Sữa mẹ là thực phẩm rất bổ dưỡng, cung cấp hầu hết các chất dinh dưỡng bé cần trong 6 tháng đầu đời. Những gì mẹ ăn sẽ ảnh hưởng nhất định đến lượng sữa và chất lượng sữa. Vì vậy, mẹ cần có một chế độ ăn uống cân bằng, đa dạng để đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển của trẻ.
1. Cá chứa nhiều thủy ngân
Cá là một nguồn cung cấp axit docosahexaenoic (DHA), axit eicosapentaenoic (EPA) tuyệt vời và khó có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm khác. Hai loại axit béo omega-3 vốn rất quan trọng cho sự phát triển não bộ ở trẻ sơ sinh. Mặc dù vậy, một số loại cá và hải sản chứa nhiều thủy ngân, đây là một kim loại có thể gây độc, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ em là những người rất nhạy cảm với ngộ độc thủy ngân. Trường hợp tiếp xúc cấp tính với lượng thủy ngân cao có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến hệ thần kinh trung ương của trẻ sơ sinh và làm cho trẻ có thể bị phát triển chậm trễ hoặc suy giảm trong nhận thức, kỹ năng vận động, lời nói và ngôn ngữ không gian-thị giác.
Vì vậy, bạn nên tránh một số loại cá chứa nhiều thủy ngân khi đang nuôi con bằng sữa mẹ như: cá ngừ mắt to, cá thu vua, cá cam sần sùi, cá mập, cá kiếm và cá ngói. Để đảm bảo cung cấp đủ omega-3 đồng thời giảm nguy cơ ngộ độc thủy ngân, các bà mẹ cho con bú nên tránh các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao và thay vào đó tiêu thụ 8–12 ounce (225–340 gam) cá có lượng thủy ngân thấp mỗi tuần.
2. Một số thảo dược bổ sung
Sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để nêm thức ăn được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú. Tuy nhiên, khi nói đến các chất bổ sung và trà thảo mộc thì có một số lo ngại về tính an toàn vì chúng ta chưa có nhiều bằng chứng để biết liệu chúng có ảnh hưởng đến phụ nữ đang cho con bú hay không. Ngoài ra, các chất thảo mộc bổ sung này có thể bị nhiễm các kim loại nặng nguy hiểm tiềm ẩn.
Rất nhiều phụ nữ đã cố gắng bổ sung các thảo mộc để giúp tăng nguồn sữa. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu không tìm thấy mối liên quan trong việc sản xuất sữa mẹ với việc có bổ sung thảo dược hay chất bổ sung lợi sữa khác.
Do đó, tốt nhất bạn nên nói chuyện với nhân viên chăm sóc sức khỏe trước khi dùng thử thực phẩm bổ sung.
3. Rượu và chất có cồn
Cho con bú kiêng gì? Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) kiêng rượu là lựa chọn an toàn nhất trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, nếu bạn uống không thường xuyên thì vẫn có thể an toàn, miễn là bạn thận trọng về số lượng và thời gian uống.
Lượng rượu mà bé có thể nhận được từ sữa mẹ phụ thuộc vào lượng rượu mẹ uống và thời điểm uống. Nghiên cứu cho thấy, lượng cồn trong sữa mẹ đạt đỉnh điểm từ 30–60 phút sau khi uống. Ngoài ra, rượu có thể tồn tại trong cơ thể của mẹ đến 2-3 giờ. Do đó, nếu bạn càng uống nhiều rượu thì càng mất nhiều thời gian để đào thải rượu ra khỏi cơ thể. Do đó, CDC khuyến nghị nên hạn chế uống rượu ở mức chỉ uống một ly mỗi ngày và đợi ít nhất 2 giờ sau khi uống mới cho con bú.
Sản lượng sữa mẹ có thể sẽ bị giảm đến 20% nếu bạn uống nhiều rượu. Hơn nữa, uống quá nhiều rượu và uống thường xuyên trong thời gian cho con bú có thể làm tăng nguy cơ bé bị gián đoạn giấc ngủ, chậm phát triển các kỹ năng vận động tâm lý và làm chậm phát triển nhận thức sau này. Đây chính là những lý do mà rượu được cho vào danh sách các thực phẩm cần tránh khi đang cho con bú.
4. Caffeine
Cà phê, soda, trà và socola là những nguồn chứa caffeine phổ biến. Khi bạn tiêu thụ chúng, một số caffeine có thể tồn tại trong sữa. Do trẻ sơ sinh gặp khó khăn trong việc phân hủy và loại bỏ caffeine. Trung bình một lượng lớn caffeine theo thời gian có thể tích tụ trong cơ thể của trẻ, gây cho bé cảm giác khó chịu và khó ngủ.
Theo CDC, các bà mẹ đang cho con bú được khuyến nghị không nên tiêu thụ quá 300 mg caffeine mỗi ngày, tương đương với hai hoặc ba tách cà phê. Nước tăng lực thường chứa thêm vitamin và thảo mộc, ngoài lượng caffeine cao phụ nữ đang cho con bú được khuyến cáo tránh các sản phẩm này trừ khi được sự chấp thuận của các nhà quản lý y tế về độ tin cậy và tính an toàn của chúng.
5. Thực phẩm chế biến sẵn
Để đáp ứng nhu cầu chất dinh dưỡng ngày càng tăng khi cho con bú, điều vô cùng quan trọng là mẹ phải ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Bạn nên hạn chế các thực phẩm chế biến vì chúng thường chứa nhiều calo, chất béo không lành mạnh và đường bổ sung nhưng lại ít chất xơ, vitamin, khoáng chất.
Nghiên cứu ban đầu cũng cho thấy rằng chế độ ăn uống của mẹ khi cho con bú có thể ảnh hưởng đến chế độ ăn uống của bé sau này khi lớn lên. Nghiên cứu trên động vật đã cho thấy hương vị mà trẻ sơ sinh tiếp xúc qua sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sở thích ăn uống của chúng khi chúng lớn lên.
Một nghiên cứu đã quan sát thấy rằng những con chuột được sinh ra từ những con chuột mẹ có chế độ ăn nhiều đồ ăn vặt có khả năng thích thức ăn nhiều chất béo, nhiều đường hơn những con có chuột mẹ có chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Mặc dù cần có thêm các nghiên cứu ở người, nhưng có một mối lo ngại rằng việc tiếp xúc thường xuyên với thực phẩm béo và đường khi bú mẹ có thể dẫn đến thói quen ăn uống kém lành mạnh và béo phì khi trẻ lớn lên.
6. Những yếu tố khác
Khi hương vị của thức ăn và đồ uống có thể có trong sữa mẹ, một số bà mẹ nhận thấy rằng các loại thực phẩm có hương vị mạnh như hành, tỏi hoặc gia vị khiến trẻ từ chối bú hoặc trẻ quấy khóc sau khi ăn.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy các bà mẹ nên tránh các loại thực phẩm có hương vị mạnh, nhưng nếu bạn nhận thấy những thay đổi trong cách bé bú thì việc loại bỏ một số loại thực phẩm hoặc gia vị khỏi chế độ ăn uống của bạn cũng nên được cân nhắc.
Các nhóm thực phẩm tiềm năng khác có thể cần tránh trong thời kỳ cho con bú bao gồm sữa bò và các sản phẩm từ đậu nành. Khoảng 0,5–2% trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể bị dị ứng với protein sữa bò và khoảng 0,25% có thể bị dị ứng với protein đậu nành. Nếu bác sĩ nhi khoa nghi ngờ trẻ có thể bị dị ứng với sữa hoặc đậu nành, bạn nên loại trừ tất cả các loại sữa bò hoặc protein đậu nành khỏi chế độ ăn uống của bạn trong 2–4 tuần nếu bạn vẫn muốn tiếp tục cho con bú.
7. Làm thế nào để biết chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến trẻ ?
Mặc dù mỗi em bé đều có đặc tính khác nhau, tuy nhiên, có một số dấu hiệu phổ biến cho thấy chế độ ăn uống của bạn có thể đang ảnh hưởng đến thai nhi, bao gồm: trẻ bị bệnh chàm, trẻ đi ngoài phân có máu, trẻ nôn mửa, trẻ bị bệnh tiêu chảy, trẻ bị tổ ong, táo bón, trẻ thở khò khè, trẻ quấy khóc bất thường, trẻ bị sốc phản vệ.
Nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số những triệu chứng này, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bé bị dị ứng hoặc thực phẩm bạn ăn bé không dung nạp được. Điều quan trọng bạn cần phải hẹn gặp bác sĩ nhi khoa để giúp xác định thực phẩm nào có vấn đề.
Nếu bị dị ứng thực phẩm, bạn có thể được hướng dẫn loại bỏ các chất gây dị ứng nghi ngờ trong vòng 2-4 tuần để xem liệu các triệu chứng có giảm bớt hay không. Hãy nhớ rằng mặc dù em bé của bạn có thể không dung nạp hoặc dị ứng khi còn nhỏ, nhưng bé vẫn có thể dung nạp những thực phẩm đó khi lớn hơn.
Sữa mẹ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển. Mặc dù hầu hết các loại thực phẩm bị cấm ăn trong thời kỳ mang thai đều có thể được ăn khi cho con bú. Nhưng có một số loại thực phẩm và đồ uống có thể không được dung nạp hoặc có tác động tiêu cực đến trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn cần thiết và tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, vì thế mẹ nên cố gắng duy trì thói quen ăn uống, sinh hoạt điều độ để đảm bảo nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con.
Tuy nhiên nếu trong quá trình nuôi con nhỏ, bạn gặp phải tình trạng tắc tia sữa hoặc quá ít sữa cho con bú, bạn nên nhờ tới sự tư vấn của các bác sĩ giàu chuyên môn tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
Với đội ngũ bác sĩ, nhân viên được đào tạo một cách bài bản, đến từ các bệnh viện lớn trên cả nước sẽ giúp khách hàng giải quyết những vấn đề hiện tại một cách đơn giản và hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com