Oxit nitric là một phân tử được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể và rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe. Nếu cơ thể bị thiếu hụt đi oxit nitric có thể dẫn đến một số bệnh lý như tim mạch, tiểu đường và rối loạn cương dương. Dưới đây là 5 cách giúp bạn tăng lượng oxit nitric một cách tự nhiên trong cơ thể.
1. Ăn rau chứa nhiều Nitrat
Nitrat khi được tiêu thụ vào cơ thể sẽ được chuyển hoá thành các phân tử oxit nitric. Đây là một loại chất có vai trò vô cùng thiết yếu đối với sức khỏe hệ tim mạch và hiệu suất vận động thể chất của cơ thể. Dưới đây là một số loại rau chứa nhiều nitrat, bao gồm:
- Rau ngò rí
- Rau cần tây
- Rau bina
- Củ dền
- Rau diếp
- Rau cải xoong
- Rau xà lách Arugula
Một số phân tích đánh giá đã cho thấy việc ăn nhiều loại rau giàu nitrat có công dụng làm giảm mức huyết áp ngang bằng với một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, ăn củ dền thường xuyên có thể góp phần cải thiện hiệu suất vận động thể chất của bạn.
Mặc dù nitrat có thể làm thúc đẩy quá trình sản xuất oxit nitric trong cơ thể, tuy nhiên nhiều người cho rằng nó tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với sức khoẻ và dẫn đến ung thư. Điều này có thể là do natri nitrat thường được sử dụng để làm chất bảo quản và cố định màu trong thịt nguội, thịt xông khói và xúc xích. Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột, trong đó nitrat được xem là thủ phạm chính gây bệnh.
Tuy nhiên, lượng nitrat trong rau chiếm hơn 80%, kèm theo một số loại chất chống oxy hoá quan trọng như vitamin C, giúp ngăn ngừa sự hình thành của các hợp chất N-nitroso. Vì vậy, nguồn nitrat đến từ các loại rau quả là an toàn đối với sức khỏe.
2. Tăng cường lượng chất chống oxy hoá hấp thụ vào cơ thể
Oxit nitric là một phân tử không ổn định, có thể phân huỷ nhanh trong máu, do đó bạn cần phải bổ sung chúng liên tục. Một trong những cách giúp tăng mức độ ổn định cũng như lượng oxit nitric trong cơ thể là tăng cường lượng chất chống oxy hoá hấp thụ vào cơ thể.
Các chất chống oxy hóa là những phân tử trung hòa các gốc tự do, có nhiều trong hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như rau, trái cây, hạt và ngũ cốc. Một số chất chống oxy hoá quan trọng mà bạn nên bổ sung thường xuyên trong chế độ ăn uống của mình, bao gồm:
- Vitamin C: Giúp hình thành các mô liên kết trong cơ thể, bao gồm da, gân, xương và sụn. Ngoài ra, chất chống oxy hoá này cũng góp phần sản xuất ra các chất hóa học trong não, giúp các tế bào thần kinh truyền thông điệp cho nhau.
- Vitamin E: Có tác dụng bảo vệ các tế bào khỏi những tác động tiêu cực của các gốc tự do – một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lão hoá và bệnh tật. Bên cạnh đó, vitamin E còn giúp tăng sức đề kháng cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Glutathione: Được coi là “mẹ” của tất cả các chất chống oxy hoá và giữ chức năng giải độc chính cho mọi tế bào của cơ thể.
- Polyphenol: Có tác dụng ngừa ung thư cũng như các vấn đề liên quan đến tim mạch.
Một số cuộc nghiên cứu đã cho thấy, việc tiêu thụ những tiền chất của oxit nitric, chẳng hạn như citrulline và nitrat, cùng với các chất chống oxy hoá có thể giúp duy trì được mức độ oxit nitric cao hơn trong cơ thể bằng cách làm giảm quá trình phân huỷ của chúng. Bạn có thể bổ sung nhiều rau trong chế độ ăn hàng ngày để tăng cường cũng như duy trì mức oxit nitric trong cơ thể, vì hầu hết các loại rau đều chứa nhiều nitrat và các chất chống oxy hoá quan trọng khác.
3. Sử dụng các chất bổ sung tăng cường Oxit nitric
Hiện nay, trên thị trường có sẵn các loại chất tăng cường oxit nitric. Mặc dù, những chất bổ sung này không chứa oxit nitric, nhưng chúng bao gồm các thành phần có thể giúp sản xuất oxit nitric trong cơ thể. Hai thành phần phổ biến nhất được sử dụng trong các chất bổ sung tăng cường oxit nitric là L-arginine và L-citrulline.
3.1. Axit amin L-arginine
Đây là một loại axit amin thiết yếu, chỉ được tiêu thụ trong một số điều kiện nhất định. Thông qua con đường L-arginine-NO, nó sẽ trực tiếp tạo ra các oxit nitric. Ngoài ra, L-arginine cũng được sử dụng để tăng lưu lượng máu trong cơ thể, tuy nhiên nó chỉ được sử dụng trong một số trường hợp cụ thể.
Những người bị cao huyết áp, trong đó có cả phụ nữ đang mang thai, có thể sử dụng L-arginine để làm giảm mức huyết áp. Nó sẽ được xem là an toàn cho sức khoẻ nếu bạn sử dụng khoảng 10 gam L-arginine mỗi ngày. Một số trường hợp ghi nhận nó có thể gây ra các triệu chứng tiêu hoá khi dùng với liều lượng thấp nhất là 10 gam.
3.2. Axit amin L-citrilline
Đây là một loại axit amin không thể thiếu đối với cơ thể. Khi L-citrilline được chuyển hóa thành oxit nitric, nó sẽ được sản xuất ra như một sản phẩm phụ. Sau đó, L-citrilline có thể được tái chế trở lại thành dạng L-arginine và được sử dụng để tăng cường sản xuất oxit nitric tự nhiên trong cơ thể. Trên thực tế, L-citrulline có thể làm tăng mức L-arginine trong cơ thể bạn gấp nhiều lần so với việc bổ sung L-aginine ngay từ đầu. Điều này là do phần lớn L-arginine bị phân huỷ trước khi đi vào trong máu.
Một số cuộc nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung L-citrulline có thể làm tăng lưu lượng máu, giảm mức huyết áp cao và cải thiện được hiệu suất tập thể dục của bạn. Nó cũng được coi là an toàn khi sử dụng và ít gây ra các tác dụng phụ ngay cả khi dùng với liều lượng cao.
4. Hạn chế sử dụng dung dịch súc miệng
Nước súc miệng có khả năng tiêu diệt được các loại vi khuẩn góp phần làm phát triển tình trạng sâu răng và các bệnh răng miệng khác. Tuy nhiên, khi sử dụng các loại nước súc miệng có thể vô tình tiêu diệt cả những lợi khuẩn giúp sản xuất oxit nitric.
Những lợi khuẩn trong miệng có thể chuyển đổi nitrat thành oxit nitric. Trong khi đó, chúng ta không thể sản xuất oxit nitric từ nitrat mà không có những lợi khuẩn này.
Một số bằng chứng cho thấy, nước súc miệng có thể tiêu diệt các loại lợi khuẩn ở miệng trong tối đa 12 giờ. Điều này dẫn đến giảm lượng oxit nitric được sản xuất, thậm chí có thể làm tăng mức huyết áp trong một số trường hợp nhất định.
Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, những người sử dụng nước súc miệng ít nhất 2 lần/ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 65% so với những người chưa từng sử dụng nước súc miệng. Điều này là do nước súc miệng làm giảm lượng oxit nitric, có thể làm ảnh hưởng đến sự hoạt động của insulin. Vì vậy, để duy trì lượng oxit nitric cần thiết trong cơ thể, tốt nhất bạn nên sử dụng nước súc miệng ở mức vừa phải.
5.Tập thể dục giúp lưu thông máu
Tập thể dục có thể giúp bạn cải thiện được chức năng nội mô, từ đó tăng cường sự lưu thông máu trong cơ thể. Nội mô là các lớp tế bào mỏng lót các mạch máu, nó sản xuất ra các oxit nitric và giữ cho các mạch máu luôn khoẻ mạnh. Khi lượng oxit nitric không được sản xuất đủ có thể khiến cho các chức năng nội mô bị rối loạn, góp phần dẫn đến chứng xơ vữa động mạch, huyết áp cao và bệnh tim. Do đó, việc luyện tập thể dục là một điều cần thiết để giữ cho các tế bào nội mô và mạch máu của bạn khoẻ mạnh.
Một số nghiên cứu đã cho thấy, việc tập luyện thể dục thường xuyên có thể làm tăng giãn mạch nội mô ở những người mắc bệnh tim, cao huyết áp và cả những người khoẻ mạnh. Ngoài ra, nó cũng giúp tăng cường hoạt động chống oxy hoá và ức chế sự phân huỷ oxit nitric do các gốc tự do gây ra.
Các lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe nội mô và quá trình sản xuất oxit nitric sẽ được nhận thấy rõ rệt sau ít nhất 10 tuần khi bạn vận động thể chất trong vòng 30 phút, ít nhất 3 lần/tuần.
Để đạt được kết quả tối ưu, bạn nên kết hợp tập luyện aerobic (chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ) cùng với tập luyện kỵ khí (ví dụ như tập luyện sức bền). Bạn nên lựa chọn loại hình tập thể dục mà mình yêu thích và có thể thực hiện lâu dài.
Oxit nitric là một phân tử được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể và rất quan trọng đối với nhiều khía cạnh của sức khỏe. Do đó, nếu thiếu oxit nitric, người bệnh sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh lý. Vì thế, việc tăng cường oxit nitric là vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com