5 chất dinh dưỡng giúp tăng lượng hồng cầu trong máu

Việc thiếu hụt một lượng lớn các tế bào hồng cầu có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu trầm trọng, kéo theo nhiều hệ lụy sức khỏe khác. Để có thể kích thích cơ thể tăng sản xuất ra các tế bào hồng cầu trong máu, bạn nên chú trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày, cũng như thực hiện các thay đổi lối sống một cách lành mạnh hơn.

1.Tình trạng thiếu máu và số lượng hồng cầu trong cơ thể

Bệnh thiếu máu thường gây ra các triệu chứng như mệt mỏi hoặc yếu sức. Tình trạng này thường xảy ra khi số lượng hồng cầu (RBC) trong máu ở mức thấp, khi đó cơ thể bạn sẽ phải làm việc vất vả hơn để có thể cung cấp đủ oxy cho toàn bộ cơ thể.

Những tế bào hồng cầu được xem là tế bào quan trọng nhất trong máu người. Cơ thể chúng ta có thể sản xuất ra cả hàng triệu tế bào hồng cầu vào mỗi ngày. Những tế bào này thường được sản sinh ra trong tủy xương và lưu thông xung quanh cơ thể trong vòng 120 ngày. Sau đó, chúng sẽ di chuyển đến gan, bị phá hủy và tái thiết lập các thành phần tế bào của chúng.

Tình trạng thiếu máu có thể làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng nguy hiểm đối với sức khỏe, do đó bạn cần phải luôn theo dõi số lượng hồng cầu của mình thông qua việc thăm khám sức khỏe định kỳ.


Thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược cơ thể

2.Những chất dinh dưỡng giúp làm tăng lượng hồng cầu trong máu

Để cải thiện số lượng hồng cầu của mình, bạn cần đảm bảo ăn những loại thực phẩm có đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:

2.1.Sắt

Một chế độ ăn uống cung cấp nhiều chất sắt có thể làm gia tăng sự sản xuất các tế bào hồng cầu trong cơ thể. Bạn có thể lựa chọn một số loại thực phẩm giàu sắt sau:

  • Thịt nội tạng, ví dụ như gan và thận
  • Thịt đỏ, ví dụ như thịt bò
  • Lòng đỏ trứng
  • Các loại rau xanh sẫm màu, chẳng hạn như cải xoăn và rau bina
  • Đậu
  • Cây họ đậu
  • Trái cây khô, như nho khô và mận khô

2.2.Axit folic

Axit folic hay còn được gọi là vitamin B9 rất hữu ích trong việc làm tăng số lượng hồng cầu trong máu của bạn. Một số loại thực phẩm giàu axit folic thường bao gồm:

  • Ngũ cốc
  • Bánh mì
  • Rau xanh đậm, ví dụ như rau bina và cải xoăn
  • Đậu lăng
  • Đậu
  • Đậu Hà Lan
  • Quả hạch

Trong ngũ cốc có hàm lượng axit folic cao
Trong ngũ cốc có hàm lượng axit folic cao

2.3.Vitamin B-12

Những thực phẩm giàu vitamin B12, bao gồm:

  • Thịt đỏ, chẳng hạn như thịt bò
  • Trứng
  • Các sản phẩm từ sữa, ví dụ như pho mát và sữa

2.4.Đồng

Mặc dù việc hấp thụ đồng không trực tiếp làm cơ thể tăng sản xuất ra các tế bào hồng cầu, tuy nhiên nó có thể giúp những tế bào này tiếp cận được với lượng sắt mà chúng cần để tái tạo. Một số loại thực phẩm có hàm lượng đồng cao mà bạn nên lựa chọn như: Gan, gia cầm, động vật có vỏ, đậu, quả hạch, anh đào,...


Bạn có thể ăn quả hạch để bổ sung đồng
Bạn có thể ăn quả hạch để bổ sung đồng

2.5.Vitamin A

Vitamin A (retinol) là một “trợ thủ” đắc lực giúp cơ thể sản xuất ra các tế bào hồng cầu. Những loại thực phẩm giàu vitamin A, bao gồm:

  • Bí đao
  • Rau xanh lá, như cải xoăn và rau bina
  • Cà rốt
  • Khoai lang
  • Trái cây, như dưa hấu, dưa đỏ và bưởi
  • Ớt đỏ

3.Các phương pháp khác giúp tăng số lượng hồng cầu trong máu

Ngoài việc ăn uống lành mạnh và đầy đủ 5 chất dinh dưỡng trên, bạn cũng nên thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống của mình để tạo ra những tác động tích cực to lớn giúp tăng lưu lượng và tuần hoàn máu trong cơ thể:

  • Từ bỏ thuốc lá: Đây được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến các căn bệnh mãn tính nguy hiểm, chẳng hạn như ung thư. Ngoài ra, nó cũng gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới tuần hoàn máu trong cơ thể.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất: Việc tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng giãn mạch và kích thích cơ thể tăng sản xuất ra các tế bào hồng cầu. Bên cạnh đó, thực hiện các hoạt động thể chất mỗi ngày cũng giúp bạn làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Giảm cân: Một cân nặng khỏe mạnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho cơ thể tuần hoàn và sản xuất ra các tế bào hồng cầu trong máu. Tình trạng thừa cân béo phì có thể làm ảnh hưởng xấu tới lưu lượng máu và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, ví dụ như sự tích tụ các mảng bám trong động mạch.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Đây là một trong những chìa khóa quan trọng đối với mọi khía cạnh của sức khỏe, bao gồm cả tuần hoàn và việc sản xuất ra các tế bào hồng cầu trong máu. Ngoài ra, tình trạng mất nước có thể làm tổn thương các tế bào nội mô và làm tăng nguy cơ gây viêm trong cơ thể, hạn chế lưu lượng máu.
  • Áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên chuyển sang ăn các loại thực phẩm như rau, các chất béo lành mạnh và các loại thực phẩm giàu chất xơ để cải thiện sức khỏe hệ tuần hoàn.

Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày
Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày

  • Giảm căng thẳng: Các nghiên cứu đã cho thấy sự căng thẳng có thể ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể, trong đó có quá trình sản xuất ra các tế bào hồng cầu. Tốt nhất, bạn nên cố gắng hạn chế sự căng thẳng của mình thông qua các hoạt động như thiền, tập yoga, làm vườn hoặc dành nhiều thời gian hơn với thiên nhiên bên ngoài.
  • Sử dụng thuốc kích thích sản xuất RBC: Hormone erythropoietin được sử dụng để điều trị cho các tình trạng thiếu máu. Loại hormone này được sản xuất chủ yếu trong gan và thận, giúp kích thích tủy xương sản xuất ra các tế bào hồng cầu (RBC). Phương pháp điều trị này được chỉ định cho các trường hợp bị thiếu máu do hóa trị, bệnh thận, ung thư hoặc một số vấn đề khác.
  • Thuốc điều trị một số tình trạng bệnh: Nếu sự thiếu hụt số lượng hồng cầu trong máu của bạn liên quan đến một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nào đó, chẳng hạn như rối loạn di truyền hoặc xuất huyết thì bạn có thể cần phải sử dụng thuốc để điều trị. Việc điều trị những tình trạng bệnh này có thể giúp gia tăng số lượng hồng cầu trong máu về mức bình thường.
  • Truyền máu: Nếu việc sử dụng thuốc không đem lại hiệu quả điều trị cao, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện truyền máu để tăng lượng hồng cầu của bạn.

Tế bào hồng cầu có vai trò rất quan trọng với cơ thể con người. Vì thế, trong các trường hợp thiếu máu và số lượng hồng cầu xuống thấp, người bệnh cần áp dụng chế độ dinh dưỡng kết hợp với lối sống, phương pháp và thuốc điều trị để cải thiện số lượng hồng cầu, đảm bảo sức khỏe lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe