Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Bạn có thể thắc mắc những triệu chứng nào trong thai kỳ cần được chăm sóc y tế ngay lập tức và những triệu chứng nào có thể đợi cho đến lần khám tiền sản tiếp theo của bạn. Hãy luôn hỏi bác sĩ khi bạn thăm khám về những lo lắng của bạn. Nhưng hãy nhớ rằng, một số triệu chứng sau cần được quan tâm hơn.
1. Chảy máu khi mang thai
Chảy máu có thể xuất hiện trong bất kỳ khoảng thời gian thai kỳ của bạn. Chảy máu có thể xuất hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến xuất huyết vừa phải hoặc thậm chí là xuất huyết nặng kèm với đau bụng. Nếu bạn có ra máu âm đạo lượng ít trong khoảng thời gian ba tháng đầu thai kỳ kèm với đau bụng thì đây cũng có thể là một trong những dấu hiệu của thai ngoài tử cung. Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng thụ tinh và làm tổ ở một nơi khác ngoài tử cung, có thể đe dọa tính mạng.
Chảy máu nhiều kèm theo đau trằn bụng cũng có thể là dấu hiệu của sảy thai trong 3 tháng đầu hoặc đầu thai kỳ thứ hai. Ngược lại, ra máu kèm theo đau bụng trong tam cá nguyệt thứ ba có thể là dấu hiệu của bong nhau thai, xảy ra khi nhau thai tách khỏi niêm mạc tử cung.
Chuyên gia sức khỏe phụ nữ luôn nói rằng, chảy máu luôn là dấu hiệu cần phải lưu ý khẩn cấp. Bất kỳ hiện tượng chảy máu nào khi mang thai đều cần được chú ý ngay lập tức. Hãy gọi cho bác sĩ của bạn hoặc đến phòng cấp cứu khi phát hiện ra các triệu chứng chảy máu.
2. Buồn nôn và nôn nặng
Cảm giác buồn nôn khi mang thai rất phổ biến. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tình trạng nôn này có thể trở nên nghiêm trọng và gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tình trạng nôn nghén nặng trong ba tháng đầu có thể dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm như thai trứng hoặc cũng có thể xuất hiện trong những trường hợp mang đa thai. Có thể đây cũng chỉ là dấu hiệu của những bệnh lý nội khoa như ngộ độc thức ăn.
Nếu bạn không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì, bạn sẽ có nguy cơ bị mất nước. Suy dinh dưỡng và mất nước có thể gây hại cho em bé của bạn. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn nghiêm trọng, hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc khuyên bạn nên thay đổi chế độ ăn uống.
3. Thai giảm hoạt động
Thai giảm hoạt động có nghĩa là tình trạng thai giảm các cử động trong buồng tử cung. Bình thường, thai nhi sẽ hoạt động với một tần suất vừa phải đủ để bà mẹ có thể cảm nhận được là em bé của mình vẫn đang khoẻ mạnh. Tuy nhiên, nếu tần suất hoạt động của trẻ giảm đi khiến bà mẹ cảm thấy bất thường thì đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo rằng em bé của bạn không được khoẻ.
Một số cách để xác định cử động của em bé. Các bác sĩ gợi ý rằng, trước tiên, bạn nên uống thứ gì đó lạnh hoặc ăn thứ gì đó. Tiếp theo, bạn hãy nằm nghiêng để xem em bé cử động hay không. Nicole Ruddock, MD, trợ lý giáo sư về y học bà mẹ và thai nhi tại Đại học Y khoa Texas tại Houston cho biết, đếm những cử động thai cũng có thể hữu ích. “Không có số lượng cử động tối đa hay tối thiểu,” cô nói, “nhưng nhìn chung, bạn nên thiết lập một đường cơ sở và có nhận thức chủ quan về việc bé di chuyển nhiều hay ít. Theo nguyên tắc chung, bạn nên đếm được 10 cử động thai trở lên trong 2 giờ. Nếu ít hơn con số đó, hãy gọi điện cho bác sĩ của bạn. "
Hãy gọi cho bác sĩ của bạn càng sớm càng tốt. Bác sĩ của bạn có thiết bị theo dõi có thể được sử dụng để xác định xem em bé có đang di chuyển và phát triển thích hợp hay không.
4. Các cơn co tử cung sớm trong tam cá nguyệt thứ ba
Các cơn co thắt có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non. Tuy vậy, nhiều người lần đầu làm mẹ có thể nhầm lẫn giữa chuyển dạ thật và chuyển dạ giả. Các cơn gò chuyển dạ giả được gọi là cơn gò Braxton-Hicks. Chúng không thể đoán trước, không nhịp nhàng và không tăng cường độ. Chúng sẽ giảm dần sau 1 giờ trong khi các cơn co thắt thông thường cách nhau khoảng 10 phút hoặc ít hơn và tăng cường độ.
Nếu bạn đang ở trong tam cá nguyệt thứ ba và nghĩ rằng mình đang có những cơn co thắt, hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu quá sớm để sinh em bé, bác sĩ có thể cho bạn ngừng chuyển dạ.
5. Vỡ nước ối
Bạn bước vào bếp để uống nước và cảm thấy một dòng nước tràn xuống chân. Màng ối của bạn có thể đã bị hỏng nhưng khi mang thai, tử cung mở rộng cũng có thể gây áp lực lên bàng quang của bạn. Vì vậy, nó có thể là rò rỉ nước tiểu. Đôi khi, người phụ nữ bị són tiểu cũng có thể gây một dòng chảy mạnh của nước tiểu. Nếu bạn không chắc đó là nước tiểu hay là vỡ màng thực sự, hãy vào phòng tắm và làm rỗng bàng quang. Nếu chất lỏng vẫn tiếp tục thì bạn đã bị vỡ ối. Gọi cho bác sĩ của bạn ngay hoặc đến bệnh viện.
6. Đau đầu dữ dội dai dẳng, đau bụng, rối loạn thị giác và phù trong tam cá nguyệt thứ ba của bạn
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Đó là một tình trạng nghiêm trọng phát triển trong thai kỳ và có khả năng gây tử vong. Rối loạn này được đánh dấu bằng huyết áp cao và lượng protein dư thừa trong nước tiểu của bạn, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ.
Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức và kiểm tra huyết áp của bạn. Chăm sóc trước khi sinh tốt có thể giúp phát hiện sớm tiền sản giật.
7. Các triệu chứng cúm
Điều quan trọng đối với phụ nữ mang thai là phòng ngừa cúm vì phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị ốm và có các biến chứng nghiêm trọng do cúm hơn những phụ nữ khác trong mùa cúm. Việc mắc cúm hoặc số bệnh lý nhiễm trùng trong thời gian mang thai như Rubella có thể gây dị tật cho cho em bé của bạn. Vì vậy, tiêm ngừa vacxin là một trong những công cụ hiệu quả giúp phòng ngừa những nguy cơ này.
Nhưng nếu bạn bị cúm, đừng vội đến bệnh viện hoặc văn phòng bác sĩ, nơi bạn có thể lây bệnh cho những phụ nữ mang thai khác. Bạn nên gọi cho bác sĩ của mình trước để được tư vấn.
Tóm lại, khi xuất hiện các dấu hiệu trên trong quá trình mang thai,cần khám, siêu âm và thực hiện các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán để điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com