp vô cùng có lợi cho não bộ của bạn. Một nghiên cứu cho thấy trò chuyện mỗi ngày với một người khác dù chỉ 10 phút cũng đã cải thiện trí nhớ và nhận thức. Giao tiếp xã hội cũng hiệu quả như các hình thức vận động trí óc, giúp tăng cường trí nhớ và trí tuệ.

Việc thiếu tương tác cá nhân thực sự sẽ hạn chế cơ hội cho não tạo ra các kết nối tốt hơn. Điều này cũng có thể dẫn đến cô đơn và trầm cảm những tình trạng tinh thần góp phần làm giảm sức khỏe não bộ đáng kể.

Nhìn vào màn hình cả ngày còn dẫn đến nguy cơ tổn thương mắt, tai, cổ, vai, lưng, cổ tay và cẳng tay của bạn, đồng thời cản trở bạn có một giấc ngủ ngon. Theo các chuyên gia, thời gian sử dụng màn hình quá nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng trí tuệ cũng như cảm xúc.

Đặt ra giới hạn dùng thiết bị điện tử rõ ràng để ngăn ngừa phát triển thói quen gây suy giảm trí nhớ. Mục đích không phải là tránh hoàn toàn sử dụng màn hình (vì điều này không thực tế trong cuộc sống hiện đại), bạn chỉ cần lưu ý về thời gian khi sử dụng một thiết bị, tránh say mê sa đà.

6. Đeo tai nghe dễ làm hỏng các bộ phận quan trọng trong tai, ảnh hưởng đến thính giác

Bản chất tự nhiên của con người là thích tăng âm lượng khi nghe nhạc để vui vẻ và đắm chìm hơn. Những chiếc tai nghe nhỏ gọn xuất hiện ngày càng nhiều khiến bạn dễ làm hỏng thính giác của mình.

Khi bên ngoài có nhiều âm thanh hỗn tạp khiến bạn mất tập trung, bạn sẽ bị cám dỗ bởi tai nghe chống ồn, phát lên những giai điệu yêu thích và khép mình lại để tập trung tốt hơn.

Nhưng nếu thường xuyên mở nhạc quá to, bạn có thể làm hỏng thính giác của mình. Không chỉ có vậy, mất thính giác ở người lớn tuổi còn là nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và mất mô não.

Trong khi bộ não phải làm việc chăm chỉ để hiểu những điều đang được nói xung quanh, chúng lại không thể lưu trữ những gì đã nghe vào bộ nhớ. Vì vậy, bảo vệ thính giác bằng cách điều chỉnh âm lượng của tai nghe cũng là một cách tuyệt vời để não bộ hoạt động tốt hơn.

Bạn có thể kiểm tra xem mình có đang nghe nhạc quá lớn không bằng cách: Tháo tai nghe ra, đặt mức âm lượng như bình thường hay nghe và giơ đôi tai nghe ra trước mặt. Bạn có nghe rõ tiếng nhạc không? Nếu có, hãy thử vặn nhỏ hơn và lặp lại bài kiểm tra. Luôn cố gắng để cho đôi tai được nghỉ ngơi ở mức cần thiết trong ngày.


Thói quen gây suy giảm trí nhớ phổ biến hiện nay là đeo tai nghe quá nhiều
Thói quen gây suy giảm trí nhớ phổ biến hiện nay là đeo tai nghe quá nhiều

7. Ngủ không ngon giấc làm rối loạn não bộ của bạn

Ngủ không đủ giấc là một vấn đề lớn đối với nhiều người bận rộn. Thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong ngắn và dài hạn, làm trì hoãn thời gian phản ứng, lượng glucose, tâm trạng, đau đầu, suy giảm trí nhớ và mất cân bằng hormone. Nghiên cứu gần đây cho thấy ngủ không đủ giấc thực sự có thể làm teo não.

Giấc ngủ chắc chắn cần thiết cho não của bạn. Khi không có được giấc ngủ lành mạnh, cách não xử lý thông tin, củng cố ký ức, tạo kết nối và loại bỏ độc tố sẽ bị ảnh hưởng. Thiếu ngủ sẽ làm chậm quá trình suy nghĩ của bạn, làm suy giảm trí nhớ, khả năng tập trung, khả năng phán đoán và ra quyết định, đồng thời cản trở việc học tập.

Cải thiện thói quen ngủ của là một cách quan trọng để cải thiện sức khỏe não bộ. Ngủ ngon từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm là điều kiện cần thiết để kích thích các kết nối và sự phát triển của não bộ.

Nếu bạn lo lắng về sức khỏe của bộ não và khả năng suy nghĩ trong hiện tại hoặc tương lai, hãy học cách chăm sóc bộ não và tránh xa những thói quen làm suy giảm trí nhớ. Chỉ cần thực hiện một vài thay đổi đơn giản trong lối sống, bạn có thể tăng cường trí nhớ, khả năng học tập, khả năng phục hồi tinh thần và sức khỏe tổng thể của não bộ.

Ngoài việc duy trì chế độ ăn đủ chất và một lối sống lành mạnh, để đảm bảo sức khỏe bản thân bạn cũng cần thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn. Việc khám sức khỏe tổng quát sẽ giúp bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: businessinsider.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe