Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Nhiều mẹ vẫn cho rằng trẻ nhỏ thì khó có nguy cơ mắc viêm phụ khoa. Nhưng trong thực tế, có những bé gái dưới 10 tuổi, thậm chí 5-6 tuổi cũng gặp các vấn đề về “vùng kín” như viêm âm hộ, âm đạo.
BSCKI Lê Thị Phương (khoa Sản Phụ khoa, bệnh viện Vinmec Hạ Long) giải thích, do khi tuổi còn nhỏ, buồng trứng chưa hoạt động, nên đặc điểm cơ quan sinh dục ở bé gái trước tuổi dậy thì khác với phụ nữ tuổi sinh sản. “Vùng kín của bé dễ bị kích ứng vì thiếu các “rào chắn” sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng. Ví dụ như, môi lớn, môi nhỏ chưa phát triển, màng trinh và biểu mô âm đạo mỏng... Ngoài ra, bởi ở bé gái, âm đạo có độ pH trung tính và thiếu các kháng thể bảo vệ, nên vi trùng có điều kiện để phát triển. Những yếu tố trên kết hợp với vệ sinh kém dễ gây nên viêm âm hộ, âm đạo ở bé gái”.
Bên cạnh đó, âm hộ và âm đạo của bé gái thường bị viêm do các vi trùng đường ruột, thậm chí vi trùng đường hô hấp và cả ký sinh trùng như giun kim.
Nếu trẻ không được chăm sóc tốt, điều kiện vệ sinh kém, thì rất dễ mắc viêm nhiễm phụ khoa.
5 điều cần lưu ý khi vệ sinh “vùng kín” cho bé đúng cách
Theo bác sĩ Lê Thị Phương, việc giữ vệ sinh “vùng kín” cho bé không quá phức tạp, mẹ hoàn toàn có thể tự thực hiện được tại nhà hàng ngày.
- Vệ sinh tối thiểu 2 lần/ngày, sáng và tối
- Đặc biệt lưu ý vệ sinh bằng nước sạch sau khi bé đi đại tiện, cần lưu ý vệ sinh từ trên xuống, để tránh đẩy vi khuẩn thâm nhập ngược trở lại “vùng kín”
- Quần lót không được quá chật, chất liệu không gây kích ứng
- Không để bé ngồi lê la dưới nền đất, đặc biệt là khi bé mặc váy hoặc chỉ mặc quần lót
- Không giặt chung đồ lót của con với bố mẹ
Các biểu hiện thường gặp khi bé gái bị viêm nhiễm “vùng kín”
Khi thấy các biểu hiện này, mẹ cần đưa bé tới gặp bác sĩ ngay để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh để bệnh nặng hơn. Viêm phụ khoa không chỉ khiến bé cảm thấy khó chịu, bức bối trong cuộc sống hàng ngày, mà có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của con yêu về sau.
- Tiết dịch màu xanh lá hoặc màu nâu, đây là biểu hiện phổ biến nhất của viêm nhiễm âm đạo
- Ngứa “vùng kín”
- Rối loạn bài niệu: đái dắt, buốt hoặc đái dầm (ở trẻ lớn)
- Bé ngủ không ngon giấc